• Zalo

9 học sinh ở Bắc Kạn hung dữ bất thường: Kết luận nguyên nhân chứng bệnh đáng sợ

Sức khỏeThứ Ba, 19/12/2017 11:08:00 +07:00Google News

Các chuyên gia y tế bước đầu xác định, nguyên nhân khiến 9 học sinh ở Bắc Kạn bỗng dưng hung dữ là do mắc chứng bệnh rối loạn phân ly - một chứng bệnh tâm lý đáng sợ.

Hiện tượng kỳ lạ của nhiều em học sinh điểm trường Nà Bản

Tại điểm trường Nà Bản (xã Xuân Lạc, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn) có nhiều em học sinh liên tục bị ngất và trở nên hung dữ bất thường. Các em còn tự nhiên chạy ra khỏi lớp, chạy thẳng lên đồi, suy kiệt sức khỏe...

Bình thường, các em bị ngất, bất tỉnh tạm thời chỉ khoảng từ 3 - 5 phút, tuy nhiên cũng có những trường hợp kéo dài đến 20 phút. Phần lớn các em đều không nhớ gì sau khi tỉnh dậy.

Đây không phải là lần đầu những triệu chứng này được ghi nhận. Các đây khoảng 2 năm, cũng tại chính Điểm trường Nà Bản thuộc Trường Tiểu học Xuân Lạc đã có 2 học sinh có những biểu hiện như trên. 

Chiều 18/12, đoàn công tác của Bộ Y tế với các chuyên gia đến từ Bệnh viện Nhi Trung ương đã tới điểm trường Nà Bản (xã Xuân Lạc, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn) để tiến hành kiểm tra sức khỏe cho những em học sinh có biểu hiện lạ về tâm thần thời gian qua.

Đoàn công tác có sự tham gia của PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc BV Nhi Trung ương bước đầu nhận định, các em học sinh có biểu hiện của bệnh rối loạn phân lytập thể.

Benh-La

Ông Nông Văn Chí, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Kạn, thăm hỏi các em học sinh có biểu hiện của bệnh lạ 

Cũng theo PGS.TS Điển, qua đánh giá về thần kinh, tâm lý, ngộ độc, tìm hiểu triệu chứng, môi trường... , bước đầu đoàn công tác xác định, đây là biểu hiện của rối loạn phân ly tập thể.

Đến nay, tình trạng của 9 em học sinh đã dần ổn định và chưa thấy có biểu hiện tái phát những biểu hiện lạ. Các em học sinh này đã được đánh giá có thể quay lại trường học để học tập một cách bình thường.

Tuy nhiên, vẫn cần phải tiếp tục theo dõi sát sao về tình trạng của những em học sinh mắc phải biểu hiện lạ trên. Các chuyên gia y tế cần tiếp tục tìm hiểu và tiến hành các xét nghiệm cần thiết để đưa ra kết luận chính xác về nguyên nhân gây ra hiện tượng như vậy.

Rối loạn phân ly là gì?

Cùng chung nhận định về nguyên nhân gây ra biểu hiện lạ cho hàng loạt học sinh, trả lời báo chí, PGS.TS Cao Tiến Đức, Chủ nhiệm khoa Tâm thần, Bệnh viện 103 cho rằng, với những những dấu hiệu “lạ” như vậy có thể nhận thấy, đây là các biểu hiện đặc trưng của rối loạn phân ly.

Được biết đến là một nhóm các rối loạn thường gặp ở người trẻ tuổi, nữ nhiều hơn nam, với khoảng 0,3-0,5% dân số mắc bệnh.

Nguyên nhân chủ yếu của các rối loạn phân ly thường là các chấn thương tâm lý hoặc do hoàn cảnh xung đột. Những chấn thương gây cảm xúc mạnh như sợ cao độ, tức giận quá mức, thất vọng nặng nề...

Theo PGS.TS Đức, để tìm ra nguyên nhân của các chấn thương tâm lý, đặc biệt với những trường hợp tái phát nhiều lần thường rất khó khăn.

Nhân cách yếu, cùng với việc thiếu tự chủ, thiếu kiềm chế, thích được chiều chuộng, thích phô trương, và tinh thần chịu đựng khó khăn kém, thiếu lý tưởng sống lành mạnh là những yếu tố tạo ra môi trường thuận lợi cho sự thúc đẩy rối loạn phân ly.

Bên cạnh đó cũng có những trường hợp sinh ra bởi những yếu tố tự nhiên như nhiễm khuẩn, nhiễm độc, suy dinh dưỡng, chấn thương sọ não.

Rối loạn phân ly có thể nhận thấy ở 6 biểu hiện đặc trưng là rối loạn vận động, rối loạn cảm giác, rối loạn giác quan, rối loạn tâm thần, sững sờ phân ly, các rối loạn lên đồng và bị xâm nhập.

Can benh khien 9 hoc sinh Bac Kan tro nen hung du bat thuong hinh anh 1

PGS.TS Cao Tiến Đức, Chủ nhiệm Khoa Tâm thần, Bệnh viện 103 

Đối với rối loạn vận động, bệnh nhân có những biểu hiện như lắc đầu, gật đầu, nháy mắt, múa giật, run toàn thân hoặc run cục bộ một phần chi thể, run. Bệnh nhân có thể liệt phân ly với các biểu hiện như liệt cứng, liệt mềm, một chi, hai chi hoặc cả tứ chi… Có những trường hợp gặp chứng rối loạn phát âm, khó nói, nói lắp…

Rối loạn cảm giác thường gặp là rối loạn cảm giác đau. Các khu vực mất cảm giác thường không đúng với vùng định khu thần kinh cảm giác. Tăng cảm giác đau trong phân ly phức tạp hơn nhiều và thường nhầm với các triệu chứng đau “thực vật”, đau ngoại khoa như đau viêm ruột thừa, đau giun chui ống mật, đau vùng trước tim, đau dây thần kinh hông...

Rối loạn các giác quan như mù, điếc phân ly, mất vị giác và khứu giác phân ly, các rối loạn thực vật - nội tạng phân ly. Rối loạn tâm thần thường gặp như hay quên, rối loạn cảm xúc, rối loạn tư duy...

Video: 'Nghiện' Facebook có thể bị rối loạn tâm thần

Điều trị căn bệnh này chủ yếu chỉ có thể điều trị bằng liệu pháp tâm lý như liệu pháp ám thị. Bên cạnh đó, có thể sử dụng thuốc hướng tâm thần, kết hợp với châm cứu, bấm huyệt, dần dần xây dựng tâm lý đủ mạnh để làm mất đi triệu chứng rối loạn chức năng.

PGS.TS Đức cho biết, liệu pháp ám thị trong giấc ngủ thôi miên cũng đạt được kết quả tốt. Không nên cho rằng những người này đang giả bệnh, tránh thái độ chiều chuộng, quá lo lắng hay theo dõi quá chặt chẽ bởi điều này vô tình sẽ ám chỉ người bệnh đang mắc bệnh rất nặng.

Bên cạnh liệu pháp tâm lý cũng cần kết hợp điều trị tâm thần và kết hợp với các liệu pháp điều trị toàn diện khác như âm nhạc, thể thao, lao động, thư giãn, luyện tập.

Một điểm nguy hiểm hơn cả đó là việc rối loại phân ly có đặc điểm tăng cảm xúc, tăng tính ám thị. Trong đó, cơ chế ám thị do các cảm xúc căng thẳng và lo sợ, các kích thích sang chấn dễ gây ra phản ứng dây chuyền tập thể. Do vậy khi có một người trong tập thể bị, nhiều người khác có thể cũng bị, làm cho người ta có cảm giác bệnh có thể lây lan.

Để phòng rối loạn phân ly, cần phải tuyên truyền giáo dục phổ cập những hiểu biết cần thiết về các rối loạn phân ly, rèn luyện tính cách ngay từ khi còn nhỏ, giáo dục tính đoàn kết, thân ái, tính tập thể, để tránh các stress tâm thần trong sinh hoạt, học tập và công tác.

Nguyên Hoàng
Bình luận