Nằm cách UBND xã Minh Trí chưa đầy 7km, hồ Đồng Đò (thôn Minh Tân) rộng hàng trăm ha với những công trình kiên cố không hẹn mà gặp đang mọc lên gần như cùng lúc, sắp hoàn thành hoặc đã hoàn thiện đưa vào sử dụng.
Hồ Đồng Đò ngoài giá trị du lịch còn là hồ thủy lợi tưới tiêu của vùng. Cùng với đường mới Bắc Sơn – Minh Trí (nối với tỉnh Thái Nguyên), hồ đã được kè bờ về cơ bản. Tuy nhiên, song song với việc kè hồ, người ta cũng đã hoàn thành việc… lấp, lấn chiếm hồ để dựng các khu nghỉ dưỡng.
Anh K., một người dân của xã khẳng định: Tất cả các khu vực ven hồ Đồng Đò vừa hoàn thành đều đã có chủ. “Dân chúng tôi nhiều người biết khu đất này của ai, làm gì, mua bao nhiêu tiền. Toàn bộ vùng lòng hồ trước kia ăn sát mép đường Bắc Sơn nay bị lấp thành những dải đất bề rộng cả trăm mét, chạy dài theo mép hồ. Tất cả đều đã có chủ”.
“Mỗi lô đất lên tới cả chục tỷ đồng. Tính ra mỗi mét vuông bán chục triệu. Chúng tôi cũng không hiểu họ mua làm gì với cái giá trên trời như thế”, anh K. chia sẻ.
Qua tấm biển chỉ dẫn “Rừng phòng hộ bảo vệ môi trường”, anh K. tiếp tục dẫn chúng tôi luồn lách qua những con đường đất đỏ quạch mà nếu không phải người dân bản địa, sẽ nghĩ rằng đó là đường cụt. Cảnh tượng bạt đồi, xẻ núi để lấy mặt bằng chuẩn bị xây dựng công trình; những đống đá tảng, vật liệu xây dựng được tập kết sẵn… phơi giữa thanh thiên bạch nhật.
Đi thêm khoảng 100 mét tiến sâu vào lõi rừng thông, anh K. chỉ cho chúng tôi 2 công trình đã hoàn thiện sơn màu trắng, “ngụy trang” khá kín đáo ngay giữa màu xanh của rừng thông cổ thụ.
40 công trình bị “soi” buộc phải cưỡng chế
Chiều qua, Chủ tịch xã Minh Trí Dương Văn Nhuận cho biết Minh Trí là một trong 9 xã nằm trong kế hoạch thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng đất đai của huyện Sóc Sơn.
Tổng số công trình sai phạm thuộc diện thanh tra là 45. Xã Minh Trí có 27 công trình nằm trong “tầm ngắm” buộc phải cưỡng chế. Xã Minh Phú có 18 công trình sai phạm nằm trên đất rừng.
“Trong số 27 công trình, chúng tôi đã kiểm tra nguồn gốc đất của từng hộ. 5 trong số này vi phạm trật tự xây dựng nhưng không nằm trên đất rừng. 22 công trình còn lại nằm trên quy hoạch đất rừng phòng hộ” - ông Nhuận cho biết.
Theo ông, đây là vấn đề mang tính lịch sử tồn tại nhiều năm trước chứ không phải trong nhiệm kỳ ông làm chủ tịch.
“Quãng năm 1988 có đợt di dân làm kinh tế mới, khai hoang tại khu vực đất rừng thuộc thôn Minh Tân ngày nay (thôn có nhiều công trình đang bị thanh tra – PV). Cũng nhờ đợt khai hoang này, bà con trồng rừng nên mới thành rừng như bây giờ. Lúc đó chưa gọi là rừng, và hiện tại, khu vực này cũng mới được đưa vào quy hoạch rừng phòng hộ”.
Ông Nhuận thừa nhận, những công trình đang bị thanh tra, hầu hết là người ở vùng khác đến mua đất, làm công trình hoành tráng. “Cũng có một vài hộ dân có hộ khẩu tại xã Minh Trí xây dựng vào khoảng đầu năm 2000. Sau đó, người từ các vùng khác đến mua đất dựng nhà, nhưng họ xây công trình lớn quá nên chính quyền đều đến lập biên bản vì vi phạm trật tự xây dựng, sau đó có báo cáo cấp trên”.
Chủ tịch xã nhận định, những sai phạm của 22 công trình đang bị thanh tra tại Minh Trí “mức độ vi phạm ít nghiêm trọng hơn” so với xã Minh Phú, bởi mới đang nằm trên quy hoạch đất rừng phòng hộ.
“Chúng tôi mời từng hộ dân lên làm việc với đoàn thanh tra, mang theo hồ sơ khu đất để xác định nguồn gốc, lịch sử thửa đất… Kết luận của đoàn thanh tra và chỉ đạo của TP, huyện là cơ sở để đưa ra hình thức xử lý, công trình nào bị cưỡng chế, mức độ vi phạm…”.
Bình luận