Lễ hội cầu nước làng Vân (Lễ hội cầu bùn) được tổ chức trong 3 ngày 12, 13, 14/4 âm lịch (tức ngày 12, 13, 14/5 dương lịch). Đây được xem là lễ hội "độc nhất vô nhị" ở Việt Nam, 4 năm mới tổ chức một lần.
Trước khi tổ chức phần hội, tại sân chính của đền thờ thánh Tam Giang diễn ra lễ công bố quyết định công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Phần hội gồm: rước, đánh cầu, giao lưu hát quan họ truyền thống, đốt lửa trại, các trò chơi dân gian.
Trước khi diễn ra hội vật cầu nước, quả cầu bằng gỗ lim nặng 20 kg được đặt ở trước sân đền thờ thánh Tam Giang. Tương truyền rằng, quả cầu tròn là dương tượng trưng cho mặt trời, còn lỗ cầu tượng trưng cho âm, âm dương hòa hợp thì mọi người làm ăn phát đạt, vạn sự bình yên và đó cũng là mong muốn của cộng đồng, mong một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.
Lễ hội cầu nước làng Vân có sự tham gia của 16 thanh niên khỏe mạnh tham gia hội vật gọi là quân cầu, được chia làm hai giáp (mỗi giáp 8 người), gọi là giáp trên và giáp dưới. Quân cầu sẽ làm lễ và ăn cỗ, uống rượu bằng bát trước khi ra sân thi đấu.
Sân thi đấu là sân chính đền thờ thánh Tam Giang, diện tích khoảng 200 m2, mặt sân là bùn nhão. Ở hai đầu sân có hai hố để đẩy cầu xuống, mỗi lần đẩy được cầu xuống hố là kết thúc một hiệp. Trước khi bước vào trận cầu chính, các đội chơi thực hiện 3 keo vật truyền thống mở màn cho trận cầu.
Sân thi đấu được những phụ nữ mặc trang phục truyền thống của phụ nữ vùng Kinh Bắc, gánh nước từ sông Cầu đổ vào sân cầu. Đồ gánh phải là đòn gánh cong, quang song và gánh bằng hai chĩnh gốm Thổ Hà.
Hàng nghìn người dân có mặt để xem các quân cầu thi đấu. Theo người dân làng Vân, lễ hội vật cầu thì một số nơi trong nước cũng có nhưng chỉ có ở làng Vân mới có vật cầu nước. Ngoài việc thi đấu mang niềm vui đến cho người dân và gìn giữ giá trị văn hoá tâm linh, đây cũng là môn thể thao giúp tăng thêm tình đoàn kết, tình làng nghĩa xóm.
Khi chủ tế vừa gieo cầu xuống sân cũng là lúc trai hai giáp trong bộ dạng cởi trần đóng khố nhảy ào vào tranh cướp cầu giữa bùn đất lấm lem. Cứ như vậy họ tranh tài quyết liệt trong ba ngày, mỗi ngày "đánh" một trận, mỗi trận hai giờ đồng hồ.
Mặc dù quyết liệt là vậy nhưng để đúng nghĩa đây là trò chơi mang tính cầu mùa, cầu hòa thuận, ban tổ chức đã quán triệt các quân cầu không được xích mích, va chạm thái quá.
Không chỉ quân cầu bám đầy bùn đất mà mọi người từ già đến trẻ vây quanh sới cầu ai cũng lấm lem nhưng ai nấy đều rất vui vẻ.
Sân bùn trơn trượt khiến việc giành cầu rất khó khăn nhưng các quân cầu vẫn quyết tâm đưa quả cầu vào lỗ.
Niềm vui chiến thắng của các quân cầu khi được cầu vào lỗ.
Tương truyền rằng, mỗi lần cầu được đẩy xuống hố tượng trưng cho đất trời hòa hợp, mưa thuận gió hòa giúp mùa màng bội thu.
Sau khi thi đấu xong, các quân cầu tranh thủ rửa mặt, và đặc biệt là vùng mắt.
Quả cầu gỗ được rửa sạch sẽ và chuyển vào gian chính đền thờ thánh Tam Giang chờ ngày thi đấu tiếp theo. Theo ban tổ chức, ngày 12 đánh hai cầu (tỷ số hòa), ngày 13 đánh ba cầu (tỷ số 2-1) và ngày 14 đánh bốn cầu (tỷ số hòa).
Lễ hội cầu nước làng Vân mang đậm những nét tâm linh của cư dân trồng lúa nước định canh nên mỗi khi đến dịp, người dân rất hào hứng đón nhận và hoà chung niềm vui trong lễ hội.
Bình luận