Nỗi ám ảnh về "chiếc gương sát nhân"
Tháng 11/1977, Hiệp hội các nhà sưu tập đồ cổ Pháp đã tổ chức một cuộc họp báo đặc biệt để cảnh báo cho các thành viên của mình không nên tìm mua chiếc gương cổ viền gỗ có tên gọi là Louis Alvarez 1743. Lời cảnh báo đi kèm với con số 38 người Pháp đã chết vì xuất huyết não khiến dư luận giật mình.
Trong quá khứ, chiếc gương "sát nhân" được tạo ra bởi một nghệ nhân người Pháp Louis Alvarez vào năm 1743. Nhưng chỉ 2 ngày sau khi hoàn thiện sản phẩm, Louis đột ngột qua đời tại nhà riêng do xuất huyết não dù trước đó, sức khỏe của ông vô cùng tốt.
Thời điểm ấy, người ta không bao giờ nghĩ cái chết của vị nghệ nhân này có liên quan đến chiếc gương nên nó được bán lại cho một cửa hàng tạp hóa. Từ đó, cuộc hành trình của chiếc gương chết chóc bắt đầu.
Nạn nhân thứ hai sau Alvarez là Tesemer, ông chủ cửa hàng bột mì tại thành phố cảng Marseille đã mua chiếc gương làm quà sinh nhật tặng vợ. Sau khi lấy chiếc gương ra khỏi hộp, thuận tay, ông đưa chiếc gương chạm khắc tinh xảo lên soi. Bỗng nhiên, Tesemer cảm thấy ớn lạnh toàn thân, rùng mình, đầu óc nặng trĩu, cảnh vật trước mắt chông chênh, chao đảo. Bà vợ thấy vậy vội đỡ ông, dìu vào phòng nhưng đáng tiếc, ông đã ra đi.
Đã có thêm hơn 30 người nữa chết “bất đắc kì tử” trong vòng hơn 100 năm sau đó. Hầu hết trước khi đột tử, họ đều rất khỏe mạnh, không nghiện ngập hay mắc bất cứ chứng bệnh gì.
Họ chỉ qua đời trong vòng ba ngày sau khi tiếp xúc với chiếc gương và nguyên nhân dẫn họ tới cái chết đều giống nhau. Trong số họ, có những người không biết tới chiếc gương này và chỉ tình cờ sử dụng nó; nhưng cũng có những người biết, tò mò, cố tình sử dụng. Dù thế nào nhưng tất cả họ đều phải nhận lấy cái chết.
Những giả thuyết ban đầu
Nhiều nhà khoa học có sự quan tâm đặc biệt xung quanh bí ẩn này; nhưng không ai dám giữ nó lại bên mình để nghiên cứu chỉ vì “chiến tích” của nó. Họ đua nhau đưa ra những phán đoán của bản thân nhưng đều không thể chứng minh chúng.
Từ thời Trung cổ, có nhiều học giả cho rằng gương soi như một tấm sắt tự hấp thụ chất độc xung quanh và bốc hơi lên dần, ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiếp xúc.
Tuy nhiên, giả thuyết này không đứng vững bởi nếu đúng là mặt gương có khả năng hấp thụ hơi độc thì chỉ cần rửa bằng nước lạnh là có thể hòa tan, làm sạch chúng. Ngoài ra, không thể giải thích về nguyên nhân của sức mạnh sát thương lớn đến như vậy của chiếc gương.
Các nhà khoa học Nga thì mở rộng vấn đề hơn. Họ nhận định rằng chiếc gương không chỉ có khả năng hấp thụ chất hóa học hữu hình mà còn có thể hấp thụ các “năng lượng thông tin vô hình”. Vật chất hữu hình có thể gột rửa, nhưng với năng lượng vô hình, điều đó không thể thực hiện được.
Tuy nhiên, họ chưa thể lí giải trọn vẹn tại sao trong khi những chiếc gương khác hoàn toàn bình thường thì chiếc gương kì quái này lại có thứ năng lượng vô hình đó.
Ngoài ra, một số người cũng hoài nghi chiếc gương được tráng thêm những chất phụ gia độc hại nhưng không ai dám lại gần chiếc gương để… làm thí nghiệm kiểm chứng.
Sự thật về "chiếc gương sát nhân"
Tháng 4/2005, một nhà khảo cổ học người Mỹ có tên là Waine đã bay đến Paris, Pháp, để tìm hiểu sự thật về "chiếc gương sát nhân" Louis Alvarez 1743. Waine đã lấy một mẩu gỗ ở khung của chiếc gương để tiến hành kiểm tra thành phần hóa học.
Kết quả cho thấy, khung gỗ của chiếc gương được làm từ một loại gỗ rất hiếm gặp của cây coura – loại cây đã tuyệt chủng từ hơn 100 năm trước. Nghiên cứu của ông chỉ ra rằng, đây là một loại gỗ cực độc. Khi nó tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên sẽ càng trở nên nguy hiểm hơn và người nào vô tình hít phải mùi gỗ thì đều bị tắc nghẽn mạch máu não, dẫn đến những cái chết vô cùng chóng vánh như trên.
Tuy nhiên, ngay trước thời điểm tuyên bố kết quả nghiên cứu thì chiếc gương lại mất tích một cách đầy bí ẩn, nên nghiên cứu rất khoa học và hợp lý của tiến sĩ Waine không được công nhận. Do đó, cho tới tận bây giờ lời giải cho bài toán chiếc gương "đoạt mạng" 38 người vẫn còn là một ẩn số.
Bình luận