Đúng 21h ngày 28/1 (tức mùng 7 Tết), ban tổ chức bắn pháo hoa khai hội chợ Viềng và lễ hội Phủ Dầy (huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định).
Chợ Viềng là phiên chợ đặc biệt, mỗi năm chỉ diễn ra một lần, vào đêm mùng 7 và ngày mùng 8 tháng Giêng. Ngoài đi chợ Viềng, người dân mang theo đồ lễ vào Phủ Dầy xin lộc đầu năm.
Phiên chợ được tổ chức trở lại sau 3 năm dừng hoạt động do ảnh hưởng của dịch COVID-19, lại diễn ra đúng vào 2 ngày cuối tuần nên lượng khách tăng đột biến. Trước giờ khai hội, dòng người ken đặc ngay từ ngoài cổng. Tình trạng an ninh được cơ quan chức năng đảm bảo ở mức cao nhất.
Bên trong Phủ Chính Tiên Hương, chật kín người dân.
Người dân đội mâm lễ phải nhích từng chút một tiến vào phủ chính.
Nhiều người chuẩn bị mâm lễ đầy đủ với ước nguyện cầu cho một năm 2023 may mắn và tài lộc.
Phủ Dầy gắn liền với sự tích về Thánh Mẫu Liễu Hạnh, một biểu tượng trong "Tứ bất tử" của Việt Nam với nghi lễ hát chầu văn - hầu đồng, nghi thức tín ngưỡng tiêu biểu của đạo Mẫu.
Một du khách tới từ Hà Nội cho biết: "Sau khi đi mua cây ở chợ Viềng, tôi đã đến Phủ Dầy để lễ. Tôi làm kinh doanh buôn bán nên đi cầu may mắn và tài lộc".
Khu vực chợ Viềng tấp nập người mua bán thịt bò. Theo nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, sở dĩ thịt bò nổi danh ở chợ Viềng là do gắn liền với truyền thuyết mẫu Liễu Hạnh ở Phủ Dầy. Khi xưa, người dân Nam Định nói chung và du khách thập phương nói riêng hay đi lễ Phủ Dầy thường dâng thịt bò để tạ lễ.
Theo quan niệm, đi chợ Viềng là để "mua may bán rủi", làm ăn phát đạt. Cả người bán và người mua đều không nói thách, mặc cả. Sự mua bán ở đây mang màu sắc tâm linh - người ta cho rằng chỉ cần bán hoặc mua được một vật gì đó cũng đều gặp may mắn.
Nhiều mặt hàng như dao, kéo và đồ gia dụng được bày bán tại chợ Viềng. Các mặt hàng ở đây có mức chênh lệch khá cao so với giá trên thị trường, nhưng không mấy ai than vãn. Thông thường ai đi chợ Viềng cũng có tâm lý muốn mua được một thứ gì đó mang về để cầu may vì người ta cho rằng đây là cách đơn giản để mua “lộc”, rước “lộc” về nhà.
Bình luận