• Zalo

Australia chỉ trích chính sách 'ngoại giao bẫy nợ' của Trung Quốc

Thế giớiThứ Ba, 09/10/2018 12:47:00 +07:00Google News

Thượng nghị sỹ Australia cáo buộc Bắc Kinh đang áp dụng chính sách "ngoại giao bẫy nợ" để đổi lấy ảnh hưởng của Trung Quốc đối với các quốc đảo ở Thái Bình Dương.

Trong một số báo phát hành ngày 5/10 của tờ The Australian, Thượng nghị sĩ Đảng tự do Concetta Fierravanti-Wells đã trực tiếp công kích Trung Quốc, khẳng định Bắc Kinh đang áp dụng chính sách ngoại giao bẫy nợ để xây dựng ảnh hưởng tại các quốc đảo Thái Bình Dương lân cận Australia. 

Thượng nghị sỹ khẳng định Trung Quốc đang lôi kéo các nước bằng các khoản vay không thể chi trả, một chiến lược không cần động binh nhưng vẫn hiệu quả. 

Capture

Thượng nghị sĩ Đảng tự do Australia Concetta Fierravanti-Wells. (Ảnh: AAP)

"Ngày nay, ngoại giao bẫy nợ đang âm ỉ tồn tại. Các nước Thái Bình Dương cần phải sử dụng ngân sách dự trữ có hạn của chính phủ để trả nợ theo đúng cam kết với Trung Quốc để tránh tình trạng vỡ nợ. Chi tiêu trong nước và các chương trình xã hội quan trọng vì vậy bị đe dọa. 

Sự ổn định trong nội bộ các quốc gia này sẽ bị ảnh hưởng, nhu cầu nhận hỗ trợ để phát triển từ nước ngoài như Australia sẽ tăng lên. Điều này đồng nghĩa với việc, người dân Australia khi đang nộp thuế đã vô tình trợ cấp trả nợ cho Trung Quốc", tờ The Australian trích lời bà Concetta. 

Trước đó, nữ chính khách này cũng chỉ trích Trung Quốc đã tài trợ để xây dựng những "tòa nhà vô dụng" và những "con đường dẫn tới hư không" tại các đảo quốc ở Thái Bình Dương. 

Trên thực tế, Trung Quốc trong nhiều năm gần đây đã cam kết cho các nước Vanuatu, Tonga và quần đảo Solomon vay ưu đãi. Từ năm 2006 tới năm 2016, Bắc Kinh đã đầu tư 2,3 tỷ USD vào các quốc gia khu vực Nam Thái Bình Dương, theo số liệu thống kê của Viện Lowy.

Trước những cáo buộc gay gắt từ phía Thượng nghị sỹ Australia, Trung Quốc gọi ''những tuyên bố này hoàn toàn vô lý, kiêu ngạo và đầy tâm lý chiến tranh lạnh''. 

Đại sứ quán Trung Quốc phủ nhận việc Bắc Kinh đầu tư vào khu vực Thái Bình Dương xuất phát từ mục đích trục lợi chính trị.

"Thượng nghị sỹ Australia khi lặp đi lặp lại những lời sáo rỗng về cái mà bà ấy gọi là 'ngoại giao bẫy nợ' đang cố gắng chứng minh những cáo buộc vô căn cứ của mình bằng cách trích lời Thủ tướng Vương quốc Tonga Akilisi Pohiva và trích dẫn trường hợp cảng Hambantota ở Sri Lanka. 

Trên thực tế, Thủ tướng Pohiva đã khẳng định Trung Quốc chưa bao giờ yêu cầu thu nợ hoặc lấy tài sản từ Tonga bằng bất kỳ cách nào. Chính phủ Vương quốc Tonga và Trung Quốc đã duy trì liên lạc về việc trả nợ các khoản vay", Đại sứ quán Trung Quốc nhấn mạnh. 

"Ranil Wickremesinghe, Thủ tướng Sri Lanka, cũng công khai tuyên bố Sri Lanka không rơi vào bẫy nợ từ các khoản vay lãi suất cao của Trung Quốc cũng như giao quyền kiểm soát các cảng chiến lược cho Bắc Kinh", cơ quan ngoại giao Trung Quốc cho hay. 

Đại sứ quán Trung Quốc khẳng định mong muốn giúp đỡ các quốc gia Thái Bình Dương mà không có bất cứ ràng buộc chính trị nào kèm theo và rằng bất cứ nỗ lực nào cản trở mong muốn này sẽ thất bại. 

"Người ta sẽ không bao giờ giành được sự tôn trọng bằng cách bôi nhọ người khác. Cho dù sự hỗ trợ của Trung Quốc có hiệu quả hay không, cho dù đó là một chiếc bánh hay là một cái bẫy, người dân ở các đảo quốc đó sẽ tự phán xét". 

Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc và Australia tranh cãi liên quan tới các quốc đảo Thái Bình Dương. Đầu năm nay, các phương tiện truyền thông Trung Quốc chỉ trích Canberra là "chúa tể kiêu ngạo" trong khi các chuyên gia Australia lo ngại Bắc Kinh sẽ dùng tiền làm đòn bẩy để thực hiện các hành động bất chính. 

"Không phải 2 bên cùng có lợi mà chiến thắng sẽ chỉ giành cho Trung Quốc. Bắc Kinh không chỉ tiếp cận với các nguồn lực địa phương, thị trường mới mà còn có thể ép các nước phải trả tiền bằng cách nhượng lại các tài sản địa phương khi không có đủ tiền để trả nợ", Viện Lowy (Australia) cảnh báo.

Song Hy
Bình luận
vtcnews.vn