Chiều 7/9, UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức họp báo nhằm thông tin đầy đủ về dự án hồ chứa nước Ka Pét và những thông tin trái chiều liên quan đến diện tích rừng làm dự án.
Mô phỏng dự án hồ chứa nước Ka Pét ở huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.
Mở đầu cuộc họp báo, ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận thông tin sơ bộ về chủ trương đầu tư dự án hồ thủy lợi Ka Pét tại huyện Hàm Thuận Nam. Ông Hải cho biết, thời gian qua có những dư luận trái chiều về dự án hồ chứa nước Ka Pét. Tuy nhiên, vị này cho rằng dư luận chưa có đủ thông tin, chưa hiểu đúng về dự án.
"Để rộng đường dư luận, Bình Thuận tổ chức họp báo để thông tin đầy đủ, thẳng thắn về quá trình chuẩn bị hồ sơ dự án trình các cấp phê duyệt, cũng như quy mô, cách thức khai thác, bảo vệ rừng", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận nói.
Ông Dương Văn An, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Thuận tại buổi họp báo.
Sẵn sàng tiếp thu các ý kiến
Tại họp báo, ông Dương Văn An, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận chia sẻ, dự án hồ chứa nước Ka Pét đã được đưa ra lấy ý kiến từ lâu, được Quốc hội phê duyệt vào năm 2019 và điều chỉnh vào năm 2023.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận thông tin mới đây có đoàn đi khảo sát, nhưng đi vào mùa mưa chỉ mới thấy một nửa thực tế khó khăn của người dân địa phương. Nếu đoàn khảo sát đi thêm vào mùa khô sẽ hiểu được nỗi khổ của người dân.
"Khi thấy người dân chịu cảnh khô hạn, cây cối, con vật chết mòn vì thiếu nước thì làm người lãnh đạo ở địa phương mà không lo được cho dân thì đúng là tội lỗi. Giữ rừng là cho dân, giữ nước cũng là cho dân, dự án này là cho dân”, ông Dương Văn An nói.
“Mình phải đặt vào vị trí của người dân, có biết bao nhiêu cảnh khô hạn hiện hữu ra trước mắt. Tôi hứa cái gì đúng vì dân thì mình làm, có lợi cho dân thì làm, còn có hại thì dù nhỏ tôi sẽ không làm.
Chúng tôi làm ở đây không phải làm bất chấp, không phải làm không có khoa học, không phải làm theo kiểu phá hoại. Tỉnh sẵn sàng tiếp thu ý kiến của phóng viên, của nhà khoa học.
Nếu dự án này có gì bất cập, gây tổn hại nghiêm trọng đến môi trường, phá vỡ quy hoạch thì chúng tôi sẵn sàng nghiên cứu, tiếp thu, cầu thị, chúng tôi không che giấu.”, Bí thư Tỉnh ủy khẳng định.
Đánh giá ĐTM dự án hồ Ka Pét thế nào?
Trả lời phóng viên Báo điện tử VTC News về đơn vị được thuê để tư vấn đánh giá tác động môi trường, ông Nguyễn Ngọc Đông, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận (sau đây gọi là Ban QLDA Nông nghiệp tỉnh) cho biết, việc chọn đơn vị thực hiện báo cáo tác động môi trường (ĐTM) đã được mời thầu công khai.
Có 4 đơn vị mua hồ sơ dự thầu, nhưng đến thời điểm đấu thầu thì có 3 đơn vị đã nộp hồ sơ. Quá trình đánh giá hồ sơ đấu thầu, hiện nay, đơn vị được lựa chọn để thực hiện ĐTM của dự án đã đảm bảo các yếu tố năng lực.
“Liên quan đến nội dung ĐTM, vào tháng 9/2020, dự án cơ bản hoàn thành báo cáo đánh giá ĐTM và UBND tỉnh đã trình Bộ Tài nguyên & Môi trường tổ chức thẩm định. Tuy nhiên ở giai đoạn này, UBND tỉnh đang làm thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư do có một số yếu tố khác, nên phải đợi Quốc hội thông qua điều chỉnh chủ trương dự án thì chúng tôi cập nhật dữ liệu để trình lại hồ sơ báo cáo đánh giá ĐTM để thẩm định. Chúng tôi cố gắng hoàn thiện sớm nhất các nội dung báo cáo đánh giá ĐTM để đảm bảo tiến độ dự án”, ông Đông cho biết.
Trước thông tin việc đơn vị tư vấn ĐTM thanh lý hợp đồng, đại diện Ban QLDA Nông nghiệp tỉnh Bình Thuận cho biết, để hoàn thiện ĐTM dự án theo quy định tại nghị định 08 năm 2022, phải có đánh giá lại về sự cố đập và đa dạng sinh học. Việc này đòi hỏi đơn vị thực hiện ĐTM phải thuê thêm các đơn vị tư vấn để thực hiện các nội dung.
"Chúng tôi sẽ sớm làm việc với đơn vị tư vấn để thống nhất. Nếu đơn vị này không đủ năng lực thì làm thủ tục kết thúc hợp đồng, chúng tôi cũng sẵn sàng lựa chọn đơn vị khác đáp ứng yêu cầu dự án trên", đại diện Ban QLDA Nông nghiệp tỉnh nói.
Không cải tạo, nâng cao công suất các hồ hiện có
Nhiều chuyên gia cho rằng cần cải tạo nâng cao công suất các hồ hiện có, hoặc giảm công suất hồ Ka Pét từ 51 triệu m3 xuống còn khoảng 30 triệu m3 để giảm diện tích rừng.
Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Công Thành, Viện Đào tạo và khoa học ứng dụng miền Trung, đơn vị tư vấn dự án, thông tin cho biết: “Đối với công trình thủy lợi thì xây dựng hồ phải phụ thuộc vào khả năng chứa cũng như là nguồn. Nguồn đến không rõ thì làm sao xây được hồ. Lưu vực đảm bảo thì mới xây dựng được hồ. Cải tạo hồ mà khả năng sinh thủy không có thì chúng ta cũng không thể xây dựng được. Cải tạo hồ thì liên quan đến vấn đề an toàn hồ chứa, nâng cấp đập,… ảnh hưởng đến an toàn công trình”.
Ông Thành thông tin thêm: "Muốn kết nối các hồ để hỗ trợ cho nhau thì phải phụ thuộc vào điều kiện địa hình, chúng ta chỉ có thể tiếp nối các hồ từ dưới thấp lên cao, chúng ta tiếp nối các hồ từ phía thượng lưu lên hạ lưu (vùng cao xuống thấp). Ở đây hồ Ka - Pét được lựa chọn ở vị trí vùng cao, khi được xây dựng sẽ kết nối hệ thống hồ và kênh thủy lợi đã được đầu tư, nhưng chúng ta thiếu nguồn nước để kết nối để hỗ trợ cho các hồ phía dưới.
Cũng rất may mắn khi hiện nay chúng ta đầu tư hệ thống hồ thủy lợi phía dưới khá hoàn chỉnh. Chúng ta không có nguồn để điều tiết nước ở mùa mưa cho mùa khô".
Bên cạnh đó, giải thích nguyên nhân không làm hồ nhân tạo mà phải là hồ tự nhiên, ông Lê Hữu Phước - Phó giám đốc Sở NN&PTNT Bình Thuận cho rằng không chỉ trong nước mà cả thế giới thì hồ tự nhiên là tối ưu nhất. Làm hồ nhân tạo phải móc đất rất lớn, giải quyết vấn đề môi trường còn lớn hơn. Trong nước chưa có hồ nhân tạo nào làm quy mô lớn cả, ví dụ ở miền Tây có vài hồ nhân tạo rất nhỏ nhưng đã đầu tư tốn kém.
Trả lời những câu hỏi về phương án khai thác rừng, triển khai dự án, ông Lê Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở NN &PTNT Bình Thuận cho biết: “Về phương án khai thác, sau khi hoàn tất cả thủ tục, chúng tôi sẽ thuê đơn vị tư vấn, thẩm định để phân loại các loại cây rừng, rồi sẽ tổ chức đấu giá để bán. Những khu vực nào thuận lợi sẽ bán đấu giá khai thác sớm để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công, và các phần khác sẽ đấu giá cuốn chiếu".
Chủ trương đầu tư dự án hồ chứa nước Ka Pét (Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV (tháng 5/2019).
Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Chính phủ trình tờ trình điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án này. Trong các nội dung điều chỉnh, diện tích sử dụng đất của dự án lên gần 698ha (tăng gần 4,5ha so với phê duyệt ban đầu).
Trong đó, đất có rừng khoảng 620ha (giảm 60,83ha) gồm đất rừng đặc dụng là 137,95ha (giảm 24,6ha), đất rừng phòng hộ là 0,51ha (giảm 0,4ha), đất rừng sản xuất là 440,4ha (giảm 30,69ha), đất nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng là 40,72ha (giảm 5,13ha).
Bình luận