Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) sáng nay công bố báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) năm 2019. Nhận định do tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu chậm lại, ADB dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cũng sẽ thấp hơn, nhưng vẫn duy trì ở mức cao, đạt 6,8% năm nay và 6,7% năm 2020. Năm ngoái, GDP Việt Nam tăng 7,1%.
"Tăng trưởng sẽ tiếp tục toàn diện, nhiều khả năng được giữ vững trong thời gian tới, với sự hỗ trợ của ngành công nghiệp chế biến chế tạo theo định hướng xuất khẩu, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và nhu cầu trong nước bền vững", ông Eric Sigwik – Giám đốc Quốc gia ADB Việt Nam cho biết.
Đà tăng trưởng sẽ được hỗ trợ bởi việc cải cách liên tục nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và khuyến khích đầu tư tư nhân. Việc Việt Nam phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) năm ngoái, khả năng phê chuẩn hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA) cùng với việc thực hiện các FTA hiện hành sẽ tăng tốc cải tổ, tạo ra nhiều cơ hội đầu tư và thương mại.
ADB dự báo lạm phát trung bình của Việt Nam sẽ ở mức 3,5% năm nay. Tốc độ này sẽ lên 3,8% năm tới. Nguyên nhân là nhu cầu nội địa vẫn ổn định, lương tối thiểu và một số chi phí quản lý được dự báo tăng. Nhu cầu thương mại toàn cầu yếu đi và sự giảm tốc của một số nền kinh tế phát triển sẽ khiến thặng dư tài khoản vãng lai của Việt Nam co lại, còn 2,5% năm nay và 2% năm 2020.
Báo cáo của ADB nhận định rủi ro bên ngoài chính với Việt Nam là sự giảm tốc nhanh hơn dự báo của các nền kinh tế lớn, trong đó có Liên minh châu Âu, Mỹ và Trung Quốc. Đây đều là các đối tác xuất khẩu chính của Việt Nam.
Dù Việt Nam có thể hưởng lợi từ chuyển hướng thương mại và căng thẳng thương mại Mỹ - Trung kéo dài, ADB cho rằng các lợi ích này sẽ không thể hiện ngay lập tức. Bên cạnh đó, nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, từ năng suất lao động đến khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Các rủi ro nội địa cũng sẽ thành hiện thực nếu quá trình cải tổ doanh nghiệp nhà nước chậm lại.
Nhận định về các thách thức chính sách của Việt Nam, ADB cho rằng quá trình hội nhập của Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu được thúc đẩy chủ yếu bởi các doanh nghiệp nước ngoài. Việc này có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng trong dài hạn. ADB khuyến nghị Việt Nam có các chính sách cải thiện khả năng tiếp cận tài chính và nâng cao năng lực cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, để nhóm này áp dụng tốt hơn công nghệ mới và đạt giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Về tác động của việc Việt Nam gần đây liên tiếp tăng giá điện và xăng, ông Sigwik cho rằng với tình hình kinh tế hiện tại, việc tăng là "cần thiết và tích cực".
"Đây là các chi phí được điều chỉnh thường xuyên để giảm áp lực ngân sách. Nếu người tiêu dùng và doanh nghiệp không trả, chính phủ sẽ phải trả chi phí này. Quan trọng là phải xác định thời điểm tăng", ông cho biết.
Ông cũng khẳng định việc này sẽ có tác động đến lạm phát, tuy không lớn nhưng ADB vẫn sẽ theo dõi sát sao để đánh giá ảnh hưởng liên quan.
Bình luận