Theo Ths. Dương Quỳnh Chi, Viện nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, với số dân gần 10 triệu người, tại Hà Nội, nhu cầu về nhà ở, văn phòng cho thuê, mặt bằng bán lẻ… sẽ ngày càng nhiều hơn.
Để đáp ứng những nhu cầu này, nhiều doanh nghiệp đã tham gia vào đầu tư xây dựng, mua bán bất động sản, tạo nên một thị trường luôn sôi động. Theo đó, với đà này, thị trường bất động sản thời gian tới sẽ phát triển theo 8 xu hướng.
Thứ nhất, thị trường bất động sản vẫn nằm trong giai đoạn tăng trưởng chung trên hầu hết các phân khúc, trong đó phát triển mạnh nhất là nhà ở và du lịch nghỉ dưỡng. Giá bất động sản nhà ở vẫn ở mức tăng nhẹ, phụ thuộc chủ yếu vào vị trí của dự án, chưa có khả năng rơi vào sốt giá và tích tụ bong bóng, tình trạng các khu đô thị “ma”, khu chung cư hoang hóa sẽ có sự cải thiện đáng kể.
Thứ hai, phân khúc thị trường nhà ở xã hội có giá dưới 12-13 triệu/m2 và giá bán khoảng trên dưới 1 tỷ đồng/căn, hình thành hệ thống sản phẩm đa dạng cả về diện tích, giá bán và kiến trúc, tiện ích… Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2020, Hà Nội sẽ có thêm 40 dự án nhà ở xã hội với gần 3,3 triệu m2 sàn nhà ở.
Tuy nhiên, trong vòng 3-5 năm tới, tại Hà Nội, phân khúc nhà ở giá rẻ sẽ khan hiếm, nhất là nhà cho thuê giá rẻ để phục vụ nhu cầu của người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp.
Thứ ba, phân khúc thị trường bất động sản cao cấp, gồm nhà chung cư cao cấp nội thành và bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, bất động sản xanh, thân thiện môi trường, nhu cầu mới của người tiêu dùng sẽ ngày càng có tỷ trọng cao trong tổng giá trị giao dịch trên thị trường bất động sản.
Video: Cách mua nhà thông minh, không sập bẫy lừa
Thứ tư, nhu cầu bất động sản cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ thuê làm văn phòng và phục vụ sản xuất – kinh doanh tập trung cũng tăng dần và tăng nhanh hơn nguồn cung.
“Thị trường bất động sản các năm tới sẽ chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt giữa các loại hình bất động sản, trong đó có loại hình mặt bằng bán lẻ, đẩy giá thuê lên cao”, Ths. Dương Quỳnh Chi nhận định.
Thứ năm, xu hướng “ly tâm” trong phân bổ và lựa chọn các sản phẩm BĐS sẽ gia tăng: Nhu cầu và giá đất nền vùng ven Hà Nội đang và sẽ dần tăng nhanh trở lại. Thị trường nhà đất ngoại ô sẽ ngày càng hấp dẫn hơn.
Thứ sáu, vốn đầu tư trên thị trường bất động sản ngày càng được xã hội hóa và gia tăng nguồn đầu tư từ các địa phương ngoài thành phố và cả từ nước ngoài; hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp, chuyển nhượng dự án (M&A) trong lĩnh vực bất động sản sẽ phát triển mạnh hơn.
Thứ bảy, tiếp tục hiện hữu một số yếu tố tiềm ẩn rủi ro trên thị trường bất động sản, như sự lệch pha cung – cầu, tình trạng đầu cơ, giá ảo và xu hướng tập trung tín dụng vào một số tập đoàn lớn đầu tư vào phân khúc bất động sản cao cấp, nghỉ dưỡng…
Thứ tám, thị trường bất động sản nói chung sẽ có tổ chức, minh bạch và ổn định hơn; hoạt động thuê quản lý và khai thác bất động sản sẽ ngày càng chuyên nghiệp và chặt chẽ hơn.
Ths. Dương Quỳnh Chi cho biết thêm, trong dài hạn, xu hướng chung của thị trường bất động sản là tích cực, thu hút vốn đầu tư xã hội lớn cho phát triển và tái phát triển.
Định hướng quan trọng nhất là tập trung kiên định các giải pháp tái cấu trúc thị trường bất động sản gắn với thực hiện chiến lược phát triển nhà ở quốc gia và thành phố. Trong đó, đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội nhằm giải quyết nhu cầu về nhà ở cho các đối tượng chính sách.
Định hướng ưu tiên
Với dự báo 8 xu hướng thị trường bất động sản trong thời gian tới, Ts. Nguyễn Minh Phong cho rằng để phát triển và quản lý thị trường bất động sản hiệu quả, lành mạnh, Hà Nội cần tập trung rà soát, đánh giá toàn diện về thị trường, công khai các quy hoạch, dự án và minh bạch các thông tin liên quan đến chính sách quản lý thị trường bất động sản.
“Hà Nội cần chủ động xây dựng và đề xuất với Chính phủ công cụ quản lý hữu hiệu, không xảy ra tình trạng sốt ảo, vỡ ‘bong bóng’ hay ‘đóng băng’ thị trường bất động sản, cũng như phòng ngừa không để xảy ra những tranh chấp”, Ts. Minh Phong nói.
Định hướng quan trọng nhất là tập trung kiên định các giải pháp tái cấu trúc thị trường bất động sản gắn với thực hiện chiến lược phát triển nhà ở quốc gia và thành phố. Trong đó, đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội nhằm giải quyết nhu cầu về nhà ở cho các đối tượng chính sách.
Đặc biệt, thành phố cần có chương trình riêng định hướng ưu tiên cho phát triển các khu đô thị xanh, xây dựng khu dân cư hiện đại, với tổ hợp khu dân cư, chung cư cao cấp, trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại… đều theo tiêu chuẩn quốc tế, với tiêu chí xanh.
Thực tế, những dự án tạo nên chuỗi giá trị cộng hưởng, bên cạnh căn nhà, còn có không gian xung quanh và các dịch vụ đi kèm, sẽ ngày càng được thị trường hấp thụ tốt hơn.
Gs. Đặng Hùng Võ nhấn mạnh các giải pháp về đất như giao đất, thuê đất cho các dự án và cải cách hệ thống thuế sử dụng dất, thuế bất động sản. “Nâng cao thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đến mức hợp lý có tác động tạo nguồn thu phù hợp như các cư dân đô thị đóng góp nguồn lực để chỉnh trang và phát triển đô thị. Đây chính là nguồn ngân sách chủ yếu để địa phương sử dụng để phát triển hạ tầng và các dịch vụ công cộng cho đô thị, điều này sẽ có tác động đòn bẩy cho thị trường bất động sản bền vững”.
>>> Đọc thêm: Kiểm tra thông tin loạt dự án lấn biển 'băm nát' vịnh Nha Trang
Bình luận