Diễn đàn

5 năm liên tiếp ứng viên giáo sư, phó giáo sư giảm mạnh, có bất thường?

Thứ Sáu, 28/10/2022 11:58:24 +07:00

(VTC News) - Từ 2017 đến nay, số lượng ứng viên xét chức danh giáo sư, phó giáo sư giảm mạnh, nhiều chuyên gia lo ngại nhiều ngành khó có đội ngũ chuyên gia kế cận giỏi.

Từ 2019, việc xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư được thực hiện theo Quyết định 37/2018 của Thủ tướng với những tiêu chuẩn cao hơn trước đó. Các ứng viên phó giáo sư phải có 3 bài báo khoa học, ứng viên giáo sư 5 bài báo khoa học được đăng trên các tạp chí khoa học uy tín thuộc danh mục ISI, Scopus, thay vì chỉ quy định chung là bài báo hay đề tài nghiên cứu khoa học như trước. 

Sau khi áp dụng quy định mới, số ứng viên tham gia xét chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư có nhiều biến động.

Giảm mạnh 5 năm liên tiếp

Nếu như năm 2017 có 1.537 ứng viên tham gia xét thì khi áp dụng tiêu chuẩn mới, số ứng viên đạt chuẩn giáo sư, phó giáo sư giảm mạnh. Cụ thể, năm 2019 còn 725 ứng viên tham gia xét (trong đó 301 người bị loại và 424 người được công nhận đạt chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư). Số ứng viên tiếp tục giảm ở 2020, 2021 và 2022 chỉ còn 479 ứng viên nộp hồ sơ xét - loại 85 ứng viên (giảm 3 lần so với năm 2017).

5 năm liên tiếp ứng viên giáo sư, phó giáo sư giảm mạnh, có bất thường?  - 1

 

Theo đánh giá của một số chuyên gia, ngoài các quy định về tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư được nâng lên so với trước, thì quy trình công nhận tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư cũng được thực hiện chặt chẽ, minh bạch hơn từ Hội đồng Giáo sư cơ sở, Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành cho đến Hội đồng Giáo sư Nhà nước. Trong đó, trách nhiệm của Hội đồng Giáo sư các cấp đều được quy định cụ thể.

Đây được cho là lý do khiến số hồ sơ ứng viên giáo sư, phó giáo sư bị loại ở Hội đồng Giáo sư liên ngành, Hội đồng Giáo sư nhà nước giảm mạnh trong 5 năm qua. Đến nay, việc các ứng viên giáo sư, phó giáo sư "trượt" ở vòng Hội đồng Giáo sư liên ngành, Hội đồng Giáo sư nhà nước trở nên bình thường.

Các ngành khoa học xã hội gặp khó

Năm 2017, liên ngành Sử học, Khảo cổ học, Dân tộc học có 3 ứng viên giáo sư, 30 ứng viên phó giáo sư tham gia xét chức danh. Sau 5 năm, ứng viên ngành này giảm mạnh, đến năm nay chỉ 2 ứng viên giáo sư, phó giáo sư. (Năm 2021, ngành này có 2 ứng viên, năm 2020 - 3 ứng viên và 2019 là 4 ứng viên).

Tương tự, ngành Tâm lý học năm nay không ứng viên nào đạt chuẩn xét công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư. Đây là lần đầu tiên trong hơn 10 năm qua xuất hiện ngành "trắng" ứng viên. Đây có phải là điều đáng báo động?

5 năm liên tiếp ứng viên giáo sư, phó giáo sư giảm mạnh, có bất thường?  - 2

So sánh số ứng viên giáo sư, phó giáo sư được Hội đồng Giáo sư ngành/liên ngành đánh giá đạt chuẩn năm 2022.

GS.TSKH Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng giáo sư liên ngành Sử học, Khảo cổ học, Dân tộc học cho biết, từ khi áp dụng quy định cứng về bài báo quốc tế trong tiêu chuẩn xét duyệt chức danh giáo sư, phó giáo sư, số ứng viên đăng ký xu hướng ngày càng giảm, rõ rệt nhất là các ngành khoa học xã hội và nhân văn. Năm nay số ứng viên cả nước được xét ở các hội đồng ngành thuộc các lĩnh vực này rất ít.

Theo GS Giang, quy định về tiêu chuẩn xét duyệt chức danh giáo sư, phó giáo sư yêu cầu ứng viên phải có bài báo quốc tế. Đây là một trong những điều kiện tiên quyết với các ứng viên. Mục đích của yêu cầu này nhằm đáp ứng trình độ quốc tế, nâng cao chất lượng đội ngũ và nâng tầm hoạt động nghiên cứu khoa học của Việt Nam.

Tiêu chuẩn này đặt ra không loại trừ với ngành nào, lĩnh vực khoa học nào. Tuy nhiên, yêu cầu này chưa thực sự thực tế, không thấy hết được tính đa dạng của các loại hình khoa học.

Thực tế, các công trình nghiên cứu thuộc các lĩnh vực an ninh, quốc phòng, khoa học xã hội và nhân văn trước hết phải phục phục vụ yêu cầu phát triển của đất nước. Ví dụ các ngành Triết học, Tôn giáo dục, Lịch sử, Tâm lý học, An ninh quốc phòng.... nếu chạy theo việc đăng bài trên các tạp chí thuộc danh mục ISI/SCOPUS thì chắc chắn các tác giả phải lấy yêu cầu của các tạp chí này là ưu tiên hàng đầu.

Đó là chưa kể phần lớn các nhà khoa học trong nước thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn đều nghiên cứu về Việt Nam. Trong khi đó, số các tạp chí thuộc danh mục ISI/SCOPUS liên quan đến các lĩnh vực này đều của nước ngoài. Các nhà khoa học Việt Nam rất khó tìm được tạp chí phù hợp để công bố.

Đặc điểm nổi bật của các ngành thuộc khoa học xã hội và nhân văn là nghiên cứu hoạt động của con người trong không gian nhất định, phụ thuộc rất nhiều đặc điểm văn hóa, xã hội, chính trị của từng quốc gia, dân tộc. Hơn hết, các ngành này chủ yếu hướng đến phục vụ đường lối, chính sách và sự phát triển của quốc gia dân tộc mình. Vì vậy, yêu cầu các ứng viên, các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực này đưa kết quả nghiên cứu ra nước ngoài công bố để đăng trên các tạp chí nước ngoài là chưa phù hợp với thực tiễn.

"Việc tuyệt đối hóa, coi đây là chuẩn mực quốc tế duy nhất để đánh giá chất lượng công trình nghiên cứu của tất cả các ngành, các lĩnh vực là chưa thực sự phù hợp", ông nhấn mạnh.

Nhìn ở một góc độ khác, không phải tất cả các tạp chí khoa học quốc tế đều phù hợp với lĩnh vực chuyên môn nói chung và góp phần phát triển khoa học Việt Nam. Nếu chỉ chạy theo xu hướng quốc tế, nếu chỉ coi trọng công bố quốc tế thì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng và số lượng bài báo đăng trên các tạp chí trong nước.

"Tôi được biết hiện không ít ứng viên không đăng ký xét duyệt chức danh giáo sư, phó giáo sư chỉ vì thiếu điều kiện cứng, mặc dù họ là những cán bộ chuyên môn tốt, đáp ứng được các tiêu chí về giảng dạy, viết sách,… nhưng không do đủ số lượng bài báo quốc tế nên họ không đăng ký", ông Giang nói.

Do đó, lượng ứng viên ngày càng ít đi là điều dễ hiểu. Ông Giang cho rằng nên chăng chúng ta áp dụng giải pháp khuyến khích, cho điểm cao với các bài báo quốc tế thực sự có chất lượng, thay vì là một tiêu chuẩn cứng, bắt buộc như hiện nay.

Nhiều giảng viên ngại nâng chuẩn 

GS.TS Vũ Dũng, Chủ tịch Hội đồng giáo sư ngành Tâm lý học nêu rõ nguyên nhân lớn nhất dẫn đến sụt giảm tỷ lệ ứng viên giáo sư, phó giáo sư là tiêu chuẩn xét đòi hỏi cao hơn trước đây, đặc biệt là yêu cầu phải có bài báo quốc tế uy tín.

Tất cả các ngành/liên ngành đều áp dụng quy định nhất thiết các ứng viên phải có bài báo quốc tế mới đạt chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư. Quy định có phần cứng nhắc này dẫn đến tình trạng nhiều nhà khoa học mất đi động lực phấn đấu, khiến số lượng giảng viên chức danh phó giáo sư, giáo sư ở trường đại học những năm gần đây giảm nhiều.

5 năm liên tiếp ứng viên giáo sư, phó giáo sư giảm mạnh, có bất thường?  - 3

 

Điển hình như một trường đại học nổi tiếng về lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn khu vực phía Nam, 10 năm nay không có giảng viên ngành tâm lý học nào được xét duyệt chức danh phó giáo sư. Hay một trường đại học khác, cũng đến 7 năm không có, riêng năm ngoái mới có 1 phó giáo sư ngành Tâm lý học.

Trong lĩnh vực khoa học xã hội, những ứng viên được đăng nhiều bài báo trong nước uy tín, chất lượng, viết và xuất bản sách chuyên khảo, giáo trình, sách tham khảo,… nhưng thiếu 1 bài hoặc 2 bài báo với điều kiện người đứng tên đầu trong bài báo quốc tế đó nên đã bị loại không được xét.

Xét giáo sư, phó giáo sư phải căn cứ vào đóng góp của người đó trong hoạt động đào tạo giáo dục và nghiên cứu khoa học ở trường đại học, ví dụ như thời gian cống hiến giảng dạy, hướng dẫn nhiều nghiên cứu sinh, hướng dẫn nhiều thạc sĩ bảo vệ thành công, có đủ số lượng bài báo trên các tạp chí uy tín của quốc gia, xuất bản được các đầu sách...

Nếu chỉ vì họ thiếu một bài báo là người đứng tên đầu mà những nỗ lực, cống hiến khác của họ không được công nhận, không đủ điều kiện để xét duyệt nữa thực sự không hợp lý.

GS Vũ Dũng lo lắng, vài năm tới, tỷ lệ giảng viên giáo sư, phó giáo sư còn giảm, thế hệ giáo sư gạo cội nghỉ hưu, còn thế hệ kế cận lại ít được xét duyệt, ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục đại học.

“Bài báo quốc tế là rất cần thiết, nhưng không nên coi đó là tiêu chuẩn cứng, chỉ nên khuyến khích và ghi nhận bằng cách: ứng viên có bài báo được đăng trên các tạp chí thuộc danh mục ISI/SCOPUS thì được cộng thêm điểm. Bài báo chỉ số càng cao thì càng được cộng nhiều điểm.

Chỉ nên dùng bài báo đăng trên các tạp chí trong nước uy tín, chất lượng làm tiêu chuẩn cứng. Như vậy, sẽ tạo điều kiện cho nhiều người có cơ hội trở thành giáo sư, phó giáo sư và đúng với thực tế, không gây khó khăn cho các ứng viên các ngành khoa học xã hội và nhân văn”, vị chuyên gia này kiến nghị.

Có nên hạ chuẩn để tăng ứng viên?

Theo GS Đặng Vạn Phước, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Y, ngay khi áp dụng tiêu chuẩn công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư theo Quyết định 37, nhiều ý kiến lo lắng, khó có mẫu số chung cho tất cả các lĩnh vực. 

Chẳng hạn, so với ngành khoa học tự nhiên thì ngành khoa học xã hội và nhân văn có đặc thù riêng, ít công bố quốc tế hơn là điều ai cũng nhận thấy. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng đặc thù chỉ có thể ở một số ngành như pháp luật, khảo cổ…, còn với xã hội học, kinh tế, tâm lý thì không thể, hoặc nếu quá đặc thù thì chẳng có ý nghĩa gì cho khoa học thế giới.

Những lo lắng đó được kiểm chứng sau 4 năm áp dụng quy định tiêu chuẩn mới. Việc áp dụng đồng nhất các tiêu chí giữa 28 ngành xét giáo sư, phó giáo sư bộc lộ những bất cập. "Nếu không thay đổi thì những chuyên ngành dần dần không ứng viên, dẫn tới chuyện không có phó giáo sư, giáo sư thì không thể có lớp kế cận", ông nói và đề xuất giải pháp thay thế bài báo quốc tế bằng tạp chí trong nước có giá trị.

Đại diện Hội đồng Giáo sư ngành Ngôn ngữ học cho rằng, cần linh động trong việc xem xét các tiêu chí công nhận chức danh trên cơ sở đảm bảo công bằng, khách quan với tất cả các ngành khác. Không phải công nhận cho có mà quan trọng là chất lượng xứng đáng để được công nhận hay không. Trong đó, không chỉ xem xét quá trình công tác, công bố nghiên cứu khoa học trước khi công nhận mà vấn đề “hậu bổ” cũng cần phải được xem xét thấu đáo.

Tuy nhiên, đây cũng là cái khó của Việt Nam bởi khi đã được công nhận là phó giáo sư, giáo sư tức là chức danh suốt đời nên dù người đó “giậm chân tại chỗ” thì cũng chẳng đơn vị nào thu hồi được chức danh này, vị này nói.

Theo Niên giám thống kê năm 2021, trong khoảng 76.600 giảng viên đại học, số giáo sư, phó giáo sư đang giảng dạy toàn thời gian lần lượt khoảng 682 và 4.760 người. Tỷ lệ giảng viên đại học đạt chức danh giáo sư chỉ 0,89%, phó giáo sư 6,21%, tỷ lệ được đánh giá là thấp. Nhiều trường đại học lo lắng nguy cơ tình trạng số lượng giáo sư, phó giáo sư ngày càng giảm sụt.

Hà Cường
Bình luận
vtcnews.vn