Với mong muốn làm thế nào để con mình nói thành thạo càng nhiều ngoại ngữ càng tốt, nhiều bậc phụ huynh đã “ép” trẻ học một lúc nhiều ngôn ngữ, dẫn đến tình trạng “loạn ngôn” ở trẻ…
Ngủ cũng mơ học ngoại ngữ
Là người có thời gian học tập và làm việc ở nước ngoài, chị Nguyễn Hồng Hạnh, ở phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội luôn cho rằng ngoại ngữ là một trong những kỹ năng không thể thiếu để tiếp cận với thế giới. Theo quan điểm của chị Hạnh, trẻ càng nhỏ tuổi thì khả năng tiếp thu ngôn ngữ càng tốt, nên chị đã quyết tâm cho cô con gái mới lên 5 tuổi học 4 thứ tiếng cùng một lúc.
Mới đầu, việc học diễn ra khá suôn sẻ bởi những bài học đơn giản kiểu học mà chơi, chơi mà học. Nhưng sau một năm “ép” con theo đuổi giấc mơ trở thành người biết nhiều ngoại ngữ, chị Hạnh đã nhận ra mình sai lầm. “Hai vợ chồng tôi đều có năng khiếu về ngoại ngữ. Chồng tôi có thể đọc thông, viết thạo tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Trung Quốc và tiếng Pháp, nên tôi nghĩ con gái mình có chút gene của bố. Lúc đầu việc học không có gì khó khăn, bởi cháu tỏ ra là đứa trẻ có năng khiếu và thông minh. Mỗi tối chúng tôi đều dành thời gian nói chuyện với cháu bằng tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Trung Quốc.
Tuy nhiên, thời gian gần đây cháu có biểu hiện lẫn lộn về ngôn ngữ. Do chỉ nói chuyện tiếng Anh và tiếng Pháp được với bố mẹ nên cháu vẫn nói chuyện với bà ngoại và người thân bằng tiếng Việt. Song không ít lần tôi nhận thấy trong nhiều cuộc hội thoại, cháu không tìm được từ tiếng Việt diễn đạt cho bà ngoại hiểu, nên đã sử dụng ngôn ngữ khác, nhưng lại sai và không phù hợp văn cảnh. Thấy cháu có biểu hiệu không bình thường, tôi đã tìm đến bác sĩ tư vấn và được biết cháu bị mắc chứng rối loạn ngôn ngữ. Hiện giờ, việc học thêm ngoại ngữ của cháu đã tạm dừng, thay vào đó hàng ngày tôi phải đưa cháu đến lớp học đặc biệt để điều chỉnh ngôn ngữ…”, chị Hạnh buồn bã cho biết.
Chị Phạm Thu Thuỷ, ở phường Trung Hoà, quận Cầu Giấy cũng cho rằng: “Giai đoạn tốt nhất cho trẻ học thêm ngoại ngữ song song với ngôn ngữ mẹ đẻ là từ 3 đến 10 tuổi. Trong 10 năm đầu tiên của cuộc đời, việc dạy nhạc, ngôn ngữ và những kỹ năng cuộc sống khác sẽ dễ dàng hơn. Vì vậy nếu bỏ qua giai đoạn học ngoại ngữ của trẻ ở lứa tuổi này thì quả là một sự lãng phí lớn…”. Do vậy, chị Thuỷ quyết định đầu tư cho cậu con trai lớp 1 học thêm tiếng Anh và tiếng Pháp, thậm chí cả tiếng Nhật. Bỏ ngoài tai những lời phân tích của chồng, chị Thuỷ hi vọng biến con trở thành thần đồng về ngôn ngữ. Tuy nhiên, do không hứng thú với việc học mà mẹ “áp đặt” nên chỉ trong một thời gian ngắn cậu bé đã sợ học ngoại ngữ. Cứ đến giờ giáo viên đến dạy kèm là cậu bé lại giả vờ đau bụng, rồi vào nhà vệ sinh nôn thốc, nôn tháo. “Từ giả vờ thành thật lúc nào không hay, hơn một tháng nay, cháu bỏ ăn, người gầy rộc đi vì lo lắng phải học ngoại ngữ. Thậm chí, nhiều đêm ngủ, tôi còn nghe cháu nằm mơ, miệng lẩm bẩm toàn tiếng nước ngoài mà chính tôi cũng không biết phải dịch ra thứ ngôn ngữ gì…”, chị Thuỷ có vẻ hối hận.
Không nên ép buộc trẻ
Theo cô giáo Nguyễn Thị Minh Hoà, người có kinh nghiệm nhiều năm trong việc giảng dạy ngoại ngữ tại một trường tiểu học trên địa bàn quận Hai Bà Trưng, học ngoại ngữ như thế nào để phát huy tốt khả năng và tạo cho trẻ niềm thích thú, đam mê khi tham gia học tiếng mới là điều quan trọng. Đặc biệt, trẻ phải tìm được niềm vui thích trong việc học thì mới có kết quả. Không chỉ riêng trẻ từ 3-6 tuổi mà không ít học sinh THPT cũng thường than phiền, học tiếng Pháp khiến các em khó khăn khi phát âm tiếng Anh. Phương Anh, học chuyên Anh từ cấp 2, do vậy đến lớp 11 khả năng tiếng Anh của Phương Anh thuộc diện “siêu”. Không để phí thời gian, Phương Anh chuyển sang học thêm lớp tiếng Pháp, nhưng cũng từ đó, cô bé nói tiếng Anh không đúng ngữ điệu, dễ viết sai từ. “Bản thân em đã thành thạo tiếng Anh, học ngoại ngữ thứ hai còn “trắc trở” như vậy nữa là đối với những em nhỏ mới biết nói đã bị bố mẹ bắt học đến vài ba ngoại ngữ cùng một lúc thì sẽ quá sức …”, Phương Anh chia sẻ
Về vấn đề này, Tiến sĩ, bác sĩ Trần Tuấn - Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Phát triển cộng đồng nhận xét: “Với những năm tháng đầu đời của trẻ, ưu tiên số 1 vẫn là việc phát triển ngôn ngữ mẹ đẻ. Trẻ từ 3 - 5 tuổi, các bậc phụ huynh có thể nghĩ tới việc dạy ngoại ngữ cho con, nhưng không nên gò ép chúng vào những giờ học cứng nhắc. Nếu quyết định cho con học ngoại ngữ ngay từ lứa tuổi này, cha mẹ cần tìm nơi hội tụ các điều kiện thích hợp như: chương trình giảng dạy phù hợp với lứa tuổi, thời gian học đều đặn, trình độ ngoại ngữ và sư phạm của giáo viên tốt. Thực tế việc học nhiều thứ tiếng cùng một lúc có thể khiến trẻ chậm nói so với những trẻ học đơn ngữ. Tuy nhiên, sự chênh lệch này chỉ là vấn đề tạm thời và không có quy luật chung. Việc trẻ học và kết hợp hai, thậm chí nhiều ngôn ngữ khác nhau là có hại. Bởi, nếu trẻ thường xuyên dùng kết hợp hai ngôn ngữ, nhưng lại không phân biệt được chúng thì đó có thể là bằng chứng cho thấy trẻ không có khả năng học song ngữ. Nếu chỉ chú trọng dạy song song hai hay nhiều ngôn ngữ cho trẻ mà không phân biệt rạch ròi những ngôn ngữ sẽ dẫn đến tình trạng lẫn lộn ngôn ngữ, thậm chí “loạn ngôn” ở trẻ. Khi đó, bộ não trẻ không phân biệt được các ngôn ngữ khác nhau và sẽ mất đi khả năng phản xạ cần thiết khi giao tiếp.
Theo ANTĐ
Bình luận