Vụ cháy rừng ở Vườn Quốc gia Hoàng Liên (thuộc địa phận xã Tả Van, thị xã Sa Pa, Lào Cai) kéo dài suốt 4 ngày đêm đã làm tan hoang hàng chục ha rừng.
Những ngày qua, tỉnh Lào Cai huy động hàng nghìn cán bộ, chiến sỹ, lực lượng dân quân tự vệ của các xã trên địa bàn để hỗ trợ dập lửa, cứu rừng.
Đến ngày 23/2, tất cả 4 điểm cháy tại Vườn quốc gia Hoàng Liên đã được khống chế nhưng hơn 900 người vẫn túc trực 24/24h đề phòng lửa bùng phát trở lại.
"Rừng khoẻ là gia đình, vợ con mình khoẻ"
Bốn ngày sau khi vụ cháy tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên diễn ra, ông Giàng A Xèo (46 tuổi, ở xã Tả Van, thị xã Sa Pa) vẫn không khỏi đau đáu khi cánh rừng gắn bó với ông từ nhỏ trở nên héo úa, hoang tàn và trơ trụi.
Ông Giàng A Xèo bám trụ suốt 4 ngày đêm trong rừng Hoàng Liên, cùng các cán bộ, chiến sỹ và dân quân tự vệ chữa cháy, cứu rừng. (Ảnh: Khổng Chí)
“Sáng 19/2, khi đang ngủ thì tôi nghe được tiếng gọi thất thanh của vài người sinh sống xung quanh khu vực rừng Hoàng Liên. Tiếng hô “Cháy, cháy lớn lắm A Xèo ơi” khiến tôi tỉnh giấc”, ông Giàng A Xèo nhớ lại.
Vơ vội chiếc áo, cầm con dao hàng ngày vẫn sử dụng để đi rừng, người đàn ông 46 tuổi phóng xe máy vào khu vực cháy rừng.
Nhà ông Xèo cách điểm cháy rừng lớn nhất khoảng 7km, tuy nhiên do địa hình hiểm trở nên ông phải vứt xe máy ở ngoài trạm kiểm lâm để chạy bộ vào tiếp cận đám lửa.
“Lúc đó, tôi vứt xe, men theo các đường mòn, chạy bộ khoảng 5km để nhanh chóng tiếp cận và bạt các “đường băng” ngăn lửa, khống chế đám cháy”, ông Xèo nói.
Từ chân núi đến đỉnh đồi, ông Giàng A Xèo luôn giữ bên mình con dao để sẵn sàng kiểm tra tàn dư của đốm lửa bất kì lúc nào. Ông không nhớ mình đã băng qua bao nhiêu ngọn đồi, chặt hạ bao nhiêu cây cháy và dập tắt bao nhiêu đám lửa để cùng lực lượng công an, bộ đội, kiểm lâm hạn chế lửa lan rộng.
“Tôi sinh ra và lớn lên ở đây, cả cuộc đời gắn với rừng nên nhìn những cảnh này xót xa lắm. Chỉ mong với sự đồng lòng, chúng tôi sẽ cùng các chú bộ đội, công an, kiểm lâm sớm đẩy giặc lửa ra khỏi Vườn quốc gia Hoàng Liên”, ông trầm ngâm.
Đôi bàn tay lấm lem của người đàn ông 46 tuổi sau 4 ngày đêm gồng mình dập lửa. (Ảnh: Khổng Chí)
Tả Van những ngày này khô hanh, nắng rát khiến lực lượng chữa cháy trở nên nhanh mất sức hơn. Cầm trên tay suất cơm từ lực lượng hậu cần tiếp tế, Giàng A Xèo như có thêm sức để tiếp tục dập lửa.
“Cách đây 1,2 ngày, khi vừa ăn được miếng cơm đầu tiên thì tiếng chỉ huy lại vang lên, lửa lại tiếp tục cháy. Lúc ấy, chỉ biết đậy hộp cơm lại, uống vội miếng nước cho đỡ khát rồi lao đi”, ông Xèo nói.
Bốn ngày bám trụ cứu rừng, ông Xèo và các chiến sỹ, người dân địa phương ai cũng mặt mũi nhem nhuốc, ăn uống khẩn trương, họ thay nhau chợp mắt ngay trên nền đất để sẵn sàng nhiệm vụ khi cần.
Ông Giàng A Xèo chia sẻ, những ngày "nếm mật, nằm gai" bảo vệ rừng, ông luôn tâm niệm “dập được cháy là cứu được rừng, rừng khoẻ là vợ con mình khoẻ”. Từ đó, người đàn ông gần 50 tuổi có thêm động lực để bám rừng, chiến đấu với "giặc lửa".
Bữa cơm vội vàng của lực lượng trực ban, sẵn sàng chữa cháy.
Tiếp sức cho lực lượng chữa cháy
Những ngày qua, hàng trăm cán bộ, giáo viên, người dân, các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trên địa bàn thị xã Sa Pa và các địa phương trong tỉnh đã ủng hộ nhu yếu phẩm, nước uống đóng chai, nấu hàng nghìn suất cơm tiếp tế cho lực lượng trên tuyến đầu chống "giặc lửa".
Từ chiều 19/2, khoảng 50 người túc trực tại Trạm Kiểm lâm Tả Van (xã Tả Van, thị xã Sa Pa) để làm công tác hậu cần. Ngoài lực lượng công an, quân sự, kiểm lâm, tổ bảo vệ rừng còn có các tình nguyện viên là cán bộ xã, giáo viên và người dân trên địa bàn xã.
Các lực lượng được phân chia theo nhóm làm công việc sơ chế rau, thịt, cá, vo gạo, nấu cơm, chế biến thực phẩm.
Trong căn bếp của Trạm Kiểm lâm số 4, mỗi người tự phân công nhau từng phần việc, người nhặt rau, người nấu cơm, người chế biến, người chia cơm... ai cũng tất bật, dành hết tâm sức để nấu những món ăn ngon nhất gửi tới những chiến sỹ đang chiến đấu với "giặc lửa".
Lực lượng hậu cần tại chỗ được huy động gồm cán bộ xã, giáo viên các trường học trên địa bàn thị xã Sa Pa. (Ảnh: Khổng Chí)
Chị Vũ Thị Ngọc, cán bộ Hạt Kiểm lâm Hoàng Liên (Vườn quốc gia Hoàng Liên) cho biết, chiều 19/2, chị đang trong phòng làm việc thì thấy ngọn khói bốc cao tại khu vực Vườn quốc gia Hoàng Liên, cùng với đó là tiếng hô hào của người dân kéo nhau đi dập lửa.
“Ngay khi biết tin đám cháy xảy ra, tôi đã túc trực tại Trạm Kiểm lâm số 4 để làm nhiệm vụ hậu cần, chuẩn bị bữa ăn tiếp tế cho lực lượng tham gia chữa cháy rừng.
Lực lượng chữa cháy rừng tại thực địa rất vất vả, đối mặt với nhiều rủi ro. Mình không thể trực tiếp đến dập lửa cứu rừng thì mình góp phần nhỏ tấm lòng nấu những bữa cơm thật ngon tiếp thêm sức để mọi người thực hiện tốt nhiệm vụ”, chị Ngọc nói.
13h40 ngày 19/2, điểm cháy đầu tiên được lực lượng chức năng phát hiện tại Tiểu khu 286, khu vực Nà Háng, thôn Séo Mý Tỷ, xã Tả Van (cách Trạm Kiểm lâm số 4, thôn Séo Mý Tỷ khoảng 5km).
Đến 17h ngày 19/2, từ điểm cháy đầu tiên bùng phát thành 3 điểm cháy thuộc Tiểu khu 286 và 292a gồm: điểm cháy ở khu vực Nà Háng hướng khu dân cư Séo Mý Tỷ; điểm cháy khu vực Nà Háng hướng đi thôn Dền Thàng; điểm cháy khu vực Nà Háng giáp thôn Hàng và thôn San 1 thuộc xã Hoàng Liên.
Vị trí cháy này ở độ cao hơn 1.900 m so với mực nước biển, gió lớn, địa hình đồi núi khiến việc tiếp cận, dập lửa gặp nhiều khó khăn. Diện tích đám cháy khoảng 30ha, trong đó 4ha rừng trồng thay thế, còn lại 26ha chủ yếu là rừng không có trữ lượng, rừng nghèo, cỏ tranh, lau lách và thảm thực bì
Đến chiều 21/2, sau khi cả 3 điểm cháy trên được khống chế thì một đám cháy mới bất ngờ phát sinh theo hướng tỉnh Lai Châu, cách đám cháy cũ khoảng 500m.
Đến 7h ngày 22/2, đám cháy cơ bản được khống chế. Lực lượng chức năng tiếp tục cắt cử người ứng trực để ngăn lửa bùng phát trở lại.
Đến nay, cơ quan chức năng vẫn chưa thông báo nguyên nhân vụ cháy.
Bình luận