Tháng 5/2018, Tổng thống Donald Trump rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran. Kế đó, ông áp đặt nhiều vòng trừng phạt đối với ngành năng lượng và tài chính của quốc gia Trung Đông. Cách đây 2 tháng, nhà lãnh đạo Mỹ liệt Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) vào danh sách khủng bố.
Thế nhưng với bộ 3 John Bolton, Mike Pompeo, Lindsey Graham chừng đó là chưa đủ.
Trong bối cảnh Lầu Năm Góc vắng bóng ông chủ thực sự kể từ sau quyết định từ chức đột ngột của ông Mattis tháng 12/2018, đặc biệt, khi quyền bộ trưởng quốc phòng Patrick Shanahan quyết định sẽ không tiếp tục tham gia quá trình phê chuẩn, bộ 3 này liên tục gây những sức ép lên Tổng thống, thúc ép ông theo đuổi chính sách cứng rắn hơn nữa với Tehran.
Cố vấn an ninh Quốc gia John Bolton
Gần như tất cả các tranh cãi của Washington với Cuba, Iraq, Triều Tiên và mới nhất là Iran đều phảng phất bóng dáng hoặc ít hoặc nhiều của vị Cố vấn an ninh Quốc gia theo quan điểm hiếu chiến của Mỹ.
Năm 2018, ông Bolton cảnh báo Washington sẽ "gây áp lực tối đa với Iran, vượt ra ngoài các biện pháp trừng phạt kinh tế" nếu Iran không không kiềm chế các hành động gây hấn của mình. Ông ca ngợi quyết định rút khỏi thỏa thuận Iran của Tổng thống Trump, gọi đó là quyết định tuyệt vời. Cuối tháng 5, ông tuyên bố Mỹ sẽ có “hành động đáp trả mạnh mẽ" nếu Iran có bất kỳ hành động nào tấn công vào lợi ích của Washignton và đồng minh tại Vịnh Persian.
Vài ngày trước đó, ông khẳng định "gần như chắc chắn" Iran đứng sau các cuộc tấn công vào 4 tàu chở dầu ngoài khơi Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE).
Quan điểm quá mức cứng rắn của ông Bolton có vẻ vượt quá sức chịu đựng của Tổng thống Trump.
Hồi đầu tháng 5, khi được hỏi về mức độ hài lòng với Cố vấn an ninh Quốc gia, ông Trump thừa nhận rằng cấp dưới của mình rất giỏi với những quan điểm mạnh mẽ.
"Nhưng tôi thực sự đã phải tiết chế John. Tôi có những phụ tá khác ôn hòa hơn ông ấy và tôi là người ra quyết định cuối cùng", ông Trump nhấn mạnh.
Ngoại trưởng Mike Pompeo
Ông Pompeo chính thức tiếp nhận chiếc ghế mà người tiền nhiệm Rex Tillerson để lại vào đầu tháng 5/2018. Một tuần sau, Tổng thống Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran và áp đặt các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt với Tehran.
Nhà lãnh đạo Mỹ từng khẳng định ông không muốn chiến tranh với Iran, nhưng các chuyên gia cho rằng Ngoại trưởng của ông không bằng lòng với đường lối kiềm chế đó. Thay vào đó, ông Pompeo ủng hộ các chính sách gây hấn nhằm chống lại và cô lập quốc gia châu Á này.
Khi còn là một nghị sỹ, năm 2004, ông Pompeo kêu gọi Washington và các đồng minh xem xét triển khai các cuộc tấn công phá hủy năng lực hạt nhân của Iran.
Hồi tháng 5, Bộ Ngoại giao Mỹ yêu cầu các nhân viên ngoại giao không làm nhiệm vụ khẩn cấp sơ tán khỏi đại sứ quán Baghdad bởi các mối đe dọa từ các nhóm dân quân liên kết với Iran. Ngay sau đó, ông Pompeo nói rằng chính quyền đã quyết định bán vũ khí cho Ả-rập Xê-út nhằm ngăn chặn "sự xâm lược của Iran".
Sau khi Mỹ tuyên bố điều thêm 1.000 quân tới Trung Đông, Pompeo nói ông rất mong "đạt được các mục tiêu chiến lược" do Trump đề ra.
"Nhưng chúng tôi không thể làm điều đó mà không đảm bảo rằng chúng tôi có khả năng đáp trả nếu Iran đưa ra quyết định tồi tệ như tấn công các lợi ích của Mỹ", ông Pompeo khẳng định.
Lindsey Graham
Không nhiều nghị sỹ Mỹ có tác động tới chính sách đối ngoại của Tổng thống Trump, và Graham, cựu binh không quân Mỹ, là một trong số ít đó.
Vị thượng nghị sỹ với từ Nam Carolina thường xuyên đề cập tới các lằn ranh đỏ nghiêm ngặt với Iran, nói bóng gió hôm 19/6 rằng Mỹ nên đánh bật hải quân, ném bom vào các nhà máy lọc dầu ở Iran nếu Tehran làm gián đoạn việc vận chuyển dầu ở eo biển Hormuz.
Hôm 20/6, ông cảnh báo giới chức lãnh đạo Iran nên chuẩn bị cho nỗi đau dữ dội sau khi chỉ trích vụ tấn công ở eo biển Hormuz và vụ bắn hạ máy bay không người lái của Mỹ.
"Tổng thống Trump đang cố gắng tránh xung đột. Nhưng thực sự là thời điểm xác định đối với ông ấy. Nếu Mỹ không sẵn sàng đối đầu với kẻ thù này, bạn sẽ hối hận", ông nói.
Bình luận