Tuyển sinh

Biến động điểm chuẩn 2023: Ngành Sư phạm lên ngôi, hết cảnh vượt ngưỡng 30 điểm

Thứ Năm, 24/08/2023 07:19:46 +07:00

(VTC News) - Mùa tuyển sinh 2023 chứng kiến cú lội ngược dòng ngoạn mục của các trường khối ngành Sư phạm, khi mức điểm chuẩn hầu hết đều dao động từ 23 đến 28 điểm trở lên.

Ngành Sư phạm lên ngôi

Mùa tuyển sinh 2023 chứng kiến cú ngược dòng ngoạn mục của các trường đại học khối ngành Sư phạm, đặc biệt 3 chuyên ngành Sư phạm Lịch sử, Ngữ văn và Toán có mức điểm chuẩn cao vượt trội, hầu hết 27 - 28 điểm trở lên.

Trong số 9 trường, khoa thành viên thuộc Đại học Thái Nguyên, điểm chuẩn cao nhất 28 - ngành Sư phạm Lịch sử (trường Đại học Sư phạm) tăng 0,5 điểm so với năm ngoái. Tiếp đến là ngành Sư phạm Ngữ văn - 26,85 điểm và Sư phạm Địa lý - 26,73 điểm.

Biến động điểm chuẩn 2023: Ngành Sư phạm lên ngôi, hết cảnh vượt ngưỡng 30 điểm - 1

Điểm chuẩn ngành Sư phạm các trường tăng. (Ảnh minh hoạ)

Đại học Sư phạm TP.HCM đưa ra mức điểm chuẩn cao nhất với ngành Sư phạm Ngữ văn 27 điểm (giảm 1,25 điểm so với năm ngoái), tiếp theo là Sư phạm Lịch sử và Giáo dục Công dân điểm chuẩn từ 26,75 điểm trở lên.

Điểm chuẩn các trường, khoa thành viên của Đại học Đà Nẵng cao nhất xấp xỉ 28 điểm thuộc về ngành Sư phạm Lịch sử (tăng hơn 2,5 điểm so với 2022). Xếp thứ hai là ngành Sư phạm tiếng Anh, Đại học Ngoại ngữ, 27,17 điểm (cao hơn năm ngoái gần 1 điểm).

Tương tự, Đại học Sư phạm Hà Nội 2 lấy điểm chuẩn vào ngành Sư phạm Lịch sử 28,58. Tiếp đến, ngành Sư phạm Ngữ văn - 27,47 điểm, Sư phạm Lịch sử - Địa lý 27,43. Ngành Giáo dục thể chất lấy thấp nhất trong khối đào tạo giáo viên với 21 điểm.

Đại học Huế áp dụng mức điểm chuẩn cao nhất trường Đại học Sư phạm là 27,6 - ngành Sư phạm Lịch sử.

Theo công bố của Đại học Vinh, điểm chuẩn trường này đứng đầu ngành Sư phạm Lịch sử (tổ hợp C00: Văn, Sử, Địa) - 28,12, các ngành còn lại đều dưới 26 điểm. Trong đó, Sư phạm Ngữ văn và Sư phạm Địa lý lấy lần lượt 26,7 và 26,55 điểm.

Với Đại học Sư phạm Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Đức Sơn, Phó hiệu trưởng trường cho biết, điểm chuẩn xét theo phương thức thi tốt nghiệp THPT của trường năm nay cơ bản giữ ổn định. Những ngành có biến động chỉ ở mức 0,5-1 điểm.

Nhóm ngành có điểm chuẩn cao gồm: Sư phạm Toán học, Sư phạm Ngữ văn, Sư phạm Lịch sử. Điểm chuẩn nhóm này ở mức 26 - 28,42, trong đó ngành Sư phạm Lịch sử (tổ hợp C00 - Văn, Sử, Địa) cao nhất.

"Ngành Sư phạm Lịch sử lấy hơn 28 điểm do chỉ tiêu dành cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT giảm", ông Sơn nói và cho biết 16 học sinh đạt giải quốc gia môn Lịch sử năm nay đều đăng ký vào ngành này của trường và đã nhập học trước theo diện xét tuyển thẳng.

Không còn điểm chuẩn 30

Năm 2022, trong số hơn 200 trường đại học trên cả nước, 12 ngành điểm chuẩn từ 30 điểm trở lên, như: Truyền thông quốc tế (Học viện Ngoại giao) 32,18, ngành Báo chí, Luật (Đại học Văn hoá) 30,5 điểm, ngành Thương mại quốc tế, Logistics... đều trên 30 điểm. Tuy nhiên, năm nay Bộ GD&ĐT áp dụng quy chế tính điểm ưu tiên mới nên không còn tình trạng điểm chuẩn vượt ngưỡng 30. 

Nếu như năm trước, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) đưa ra mức điểm chuẩn 29,9 khiến ngay cả thủ khoa khối C00 - 29,75 năm ấy cũng có thể trượt nếu không có điểm cộng, thì năm nay trường có mức điểm cao nhất 28,78 - ngành Quan hệ công chúng.

Biến động điểm chuẩn 2023: Ngành Sư phạm lên ngôi, hết cảnh vượt ngưỡng 30 điểm - 2

Bộ GD&ĐT áp dụng cách tính điểm ưu mới nên các trường đại học không có ngành học điểm chuẩn trên 30. (Ảnh minh hoạ)

Ngành có điểm chuẩn cao thứ hai là Báo chí và Đông phương học cùng 28,5 điểm. Ngành Đông phương học và Hàn Quốc học mất ngôi đồng hạng nhất với Quan hệ công chúng khi điểm chuẩn lần lượt là 28,5 và 28,25, giảm 1,45-1,7 điểm.

Cũng là một trong những lựa chọn hàng đầu với các thí sinh khối khoa học xã hội, điểm chuẩn vào Học viện Báo chí và Tuyên truyền không chạm ngưỡng 30 điểm. Cụ thể, Truyền thông đa phương tiện cao nhất - 28,68 điểm tại tổ hợp C15 (Ngữ Văn, Toán học và Khoa học xã hội). Ngành Lịch sử cao thứ hai với 28,56 điểm, tổ hợp C00 (Văn, Sử, Địa) và C19 (Văn, Sử, Giáo dục công dân).

Học viện Ngoại giao không có ngành học nào chạm ngưỡng 30 điểm. Ngành điểm chuẩn cao nhất - Truyền thông Quốc tế ở tổ hợp C00 (Văn, Sử, Địa) với 28,46 điểm (trung bình 9,48 điểm/môn mới đỗ). Điểm chuẩn thấp nhất của Học viện Ngoại giao năm nay là 25,27 ở ngành Nhật Bản học, tổ hợp D06 (Toán, Văn, Tiếng Nhật). 

Ngay cả các trường đại học khối ngành y dược, quân đội vốn có độ hot lớn các năm tuyển sinh trước thì năm nay mức điểm chuẩn đều dao động trong khoảng 28,75 điểm quay đầu.

Theo quy chế tuyển sinh 2023 của Bộ GD&ĐT, mức điểm cộng ưu tiên áp dụng cho khu vực 1 là 0,75, khu vực 2 nông thôn là 0,5 và khu vực 2 là 0,25. Một thí sinh có thể được cộng tối đa 2,75 điểm ưu tiên.

Mức điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên sau khi quy đổi về thang 30 được xác định theo công thức: Mức điểm ưu tiên thí sinh được hưởng = [(30 - Tổng điểm đạt được)/7,5] x Tổng điểm ưu tiên được xác định thông thường.

Với cách tính này, điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên sẽ giảm dần. Những em đạt tổng 30 điểm 3 môn sẽ không còn được ưu tiên.

Thủ khoa trượt nguyện vọng 1

Tính đến chiều 23/8, ít nhất 160 trường đại học, học viện đã công bố điểm chuẩn xét tuyển đại học 2023. Trong số các trường đã công bố, ngành Khoa học Máy tính (Đại học Bách khoa Hà Nội) dẫn đầu về điểm chuẩn - 29,42 điểm.

Đây cũng số điểm chuẩn cao nhất của Đại học Bách khoa Hà Nội trong 5 năm trở lại đây. Theo lý giải của trường, một phần nguyên nhân điểm chuẩn tăng do năm nay tổng số lượng nguyện vọng gần 90.000, trong khi chỉ có 8.000 chỉ tiêu.

Tuy nhiên, điểm chuẩn ngành Khoa học Máy tính này cũng khiến nhiều người giật mình, ngay cả 2 thí sinh thủ khoa khối A00 toàn quốc năm nay trượt nguyện vọng vào ngành này. 

Theo đó, 2 thủ khoa là Nguyễn Mạnh Thắng (cựu học sinh trường THPT chuyên Bắc Giang) và Nguyễn Mạnh Hùng (cựu học sinh THPT Trưng Vương, Hưng Yên) đạt tổng 29,35 điểm. Điểm từng môn của Thắng là: 9,75 Vật lý, 10 Hóa và 9,6 Toán. Tương tự Hùng: 10 Lý, 9,75 Hóa và 9,6 điểm Toán.

Lý giải nguyên nhân hai thủ khoa khối A00 trượt nguyện vọng 1, đại diện Đại học Bách khoa Hà Nội dẫn chứng công thức tính điểm chuẩn của ngành này như sau: (Toán x 2 + Môn 2 + Môn 3) x 3/4 + Điểm ưu tiên.

Với quy định này, các thí sinh học giỏi Toán sẽ có lợi thế được nhân hệ số 2. Như vậy, khi áp dụng vào công thức tính trên, điểm xét tuyển vào ngành Khoa học máy tính của Thắng và Hùng là 29,21. Trong khi ngành này lấy 29,42 điểm.

Cũng theo đại diện Đại học Bách khoa Hà Nội, thủ khoa ngành Khoa học máy tính năm nay đạt tổng điểm ba môn theo tổ hợp chỉ ở mức 29,25, thấp hơn Hùng và Thắng. Tuy nhiên, nhờ đạt 10 Toán, tổng điểm tính theo công thức của Đại học Bách khoa Hà Nội của thí sinh này đạt 29,44, chưa tính điểm ưu tiên.

Hiện cả 2 thủ khoa khối A00 đã trúng nguyện vọng 2 vào ngành Kỹ thuật Máy tính (IT2) của Đại học Bách khoa Hà Nội. Ngành này lấy điểm chuẩn 28,29.

Hà Cường
Bình luận
vtcnews.vn