Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, trong năm 2018, Ban Kinh tế Trung ương tiếp tục đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Ban Kinh tế Trung ương đã chủ trì, triển khai 7 Đề án trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư (trong đó có 4 đề án đã được Bộ Chính trị họp thông qua và ban hành nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị; 3 đề án đã có sản phẩm gửi báo cáo Bộ Chính trị để bố trí họp vào quý I năm 2019). Từ năm 2016 đến nay, Ban đã được giao chủ trì 14 đề án trình Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị; 3 báo cáo trình Ban Bí thư; tham gia phối hợp xây dựng 4 đề án trình Ban Chấp hành Trung ương, 1 đề án trình Ban Bí thư.
Bên cạnh các kết quả nổi bật về công tác nghiên cứu, tham mưu, đề xuất chủ trương, chính sách về kinh tế-xã hội, Ban Kinh tế Trung ương cũng đã hoàn thành tốt nhiệm vụ thẩm định và tham gia ý kiến. Chỉ riêng năm 2018 Ban Kinh tế Trung ương đã có 127 lượt phối hợp thẩm định, tham gia ý kiến chuyên môn về các đề án, dự án, văn bản quy phạm pháp luật quan trọng…
Năm 2018, Ban Kinh tế Trung ương đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức 24 diễn đàn, hội nghị, hội thảo, tọa đàm khoa học, phục vụ cho công tác tổng kết, đánh giá thực tiễn, nghiên cứu, đề xuất các chủ trương, chính sách của Đảng về kinh tế, xã hội.
Ông Trần Quốc Vượng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đánh giá: Các kết quả này đã phản ánh sự trưởng thành, những nỗ lực rất lớn của tập thể Ban Kinh tế Trung ương cũng như sự cộng tác, phối hợp chặt chẽ của các ban, bộ, ngành Trung ương, các địa phương và cơ quan, tổ chức liên quan trong thời gian qua.
Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đánh giá cao báo cáo kinh tế-xã hội hằng tháng của Ban Kinh tế, có sắc thái, thông tin của Đảng, phục vụ cho công tác lãnh đạo chỉ đạo.
Đồng thời, Ban Kinh tế Trung ương đã thực hiện hiệu quả Quy chế phối hợp công tác với Ban Cán sự đảng Chính phủ và các cơ quan liên quan.
“Kết quả hoạt động trong thời gian qua đã khẳng định chủ trương sáng suốt, kịp thời và đúng đắn của Bộ Chính trị về việc tái lập Ban Kinh tế Trung ương”, ông Trần Quốc Vượng khẳng định.
Về triển khai nhiệm vụ năm 2019, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư lưu ý, năm 2019 - năm bản lề trong nhiệm kỳ 2016-2020, Ban Kinh tế Trung ương cần tiếp tục bảo đảm tiến độ các nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu đề xuất cho Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư những vấn đề lớn về phát triển kinh tế-xã hội, phát triển lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất. Tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn, cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Ban Kinh tế Trung ương phải là trung tâm của Đảng, Nhà nước tập hợp trí tuệ, sự cộng tác của các chuyên gia trong và ngoài nước, đóng góp ý kiến, có đề xuất hiệu quả phục vụ phát triển kinh tế-xã hội; cần tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng công tác thẩm định, quan tâm và làm tốt hơn công tác kiểm tra, giám sát thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng về phát triển kinh tế.
Ngoài ra, Ban Kinh tế Trung ương cần sớm hoàn thiện bộ máy, cơ chế hoạt động, bảo đảm đội ngũ có chất lượng cao, cơ chế làm việc hiệu quả; cần tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, thiết thực "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, tiếp tục thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí…
“Đảng ta xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm. Trong thời gian tới nhiệm vụ của Ban Kinh tế Trung ương rất nặng nề, tập thể đơn vị cần phát huy tinh thần đoàn kết, đổi mới sáng tạo, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức để hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao”, ông Trần Quốc Vượng đề nghị.
Bình luận