Hàng loạt giáo viên hợp đồng huyện Sóc Sơn, Hà Nội vừa có đơn kiến nghị gửi Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trước nguy cơ mất việc. Kiến nghị này đưa ra sau khi TP Hà Nội chốt phương án tuyển dụng viên chức giáo dục bằng thi tuyển hoặc xét tuyển.
Người đại diện thầy Nguyễn Văn Hiệu, giáo viên hợp đồng trường THCS Kim Lũ, Sóc Sơn, Hà Nội.
Trong văn bản do mình ký tên, thầy Hiệu đưa ra những thời điểm, mốc đánh dấu các quyết định liên quan đến vấn đề tuyển dụng viên chức giáo dục của TP Hà Nội; trong đó với trường hợp của các giáo viên dạy hợp đồng bắt buộc phải tham gia kỳ thi viên chức, nếu không thi sẽ bị cắt hợp đồng vào tháng 5/2020.
Khi nhận được thông tin này, tập thể giáo viên hợp đồng Sóc Sơn có gửi đơn đến các cấp chính quyền kiến nghị được xét đặc cách vào viên chức giáo dục không qua thi tuyển. Vì nếu theo nghị định 29/2012, họ đều đủ điều kiện xét đặc cách vào viên chức không qua thi tuyển "nhưng đã bị bỏ quên".
Thầy Hiệu cho biết, ngày 10/5/2019 UBND huyện Sóc Sơn có văn văn bản trả lời đơn khiếu nại của giáo viên hợp đồng trong huyện, rằng: "Việc sử dụng số biên chế và số giáo viên hợp đồng hàng năm đều không vượt so với số biên chế thành phố Hà Nội giao".
UBND huyện thực hiện đúng các quy định về bố trí và sử dụng lao động hợp đồng, đảm bảo được quyền lợi và chế độ chính sách cho người lao động, vẫn áp dụng việc nâng lương thường xuyên, nâng lương trước thời hạn, hưởng phụ cấp đứng lớp, được tham gia đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế như một viên chức.
Bên cạnh đó, huyện Sóc Sơn thường xuyên rà soát báo cáo, nghiên cứu đề xuất với cơ quan cấp trên tổ chức xét tuyển đối với giáo viên, nhân viên hợp đồng, cụ thể năm 2016 có 2 văn bản và năm 2019 có 2 văn bản gửi các cấp thẩm quyền xin ý kiến.
Huyện cũng kiến nghị Thành phố báo cáo xin ý kiến Chính phủ có chính sách ưu tiên đối với số giáo viên hợp đồng trên 5 năm công tác được huyện, thành phố kí hợp đồng trước khi có luật viên chức ra đời.
Ngày 7/7/2019 Sở Nội vụ Hà Nội có văn bản trả lời đơn kiến nghị được xét tuyển đặc cách đối với giáo viên hợp đồng tại các quận, huyện, thị xã. Theo đó Thành phố giao các quận, huyện, thị xã rà soát, thống kê số lượng giáo viên đang hợp đồng lao động làm công tác giảng dạy tại các trường công lập trên địa bàn thành phố Hà Nội để xem xét việc tuyển dụng đặc biệt vào viên chức đối với các trường hợp đủ điều kiện theo quy định tại Khoản 7 Điều 2 của nghị định 161/2018 của Chính phủ.
Chiều 9/7, ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND Hà Nội cho biết, thành phố sẽ thực hiện việc xét tuyển đối với toàn bộ giáo viên hợp đồng nhiều năm với những điều kiện: Hợp đồng huyện từ 5 năm trở lên, có đóng bảo hiểm xã hội, có sức khỏe phù hợp, có vị trí việc làm phù hợp.
Ngày 6/9, theo thông báo kết luận của Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố tại hội nghị công tác tuyển dụng viên chức làm việc tại các cơ sở mầm non, tiểu học và THCS công lập trực thuộc UBND các quận, huyện, thị xã, gần 3.000 giáo viên hợp đồng lâu năm trên địa bàn không ai đủ điều kiện xét đặc cách.
Ngày 20/9/2019 Sở Nội vụ kí văn bản thông báo lịch thi tuyển, xét tuyển viên chức các cơ sở giáo dục công lập trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã năm 2019. Theo đó giáo viên hợp đồng tại huyện Sóc Sơn phải tham gia thi tuyển như thí sinh tự do.
"Nhưng điều khiến giáo viên hợp đồng băn khoăn là ngày 11/3/2019 Bộ Chính trị kí công văn 9028 cho phép các địa phương thực hiện xét đặc cách đối với giáo viên có hợp đồng từ năm 2015 trở về trước trong chỉ tiêu biên chế, có năng lực trình độ phù hợp với yêu cầu vị trí việc làm cần tuyển dụng.
Sau khi xét đặc cách, số giáo viên đang hợp đồng lao động nếu còn chỉ tiêu biên chế thì thực hiện thi tuyển, xét tuyển công khai theo quy định của Luật Viên chức và các văn bản hướng dẫn thi hành. Khi đã tuyển đủ số chỉ tiêu biên chế được giao mà vẫn dôi dư thì chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật", thầy Hiệu viết.
Chiều 20/9/2019, tại họp báo do Bộ Nội vụ tổ chức, ông Nguyễn Duy Thăng – Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, Bộ chính trị, Thủ tướng đã có chỉ đạo, những người đang làm hợp đồng lao động, đã kí hợp động lao động từ ngày 31/12/2015 trở về trước, có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thì xem xét tuyển dụng.
"UBND tỉnh, thành phố xem xét tuyển dụng đặc cách, không qua thi, không theo Nghị định 29, không theo Nghị định 161. Bộ Nội vụ sẽ sớm có văn bản chỉ đạo các địa phương để thống nhất thực hiện theo các văn bản đã ban hành của Bộ chính trị và Thủ tướng Chính phủ”.
"Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của giáo viên hợp đồng lâu năm làm việc tại các trường tiểu học và THCS trên địa bàn huyện Sóc Sơn, tập thể giáo viên hợp đồng huyện Sóc Sơn đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ sớm ban hành văn bản hướng dẫn UBND thành phố Hà Nội xét đặc cách vào viên chức giáo dục không qua thi tuyển tại kì tuyển dụng viên chức giáo dục 2019 đối với giáo viên đang dạy hợp đồng trên địa bàn huyện Sóc Sơn trước khi kì thi diễn ra theo kế hoạch.
Đây cũng là chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước dành cho nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý. Hơn thế nữa, các thầy cô đứng trên bục giảng mới yên tâm công tác, truyền thụ những gì tinh hoa, tốt đẹp nhất của nhân loại cho thế hệ học sinh thân yêu", văn bản viết.
Bình luận