Khi khởi xướng dự án “Core-Tech 4.0” cùng các cộng sự, mong muốn của PGS.TS Nguyễn Quốc Chí là tạo ra nền tảng công nghiệp 4.0 tuỳ chỉnh giúp tăng năng suất, chi phí hợp lý và quan trọng là tối ưu kế hoạch sản xuất theo sự biến động của thị trường. Đây cũng chính là các yếu tố sống còn của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs).
Nền tảng này sẽ cung cấp giải pháp quản lý thống nhất, từ thiết kế đến sản xuất các dây chuyền gia công CNC, đồng thời tối ưu hóa quy trình sản xuất bằng cách kết hợp loạt công nghệ như: mô hình đa vật lý (multiphysics modelling), trí tuệ nhân tạo (AI), giám sát dựa trên đám mây (cloud-based monitoring), bản sao số (digital twin)...
Để triển khai dự án, nhóm nghiên cứu đã tìm kiếm nguồn tài trợ từ các doanh nghiệp. Tuy nhiên, quá trình này không dễ dàng. Nhiều doanh nghiệp e ngại trước một dự án nghiên cứu có tính đặc thù, khác biệt với các dự án phát triển và đầu tư thông dụng.
Tuy nhiên, khi hồ sơ dự án gửi về Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (VinIF), cánh cửa mới đã được mở ra.
Core-Tech 4.0 là một trong những dự án được nhận tài trợ từ Quỹ VinIF năm 2024 vì tinh thần “Make in Vietnam”, có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng bền vững ngành sản xuất. Đó cũng là một trong những tiêu chí quan trọng khi xét duyệt dự án của quỹ khoa học công nghệ này.
Với kinh phí được Quỹ VinIF cấp, nhóm nghiên cứu sẽ thử nghiệm các giải pháp có thể ứng dụng tại doanh nghiệp. Đây là bước quan trọng để hình thành các công nghệ mở giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam phát triển cùng nhau theo lời kêu gọi “Make in Vietnam”.
Kỳ vọng của dự án là sẽ thành lập một trung tâm nghiên cứu Smart Factory (nhà máy thông minh) trong trường Đại học Bách Khoa - Đại học Quốc gia TP.HCM.
Cũng mang đậm tinh thần “Make in Vietnam” là dự án “Thiết kế chip AI dựa trên cấu trúc mạng Spiking Neural Network và vi xử lý RISC-V đa lõi kết hợp mạng trên chip” do TS Lê Đức Hùng, trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP.HCM chủ trì.
Dự án này thiết kế và triển khai chip trí tuệ nhân tạo (AI) dựa trên mạng thần kinh tăng vọt (Spiking Neural Network - SNN). Chip AI được đề xuất này có khả năng ứng dụng rộng rãi trong việc nhận dạng khuôn mặt, nhận dạng biển số xe, phát hiện vật thể, thu thập dữ liệu hay các kỹ thuật y sinh phức tạp như phát hiện sự thay đổi của tình trạng mạch máu, phát hiện ung thư da.
Nhóm nghiên cứu mong muốn áp dụng hệ thống này vào các dự án thành phố thông minh tại TP.HCM và các thành phố khác tại Việt Nam.
Nghiên cứu này được kỳ vọng sẽ tạo ra con chip “Make in Vietnam”, từ đó hình thành hệ sinh thái bán dẫn Việt Nam, góp phần phát triển ngành công nghiệp chip bán dẫn, công nghiệp điện tử, công nghiệp công nghệ thông tin, tạo ra nền tảng công nghệ số cho các ngành, nền kinh tế khác.
TS Lê Đức Hùng cho biết, việc tìm kiếm các nhà tài trợ cho dự án khá khó khăn. Vốn dĩ lĩnh vực vi mạch bán dẫn cần nhiều thời gian và nguồn lực để có kết quả. Trong khi đó, các quỹ hoặc nguồn tài trợ nghiên cứu thường giới hạn một trong hai yếu tố này, đồng thời thủ tục khá phức tạp. Trong lúc khó khăn, sự hỗ trợ của VinIF đã đến đúng lúc, không chỉ về tài chính mà cả sự đồng hành trong các giai đoạn tiếp theo.
“Các sản phẩm vi mạch liên quan đến AI phù hợp với xu hướng phát triển của công nghệ và có thể góp phần hình thành hệ sinh thái về vi mạch bán dẫn, về trí tuệ nhân tạo, hướng tới các giai đoạn có thể “start-up” trong tương lai mà mạng lưới VinIF có thể kết nối và hỗ trợ”, TS Lê Đức Hùng chia sẻ.
Hai dự án đáng chú ý khác được Quỹ VinIF công bố tài trợ năm 2024 là dự án “Phát triển thiết bị tự hành dưới nước AUV sử dụng công nghệ SONAR cho quan trắc ngầm và đo đạc các tham số môi trường biển” của PGS.TS. Nguyễn Văn Đức, Đại học Bách Khoa Hà Nội và Dự án “Tối ưu hóa hoạt động chuỗi cung ứng dựa trên hành vi của khách hàng” của TS Hà Minh Hoàng, Đại học Kinh tế quốc dân.
Với dự án của PGS.TS Nguyễn Văn Đức, việc phát triển thành công nguyên mẫu AUV kết hợp với trạm điều khiển sẽ mở đường cho các nghiên cứu chuyên sâu hơn về các chủ đề IoT dưới nước và thông tin liên lạc trên biển và quản lý môi trường biển.
Trong khi đó, dự án của TS Hà Minh Hoàng tập trung vào ba bài toán lớn trong quản lý chuỗi cung ứng, bao gồm quản lý hàng tồn kho (inventory management), lựa chọn địa điểm đầu tư (facility location) và định tuyến xe (vehicle routing). Đây là những bài toán cốt lõi và có liên hệ chặt chẽ với nhau, được cộng đồng nghiên cứu học thuật quốc tế trong các lĩnh vực khoa học dữ liệu, vận trù học, kinh tế lượng, quản trị chuỗi cung ứng quan tâm.
Quỹ VinIF được thành lập năm 2018 và triển khai từ năm 2019 nhằm hỗ trợ các trường đại học, viện nghiên cứu, bệnh viện, các nhà khoa học thực hiện các dự án nghiên cứu khoa học công nghệ xuất sắc, có tầm ảnh hưởng lớn, có khả năng tạo ra các sản phẩm, giải pháp công nghệ mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng, tạo ra sự thay đổi tích cực và bền vững cho Việt Nam.
Mô hình xét duyệt công bằng, minh bạch, quá trình xét chọn nhanh gọn giúp bảo đảm tính mới, tính thời sự của nghiên cứu đã góp phần tạo ra môi trường nghiên cứu cạnh tranh, và từ đó mang lại sự thay đổi đáng kể đối với văn hóa nghiên cứu khoa học nước nhà.
Trong số các dự án được VinIF tài trợ, 11 dự án đã thương mại hóa sản phẩm hoặc chuyển giao công nghệ. Hàng chục dự án khác đang trên con đường thử nghiệm, phát triển, hoàn thiện sản phẩm để tiến tới thương mại hóa với hơn 80 đăng ký sáng chế trong nước và quốc tế.
Hiện các dự án được VinIF tài trợ đã tạo ra hơn 350 sản phẩm dạng phần cứng, phần mềm, hơn 600 công trình công bố trên các tạp chí, hội nghị quốc tế uy tín, hơn 100 bộ cơ sở dữ liệu mở. Không những thế, đã có trên 100 nghiên cứu sinh và 150 học viên cao học được hướng dẫn, tham gia và được trả lương từ các dự án như cách làm của các nước phát triển.
Việc đào tạo sau đại học thông qua các dự án nghiên cứu cộng hưởng với chương trình tài trợ học bổng sau tiến sĩ đã thắp lửa nhiệt huyết cho các nhà khoa học trẻ, khích lệ mạnh mẽ tinh thần cống hiến cho khoa học, từ đó tạo ra một mạng lưới các nhà nghiên cứu trẻ tài năng, đam mê và hình thành thế hệ nhà khoa học trẻ kế cận.
Từ năm 2021 đến nay, VinIF đã cấp 240 suất học bổng sau tiến sĩ. Chương trình này không chỉ hạn chế tình trạng chảy máu chất xám, giúp các tiến sĩ tốt nghiệp nước ngoài mới về nước có thể yên tâm cống hiến mà còn giúp các tiến sĩ đang ở nước ngoài có mong muốn về nước làm nghiên cứu được tiếp thêm động lực và quyết tâm trở về. Điều này thể hiện ở 60% tỷ lệ hồ sơ đầu vào và 70% tỷ lệ ứng viên nhận học bổng là tiến sĩ tốt nghiệp ở nước ngoài.
Không thể phủ nhận, một làn gió mới trong việc đầu tư nghiên cứu sau tiến sĩ trong nước đã khởi sinh, nâng tầm học thuật cho các nhà khoa học trong nước trên những bước làm khoa học chuyên nghiệp đầu tiên.
TS Phạm Thanh Tuấn Anh (SN 1992) - 1 trong 10 nhà khoa học trẻ vừa được vinh danh Giải thưởng Khoa học công nghệ Quả cầu vàng 2024 - là một trong những gương mặt được Quỹ VinIF cấp học bổng tiến sĩ từ năm 2020 và mới đây là học bổng sau tiến sĩ năm 2024. Những kết quả đáng kể mà nhà khoa học trẻ xuất sắc trong lĩnh vực vật liệu mới này đạt được trong thời gian qua có dấu ấn rõ nét của VinIF.
Trong đó, nhờ vào sự hỗ trợ kịp thời từ học bổng đào tạo tiến sĩ trong nước của Quỹ, TS Phạm Thanh Tuấn Anh có thêm nguồn kinh phí để tập trung và đầu tư cho các phép phân tích trong các công bố khoa học.
Công trình khoa học tiêu biểu của TS Tuấn Anh được đăng trên tạp chí Acta Materialia có sự hỗ trợ từ Quỹ VinIF là một phần kết quả quan trọng trong luận án tiến sĩ, đồng thời được đánh giá cao ở Hội thi Sáng tạo kỹ thuật và Giải thưởng Sáng tạo TP.HCM.
Trong danh sách Quả cầu vàng 2024 còn có TS Nguyễn Văn Sơn – giảng viên khoa Công nghệ thông tin, trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội (Top 10) và TS Trần Ngọc Quang - người sáng lập nhóm nghiên cứu Vật liệu Chuyển hóa Năng lượng tại Trung tâm Nghiên cứu Vật liệu cấu trúc Nano và Phân tử, Đại học Quốc gia TP.HCM (Top 10).
Cả TS Sơn và TS Quang đều được tài trợ nghiên cứu sau tiến sĩ bởi quỹ VinIF sau khi hoàn thành chương trình tiến sĩ tại các trường đại học danh giá ở nước ngoài và trở về Việt Nam cống hiến. Với sự tiếp sức từ Quỹ VinIF, họ đã tạo nên những thành quả khoa học giá trị đầu tiên 100% “make in Vietnam”.
Bày tỏ lòng trân trọng với sự hỗ trợ từ Quỹ VinIF, TS Sơn chia sẻ: “Quỹ không chỉ hỗ trợ mặt tài chính mà còn hỗ trợ kết nối với các nhà khoa học đầu ngành".
So với 6 năm trước, quan niệm về nghiên cứu khoa học tại Việt Nam đã thay đổi. Những nhà khoa học trẻ, những học viên cao học, nghiên cứu sinh đã xem việc học thạc sĩ, tiến sĩ là bước khởi đầu cho một sự nghiệp khoa học, chứ không chỉ là đạt một cái bằng. Họ đã thực sự xem nghiên cứu khoa học là một nghề.
Sự thay đổi đó xuất phát từ sự thay đổi trong cơ chế tài trợ cho nhà khoa học trẻ.
Chương trình học bổng thạc sĩ, tiến sĩ trong nước của Quỹ VinIF khởi chạy năm 2019 đã tiên phong một cách thức tài trợ mới với mức tài trợ thoả đáng để các nhà khoa học trẻ có thể toàn tâm toàn ý phát triển năng lực nghiên cứu. Với mức lương 120-150 triệu đồng/năm, họ có thể dành toàn bộ thời gian vào học tập và nghiên cứu, đạt được những thành quả nghiên cứu thực sự chất lượng, tiệm cận trình độ quốc tế.
Năm 2024, danh sách ứng viên nhận học bổng thạc sĩ của VinIF có những gương mặt rất đặc biệt. Họ là những sinh viên vừa tốt nghiệp đại học, có thành tích học tập và nghiên cứu xuất sắc, nhưng có thể phải từ bỏ con đường nghiên cứu nếu như không có sự hỗ trợ từ Quỹ.
Nguyễn Hải Nam (SN 2001), tốt nghiệp xuất sắc ngành Công nghệ thông tin, trường Đại học Thủy Lợi, có 1 công bố quốc tế trên tạp chí thuộc hệ thống ISI, từng bị tai nạn nghiêm trọng khi còn học phổ thông và mang theo di chứng đến nay. Kinh tế gia đình khánh kiệt vì chữa trị cho Nam.
Nguyễn Trọng Tính (SN 2002), tốt nghiệp xuất sắc ngành Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Cần Thơ, tác giả của hai dự án nghiên cứu ngón tay giả bán tự động và thiết bị cảnh báo chướng ngại vật cho người khuyết tật, có cha mẹ đều bị ung thư. Tính vừa học đại học vừa phải nuôi cha mẹ bệnh và em trai đang học phổ thông.
Trần Thành (SN 2001), tốt nghiệp xuất sắc ngành Vật lý nguyên tử và hạt nhân, trường Đại học Sư phạm TP.HCM, sở hữu 2 công bố quốc tế xếp hạng Q1, mồ côi cha mẹ từ nhỏ, sống dựa vào sự cưu mang của ông bà ngoại đều đã trên 80 tuổi.
Nam, Tính, Thành đều có chung niềm đam mê với nghiên cứu khoa học và xác định đây là con đường tương lai của mình. Những học viên sau đại học không có điều kiện kinh tế vẫn chọn nghiên cứu khoa học làm sự nghiệp là minh chứng cho thấy sự thay đổi cốt lõi về nhận thức của xã hội đối với nghề nghiên cứu.
Cũng từ đây, một mạng lưới gồm hơn 1.500 nhà nghiên cứu trẻ xuất sắc được hình thành, với tư duy làm khoa học mới, chính trực, trách nhiệm, tận tâm, đóng góp cho sự phát triển khoa học chung của đất nước.
Thành lập từ năm 2018, với 7 chương trình tài trợ lớn và tổng kinh phí tài trợ lên đến 900 tỷ đồng, Quỹ VinIF đã chứng tỏ được sự ảnh hưởng của mình bằng sự ra đời của những công trình mang tầm thế giới, góp phần xây dựng mới những ngành đào tạo trọng yếu, thành lập những doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và tác động đổi mới các cơ chế, chính sách tài trợ khoa học công nghệ tại Việt Nam, thông quá đó tạo nên sự đột phá về tư duy, phong cách và văn hóa hoạt động nghiên cứu khoa học của nước nhà.
Bình luận