Thầy tâm lý: Hãy biến facebook thành quán trà chanh

Giáo dụcThứ Bảy, 19/01/2013 07:22:00 +07:00

(VTC News)- "Nếu bạn dùng facebook để quan tâm bè bạn, thăm hỏi lẫn nhau, bạn sẽ biến ngôi nhà facebook của mình trở thành một quán trà chanh đáng yêu"

(VTC News)- "Nếu bạn dùng facebook để quan tâm bè bạn, thăm hỏi lẫn nhau, bạn sẽ biến ngôi nhà facebook của mình trở thành một quán trà chanh đáng yêu". Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu.

Xung quanh những điều "cấm kỵ" khi lên facebook của trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội) đang gây xôn xao bình luận trong giới trẻ, VTC News đã có cuộc trò chuyện cũng thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (Khoa tâm lý giáo dục, ĐH Sư phạm TP.HCM).

Nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay giới trẻ nghiện Facebook như nghiện game online với rất nhiều tác hại. Anh có đồng tình với quan điểm này?


Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu 
Facebook không xấu, xấu hay không là ở cách dùng của mình. Nếu mình thiếu kiểm soát, mình sẽ làm nô lệ của chính mình.

Lúc đó, chính sự thiếu tự chủ mới là một “kẻ cắp thời gian”, kẻ tiêu hao sức khỏe. Ngoài ra, nếu chúng ta văng tục, bài bác, thì facebook của mình mới biến thành mảnh đất thóa mạ cha mẹ, nói xấu thầy cô.

Bên cạnh đó, nếu chúng ta đăng ảnh nhạy cảm, đăng clip “đen tối”, thì khi đó ngôi nhà facebook của mình mới trở thành vũng bùn lầy lội. Tất cả là do hành động của chính người dùng mà thôi.

Song song đó, nếu dùng thiếu kiểm soát, học sinh sẽ để facebok làm chủ mình. Đó là trường hợp học sinh bị “nghiện” vì tính hấp dẫn của facebook. Lúc đó, facenook như một mê cung mà khi đã vào thì không còn biết lối ra. Thời gian facebook lấn át cả chuyện học hành, lấn át cả thời gian giao tiếp với cha mẹ và người thân, lấn át cả các hoạt động sống bổ ích khác.

Không chỉ vậy, nếu không vững, học sinh dễ bị lôi cuốn vào các giá trị ảo. “Tút” một tấm ảnh cho thật đẹp để thu hút người thích, chăm chút cho từng câu status (trạng thái) để thu hút người bình luận. Thật ra, những điều đó ít có giá trị trong đời sống thực, ít mang đến hiệu quả, trừ khi nội dung cực kỳ đặc biệt mới gây được tiếng vang.

Tôi rất đau lòng khi gần đây chứng kiến những câu chuyện học sinh tung clip đen lên facebook để rồi cuối cùng phải thu mình không giao tiếp với ai, thậm chí nghỉ học, cá biệt còn có trường hợp tự tử vì xấu hổ. Gần đây lại là chuyện nói xấu cha mẹ, nói xấu thầy cô, dẫn đến việc bị búa rìu dư luận, bị nhà trường buộc nghỉ học.
 
Vậy còn khía cạnh khác khi học trò sử dụng Facebook là gì thưa anh?

Ngược lại, nếu bạn đăng một câu nói hay, một câu chuyện sâu sắc, một đoạn clip cảm động, bạn sẽ biến ngôi nhà facebook của mình trở nên mảnh đất nuôi dưỡng tâm hồn.

Nếu bạn dùng facebook để quan tâm bè bạn, thăm hỏi lẫn nhau, bạn sẽ biến ngôi nhà facebook của mình trở thành một quán trà chanh đáng yêu.

Cũng như trang facebook cá nhân của tôi, nó trở thành một ngôi mà ma hay trở thành một lớp học online đều do cách chúng ta quản lý và sử dụng.

Như vậy, facebook ảnh hưởng tốt hay xấu là do cách mà giới trẻ dùng.

Facebook với hàng nghìn ứng dụng thú vị hấp dẫn các bạn trẻ

Gần đây, trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh có đưa ra những “bản nháp” của “ Những điều cấm kỵ khi lên Facebook”, anh chia sẻ gì nếu quy định này được đưa ra với các em học sinh?

Tôi ủng hộ động thái này. Chưa bàn đến khả năng áp dụng vì phát ngôn trên facebook rất khó kiểm soát, tuy nhiên hành động này ít nhất cũng đã dấy lên trong học sinh ý thức về trách nhiệm đối với phát ngôn của mình.

Nhiều em học sinh phản đối vì cho rằng văn bản này sẽ vi phạm quyền tự do cá nhân. Tuy nhiên, tôi nghĩ văn bản này không cấm các em dùng facebook, không cấm các em đăng bài, mà chỉ cấm các em văng tục, đăng bài sai – tức cấm những hành vi sai trái và thiếu văn hóa mà thôi.

Nếu trường không cấm, thì tự bản thân em cũng phải làm, vì đó là đạo đức.

Trong khi xã hội chưa ra luật cụ thể, gia đình “vắng bóng” trên thế giới online, thì nhà trường đi tiên phong, đại diện xã hội ra quy định để điều chỉnh hành vi của học sinh trước.

Đó là điều đáng quý!

Các em hãy nghĩ xem, nhà trường làm điều đó là vì ai? Còn chuyện facebook có thuộc phạm vi nhà trường không điều đó không quan trọng, mà quan trọng là điều gì tốt cho học sinh thì nhà trường làm, và nên làm. Vì chức năng của nhà trường là giáo dục, mà nhân cách con người thì không chỉ nằm đằng sau cánh cổng trường.”

Dưới góc độ một nhà giáo dục, anh thấy rằng mạng xã hội Facebook có những điểm ưu thế như thế nào khiến học sinh và các bạn trẻ đặc biệt yêu thích sử dụng?

 

Nếu bạn dùng facebook để quan tâm bè bạn, thăm hỏi lẫn nhau, bạn sẽ biến ngôi nhà facebook của mình trở thành một quán trà chanh đáng yêu.

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu
 
Nếu sử dụng đúng đắn, facebook sẽ là một nơi hiệu quả để học hỏi, thậm chí có thể trở thành một “lớp học” online, một “trường học” trực tuyến lý tưởng của mỗi người.


Đôi khi một bức ảnh ý nghĩa trên facebook có thể làm thay đổi suy nghĩ hơn cả nghìn lời nói. Đôi khi chỉ cần cần đọc một câu status sâu sắc có thể làm thay đổi cách sống của mình. Đôi khi chỉ cần một câu chuyện cảm động có thể thay đổi một phần cách sống của chúng ta…

Ngoài ra, facebook còn là một “trung tâm giao tiếp” vô cùng đa dạng. Trong khi giao tiếp là một nhu cầu cơ bản của con người, đặc biệt là ở giới trẻ - lứa tuổi thích “tụm năm tụm bảy” và ở giới văn phòng - những người ít tiếp xúc rộng rãi. Trong khi đó, facebook là một “xã hội” rất đông đúc nên sẽ là nơi thỏa chí để kết bạn, để gặp gỡ bạn bè, để xem ảnh của nhau và đặc biệt là một nơi tuyệt vời để…tám.

Facebook là cũng là một phương thuốc giải trí hay bên cạnh những bộn bề cuộc sống với những ứng dụng thú vị như game, clip, tag, “xem bói vui”, nông trại…

Ngoài ra, mạng xã hội cũng là nơi tuyệt vời dành cho những bạn trẻ thích…tạo sự chú ý, bởi rất dễ dàng thu hút trong cộng đồng người dùng đông đảo. Chỉ một bức ảnh, một đoạn clip, bạn có thể được cả ngàn người biết đến.

Do sự hấp dẫn đó, ngày nay, facebook đã trở thành “người bạn tâm giao” của rất rất nhiều bạn trẻ.
Những điều cơ bản khi sử dụng facebook

Một là, thời gian sử dụng vừa phải. Đừng để facebook kiểm soát mình. Đừng để bị “nghiện” để rồi học hành sa sút, bỏ quên bạn bè thực, sống online hơn là sống thực.

Hai là, lưu ý những gì thể hiện trên facebook. Một lời phát ngôn của chúng ta có thể lan truyền ghê gớm. Đừng đăng ảnh nhạy cảm, tung clip “đen”, phát ngôn những câu “nghe không lọt”, đăng những bài thóa mạ “búa rìu nhau”.

Ba là, tận dụng những cái tốt của facebook. Mở rộng mạng lưới bạn bè, theo dõi và quan tâm lẫn nhau, đọc những bài viết hay, tham gia các câu lạc bộ thiện nguyện ý nghĩa… Faceboook có thể biến thành lớp học online đầy bổ ích nếu chúng ta biết chọn những “facebook trắngđể vào, tránh xa những “facebook đen” đầy u ám. Hãy biến nơi đây trở thành một “lớp học” thật khi biết chọn facebook hay để “add”, facbook tốt để chơi.

Chúc các em sẽ sử dụng facebook một cách sáng suốt để biến đó thành một người bạn tâm giao tốt.

Xin cảm ơn anh!


Phạm Thịnh (thực hiện)

Bình luận
vtcnews.vn