Tư liệu

5 Đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam

Thứ Ba, 12/09/2023 12:15:00 +07:00

(VTC News) - GS.TS Vũ Dương Huân - nguyên Giám đốc Học viện Ngoại giao chia sẻ góc nhìn, cách hiểu về quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.

Nhận lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Tổng thống Mỹ Joe Biden có chuyến thăm cấp Nhà nước Việt Nam từ ngày 10/9 đến 11/9. Trong chuyến thăm, lãnh đạo Việt Nam và Mỹ tuyên bố nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện.

Đối tác chiến lược toàn diện là gì?

Lý giải rõ hơn về các hình thức hợp tác quốc tế hiện nay của Việt Nam, GS.TS Vũ Dương Huân - nguyên Giám đốc Học viện Ngoại giao cho biết, trong khung pháp lý, lý thuyết để xây dựng quan hệ đối tác có những loại hình như quan hệ đặc biệt, quan hệ đối tác chiến lược và quan hệ đối tác.

5 Đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam - 1

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Joe Biden trong cuộc họp báo chung ngày 10/9.

"Thứ nhất, là quan hệ đặc biệt. Trước đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra khung pháp lý cho quan hệ đặc biệt Việt Nam với Lào và Campuchia. Tuy nhiên, sau khi Campuchia ký hiệp định hoà bình, chuyển thể chế năm 1993, quan hệ Việt Nam - Campuchia không còn đặc biệt. Quan hệ Việt Nam - Lào là đặc biệt, vì là đồng minh chiến lược theo ý thức hệ, đồng thời là đối tác chiến lược toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.

Thứ hai, quan hệ đối tác chiến lược. Trong quan hệ đối tác chiến lược chia làm 3 loại, đối tác chiến lược toàn diện, quan hệ đối tác chiến lược không có chữ toàn diện và đối tác chiến lược trên các lĩnh vực.

Đầu tiên là đối tác chiến lược toàn diện như trường hợp Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Nga... Tiếp đến là mối quan hệ đối tác không mang tên "quan hệ đối tác chiến lược" song thực chất là "quan hệ đối tác chiến lược toàn diện" đó là quan hệ Việt Nam - Nhật Bản. Năm 2014, Việt Nam và Nhật Bản ký kết "quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng", dù tên khác song thực chất vẫn là "quan hệ đối tác chiến lược toàn diện". Tiếp đến, quan hệ đối tác chiến lược, không có chữ toàn diện. Với nhiều nước như Anh, Tây Ban Nha, Pháp, Australia, Thái Lan.. Và cuối cùng là quan hệ đối tác chiến lược về lĩnh vực, trong đó có quan hệ đối tác chiến lược về nguồn nước Việt Nam với Đan Mạch...

Thứ ba, quan hệ đối tác toàn diện. Mức quan hệ này thấp hơn đối tác chiến lược. Đối tác chiến lược quy mô lớn, hợp tác trên nhiều vẫn đề quan trọng, thời gian dài, quan hệ trên nhiều lĩnh vực, sâu rộng. Việt Nam hiện có quan hệ đối tác toàn diện với 12 quốc gia như Nam Phi; Chile, Brazil, Hà Lan...".

Đề cập đến triển vọng sau khi Việt Nam và Mỹ nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, GS.TS Vũ Dương Huân cho rằng sự kiện này có ý nghĩa quan trọng, là khung pháp lý để cho hai nước tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác mạnh mẽ, sâu rộng trên các lĩnh vực trong thời gian tới.

"Đây là khung pháp lý quan trọng, tạo ra cơ hội, thúc đẩy quan hệ hợp tác về mọi mặt từ chính trị, an ninh, và nhất là kinh tế - thương mại, giáo dục đào tạo...", GS.TS Vũ Dương Huân cho hay.

Theo GS.TS Vũ Dương Huân, quyết định nâng cấp quan hệ Việt - Mỹ lên mức đối tác chiến lược toàn diện cho thấy Việt Nam và Mỹ cùng nhận thức, coi trọng quan hệ hợp tác lẫn nhau.

"Từ việc lãnh đạo hai nước đạt được đồng thuận về nhận thức sẽ mở ra những hành động thiết thực trên thực tiễn. Cơ hội đối với hai nước sau khi quan hệ Việt Nam - Mỹ nâng cấp lên đối tác chiến lược toàn diện là rất lớn", GS.TS Vũ Dương Huân cho biết thêm.

Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ vào năm 1995 và thiết lập quan hệ đối tác toàn diện vào năm 2013. Quan hệ Việt Nam - Mỹ thời gian qua tiếp tục đà phát triển tích cực, trên cả ba bình diện - song phương, khu vực và quốc tế - có nhiều tiến triển nổi bật và đã đạt được một số kết quả cụ thể.

5 Đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam - 2

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Trụ sở Trung ương Đảng, ngày 10/9.

Hai bên duy trì các hoạt động tiếp xúc, trao đổi đoàn, trong đó đáng chú ý là cuộc điện đàm rất thành công giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Tổng thống Joe Biden vào tháng 3/2023. Hai bên duy trì trao đổi đoàn cấp cao và tiếp xúc song phương: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc với Phó Tổng thống Kamala Harris bên lề Tuần lễ cấp cao APEC ở Bangkok (12/11/2022), của Thủ tướng Phạm Minh Chính với Tổng thống Joe Biden tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 40 và 41 tại Campuchia (11/2022) và trong khuôn khổ Hội nghị G7 tại Hiroshima, Nhật Bản (5/2023) vừa qua.

Việt Nam cũng đón thành công nhiều đoàn Mỹ thăm Việt Nam, trong đó nổi bật là đoàn Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về biến đổi khí hậu John Kerry (9/2022), Đoàn Trợ lý Ngoại trưởng Daniel Kritenbrink (10/2022), đoàn Ngoại trưởng Antony Blinken (4/2023),...

Hai bên đã chính thức nối lại các cơ chế đối thoại song phương thường kỳ dưới hình thức trực tiếp như Đối thoại Châu Á - Thái Bình Dương (tháng 10/2022), Đối thoại Nhân quyền (tháng 11/2022), Đối thoại Chính trị - An ninh - Quốc phòng tại Washington, D.C. (tháng 3/2023).

Năm 2022, thương mại hai chiều đạt 123 tỷ USD, tăng gần 300 lần so với con số 450 triệu USD năm 1995. Việt Nam cũng nhanh chóng vươn lên để trở thành đối tác thương mại lớn thứ 7 của Mỹ và trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ trong ASEAN.

5 Đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam - 3
5 Đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam - 4

 

Các đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam

Tính đến tháng 9/2023, Việt Nam đã xây dựng và nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện với 18 quốc gia.

Các mối quan hệ này đã và đang đóng góp quan trọng, tạo điều kiện vững chắc giúp bảo đảm, củng cố môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ lợi thế của các đối tác để bảo vệ, phát triển đất nước nhanh và bền vững, cũng như nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Với việc Việt Nam - Mỹ vừa tuyên bố nâng cấp quan hệ ngoại giao, đến nay, Việt Nam có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với 5 quốc gia. Mỹ cũng trở thành quốc gia thứ 5 nâng cấp quan hệ với Việt Nam lên Đối tác chiến lược toàn diện sau Trung Quốc (nâng cấp quan hệ năm 2008), Nga (năm 2012), Ấn Độ (2016) và Hàn Quốc (2022).

Bên cạnh đó, Việt Nam đã có quan hệ Đối tác chiến lược với 13 quốc gia, quan hệ Đối tác toàn diện với 10 quốc gia; quan hệ Đối tác chiến lược lĩnh vực với 2 quốc gia (Hà Lan và Đan Mạch). Ngoài ra Việt Nam có Quan hệ đặc biệt với 3 quốc gia, gồm Lào, Campuchia và Cuba.

5 Đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam - 5

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình trong chuyến thăm Việt Nam của ông Tập Cận Bình vào tháng 11/2017. (Ảnh: Lưu Quang Phổ)

Trung Quốc

Kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ vào năm 1991 đến nay, hợp tác Việt Nam - Trung Quốc đã trải qua nhiều dấu mốc lịch sử quan trọng.

Đến tháng 6/2008, nhân chuyến thăm hữu nghị chính thức Trung Quốc, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã ra Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc nhằm thiết lập “quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện” trên cơ sở phương châm 16 chữ “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần bốn tốt “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”.

Trong thời gian qua, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc có những bước tiến lớn cả về chiều rộng lẫn chiều sâu trên tất cả các lĩnh vực.

5 Đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam - 6

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Liên bang Nga theo lời mời của Tổng thống Vladimir Putin vào năm 2018. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Nga

Quan hệ Việt Nam - Nga ngày nay kế thừa quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa Việt Nam và Liên Xô trong quá khứ. Sau một thời gian bị gián đoạn trước những biến động tại Liên Xô và Nga đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, bằng quyết tâm và nỗ lực của lãnh đạo và nhân dân hai nước, quan hệ Việt Nam - Nga đã có những bước tiến mạnh mẽ, tiếp nối xứng đáng truyền thống quan hệ tốt đẹp giữa hai dân tộc.

Nhằm tạo khuôn khổ pháp lý mới cho quan hệ giữa Việt Nam và Nga, năm 1994 hai nước đã ký kết Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị. Đây là tiền đề cho việc thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước vào tháng 3/2001, đưa Nga trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới có khuôn khổ Đối tác chiến lược với Việt Nam, tạo nền tảng hợp tác Việt - Nga trong thế kỷ 21.

Tiếp đó, với mong muốn đưa quan hệ Việt - Nga ngày càng đi vào chiều sâu và hiệu quả, hai nước đã quyết định nâng cấp quan hệ lên mức Đối tác chiến lược toàn diện trong chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến Nga vào tháng 7/2012.

Trong cuộc họp báo chung tại Moskva, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thông báo về việc nâng cấp quan hệ hai nước lên mức cao nhất. Trong khuôn khổ quan hệ đó, hợp tác Việt - Nga đã có những bước phát triển mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực.

Ấn Độ

Quan hệ song phương giữa Việt Nam và Ấn Độ được nâng lên tầm “Đối tác Chiến lược” vào tháng 7/2007. Đến tháng 9/2016, trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi theo lời mời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, quan hệ song phương được nâng lên thành Đối tác chiến lược toàn diện.

Sự phát triển hiện tại của quan hệ Ấn Độ - Việt Nam được định hướng bởi “Tầm nhìn chung vì Hòa bình, Thịnh vượng và Con người” mang tính lịch sử được Thủ tướng Narendra Modi và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thông qua trong Hội nghị cấp cao trực tuyến được tổ chức vào tháng 12/2020. Trong khuôn khổ đó, quan hệ hợp tác song phương giữa hai nước đã đạt được những thành tựu quan trọng trên tất cả các trụ cột của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.

Hàn Quốc

Quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc được đánh giá đang trong giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1992. Đặc biệt, tháng 12/2022, hai bên ra Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc lên Đối tác chiến lược toàn diện trong chuyến thăng của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đến Hàn Quốc.

Trong hơn 30 năm qua, hợp tác giữa hai nước phát triển nhanh chóng và hiệu quả trong các lĩnh vực, từ chính trị, ngoại giao, an ninh quốc phòng, đến kinh tế, văn hóa..., trên cả bình diện song phương và đa phương. Sự tin cậy chính trị, hiểu biết lẫn nhau được tăng cường, tạo nền tảng vững chắc cho các lĩnh vực hợp tác phát triển sâu rộng và bền vững. Hoạt động trao đổi, tiếp xúc cấp cao được duy trì thường xuyên; các cơ chế đối thoại, hợp tác được vận hành ổn định.

5 Đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam - 7

 Lễ đón chính thức Tổng thống Mỹ Joe Biden thăm cấp Nhà nước Việt Nam do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì ngày 10/9.

Mỹ

Tại cuộc họp báo chung với Tổng thống Biden ngày 10/9/2023 sau hội đàm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh một số phương hướng lớn để thúc đẩy quan hệ Việt Nam – Mỹ, trong đó có việc tiếp tục tăng cường hiểu biết lẫn nhau, thực hiện những nguyên tắc định hướng, tạo ổn định lâu dài, gặp gỡ, hợp tác cấp cao, giữa các ngành, các cấp, giao lưu nhân dân.

Tổng Bí thư hoan nghênh việc thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư và tăng trưởng kinh tế bao trùm theo hướng đổi mới sáng tạo tiếp tục là nền tảng trọng tâm, động lực cho quan hệ hai nước và việc hai bên nhất trí tạo đột phá trong hợp tác về khoa học, công nghệ.

Kông Anh - Trà Khánh
Bình luận
vtcnews.vn