Là giáo viên lâu năm luyện thi cho các sỹ tử trong kỳ thi THPT Quốc gia, cô Phan Điệu (Thạc sỹ Lý luận và phương pháp giảng dạy tiếng Anh - Đại học Victoria (Úc) đã chia sẻ một số lời khuyên để các em học sinh lớp 12 ôn luyện tốt hơn.
Chủ yếu ôn luyện trong sách giáo khoa
Theo cô giáo Phan Điệu, thời gian này, sỹ tử dành thời gian ôn lại kiến thức (cấu trúc câu, cụm từ, các chủ điểm từ vựng) đã học theo chương trình học sách giáo khoa bởi đề thi năm 2019 sẽ bao quát toàn bộ kiến thức THPT.
Ngoài ra, các em nên luyện thật nhiều đề bám sát cấu trúc đề thi mẫu, chuẩn dạng thức đề thi chính thức của Bộ GD& ĐT.
Theo cô Điệu, mỗi ngày, các em hãy dành ít nhất 30p đến 1h để học từ mới ghi chép được từ những bài đọc, chú ý đến những từ khó trong các câu hỏi hoặc trong câu văn chứa đáp án của các câu hỏi. Mỗi bài đọc, các em chỉ nên học tối đa 10 từ mới.
Về ngữ pháp, cô Điệu lưu ý thí sinh ôn thật kỹ các thì của động từ, các loại câu (câu ở thể bị động, câu điều kiện, câu trực tiếp, gián tiếp, câu có hiện tượng đảo ngữ, thức giả định hay các loại mệnh đề quan hệ,…).
Về từ vựng, các em cần nắm chắc và phân biệt các từ loại như danh từ, động từ, tính từ, trạng từ, mạo từ, liên từ…và các cấu trúc từ khó như cụm từ cố định, cụm động từ, thành ngữ để xử lý những câu khó.
“Đề thi THPT Quốc gia năm 2019 giữ nguyên cấu trúc của năm cũ. Vì vậy, học sinh có thể tham khảo đề thi các năm trước và rút ra kinh nghiệm từ các đề này. Bên cạnh đó, các em tham khảo thêm lời khuyên từ các thầy cô và anh chị khóa trước”, cô giáo này cho hay.
Kỹ năng xử lý từng dạng bài
Cô giáo Phan Điệu cho rằng, học sinh cần trang bị cho mình kỹ năng xử lý cho từng dạng bài. Ở dạng bài đọc hiểu, học sinh cần có kỹ thuật đọc quét, đọc lướt hoặc đọc thật kỹ để lấy thông tin nhanh và chính xác.
Ngoài ra, các em có thể dựa vào ngữ cảnh của bài đọc và kỹ thuật phân tích thông tin logic, kết nối các thông tin hoặc đoán nghĩa của từ để làm các câu hỏi từ vựng.
Dạng bài trắc nghiệm từ vựng (khó nhất là phần đồng nghĩa-trái nghĩa), các em cần học thêm nhiều từ mới. Khi học một từ, các em nên học thêm ít nhất một từ đồng nghĩa và một từ trái nghĩa với từ đó.
Co giáo cho biết, dạng bài sửa lỗi sai và viết lại câu, nối câu (đa phần là các câu hỏi liên quan đến ngữ pháp), học sinh cần tỉnh táo nhìn ra cấu trúc câu. Cụ thể, học sinh hay gặp dạng cấu trúc đảo ngữ, giả định, điều kiện, mệnh đề quan hệ, cấu trúc bị động, trực tiếp, gián tiếp, vận dụng các liên từ theo các mối quan hệ đẳng lập hoặc chính phụ, nguyên nhân - kết quả,…
Theo cô Điệu, phần phát âm - trọng âm là phần dễ ăn điểm, vậy nên, học sinh cần chú ý đến phiên âm của từ khi tra từ mới và nắm chắc quy tắc đánh trọng âm của các từ loại.
Thời gian phù hợp để học tiếng Anh trong ngày
Khoảng thời gian từ 5 - 7h sáng là thời điểm tuyệt vời nhất để học ngoại ngữ. Theo đó, sau một giấc ngủ vào ban đêm, đầu óc của các em trở nên minh mẫn để tiếp nhận những thông tin mới.
“Sáng sớm cũng lúc này không gian yên tĩnh, các em ít bị yếu tố ngoại cảnh tác động nên độ tập trung sẽ cao hơn”, thạc sỹ Phan Điệu nói.
Theo cô giáo, khi học, các sỹ tử nên hạn chế sử dụng điện thoại di động hoặc máy tính có kết nối internet để tránh xao nhãng và sử dụng sách từ điển để tra từ thì sẽ nhớ được nghĩa, phiên âm của từ tốt hơn.
Cô giáo Phan Điệu đưa ra những phương pháp phân bổ thời gian học tiếng Anh các em có thể tham khảo như tận dụng tối đa khoảng thời gian học Tiếng Anh trên lớp, học sinh tập trung nghe giảng và tích cực trao đổi, tương tác, học hỏi từ giáo viên dạy và bạn bè.
Ngoài các tiết học trên lớp, các em hãy tự chia thời gian học ở nhà của mình sao cho khoa học nhất như 3 tiếng học tiếng Anh một ngày thì có 60 phút luyện đề, 30 phút chữa đề, 30 phút học từ mới và 60 phút để làm thêm các bài tập của các phần kiến thức mình hay sai khi làm đề (từ vựng hoặc ngữ pháp).
Tuỳ thuộc vào thế mạnh và điểm yếu của bạn để phân chia thời gian. Đặc biết, các em còn nhiều lỗ hổng phần nào thì cần chú ý tập trung hơn phần đó, còn những phần kiến thức thế mạnh thì cũng cần duy trì và bổ sung hàng ngày.
Lập thời gian biểu hợp lý
Thạc sỹ Phan Điệu khuyên các sỹ tử nên chú ý ghi giờ bắt đầu và giờ kết thúc khi làm bài (60p cho 50 câu trắc nghiệm).
“Thời gian này là giai đoạn nước rút khi luyện đề, các em nên đặt giờ rồi làm một cách nghiêm túc để dần thích nghi với áp lực thời gian và sẽ không bị choáng ngợp hay bối rối khi đi thi thật”, cô Điệu khuyên thí sinh.
Theo cô, sau khi làm mỗi đề, cần học sinh dành khoảng 30 phút để ghi ra những phần kiến thức bản thân còn bị sai, từ đó tìm thêm bài tập về mảng kiến thức đó.
Ba tháng cuối cùng là giai đoạn nước rút trước khi học sinh bước vào kỳ thi THPT Quốc gia, bên cạnh việc học tập, việc giữ gìn sức khoẻ thể chất và tinh thần là vô cùng quan trọng.
Các em cần lập ra thời gian biểu để học tập các môn cụ thể 1 cách hiệu quả. Sau 1 tiếng tập trung, nên thư giãn 10 -15 phút. Tránh ép bản thân học liên tục trong một thời gian quá dài, cách học như vậy vừa không đem lại hiệu quả vừa gây áp lực cho chính các em.
Thời gian gần tới ngày thi, các em nên hạn chế việc thức khuya, thay vào đó là ngủ sớm, đủ giấc (8 tiếng) và dậy sớm học bài.
Chế độ ăn uống hợp lý, bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể để tăng cường sức khoẻ.
Video: Bộ sách giúp thí sinh "tránh bẫy" trong kỳ thi THPT Quốc gia
Bình luận