Theo thông tin từ gia đình nạn nhân ở Cà Mau, thời điểm trên, bé đang chơi đùa cùng anh chị trong xóm. Một số bé lớn gom rác xung quanh thành đống rồi đốt. Tuy nhiên, trong đống rác có một bình chứa xăng cũ. Gặp lửa, bình xăng phát nổ khiến các bé bị thương.
Nặng nhất là bé 28 tháng tuổi bỏng đến 95%, được chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) nhưng không qua khỏi sau một ngày điều trị.
Bác sĩ Diệp Quế Trinh, khoa Phỏng - Tạo hình của bệnh viện chia sẻ, đây không phải là trường hợp duy nhất bị bỏng nặng vì tai nạn sinh hoạt trong thời gian gần đây.
Cụ thể, khoa đang điều trị cho một trường hợp bé gái bỏng gas hơn 70%. Nguyên nhân ban đầu được xác định do bố hút thuốc trong nhà. Hai trường hợp khác, trẻ mới tập đi bị bỏng độ 2-3 vùng chân và bẹn vì tai nạn do ấm nước đun sôi.
Bác sĩ Trinh cảnh báo, Tết Nguyên đán là thời điểm nhiều gia đình nấu bánh chưng, luộc gà cúng. Trẻ nhỏ thường hiếu động, nếu người lớn không chú ý để con em đạp vào củi nấu còn nóng hay văng nước sôi có thể gây tai nạn thương tâm.
Với bỏng xăng, các bác sĩ cho biết khi xảy ra tai nạn, cần gỡ bỏ vật cháy (áo quần, giày dép) ra khỏi người bệnh nhân và dập nguồn lửa trực tiếp cháy trên da.
Sau đó dùng nước sạch tưới rửa liên tục khoảng 30-45 phút để làm dịu vết bỏng.
Riêng bỏng gas ở trẻ nhỏ thường nặng và kèm bỏng hô hấp nên bác sĩ khuyên người dân cần đưa đến bệnh viện càng sớm càng tốt để được xử lý.
Bình luận