Hơn một triệu thí sinh sẽ bắt đầu làm bài thi tốt nghiệp THPT 2022 từ ngày 7/7. Ba mục tiêu của kỳ thi gồm: Ðánh giá kết quả học tập của học sinh sau 12 năm học; lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT cho học sinh; thông qua kỳ thi đánh giá chất lượng dạy học để từ đó điều chỉnh việc dạy học những năm tới.
Ngoài ra, kết quả kỳ thi giữ vai trò quan trọng trong việc xét tuyển đầu vào hệ chính quy của nhiều trường đại học.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ, Trưởng ban chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT 2022, nhấn mạnh, tác động của kỳ thi tới xã hội rất lớn, cả hệ thống chính trị vào cuộc để tổ chức, chỉ một sơ suất nhỏ có thể gây hậu quả lớn. Vì vậy, để kỳ thi nghiêm túc, chất lượng, bảo đảm không có thí sinh vi phạm quy chế thì 4 yếu tố nhân sự; cơ sở vật chất; phương án bảo vệ an ninh cho từng điểm thi và công tác phối hợp giữa nhiều cơ quan rất quan trọng.
Các chuyên gia chỉ ra 4 bài toán Bộ GD&ĐT cùng các địa phương cần giải quyết để kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay thành công theo đúng mục tiêu đề ra. Đó là giải quyết tình trạng 30 điểm vẫn trượt đại học; ngăn chặn thí sinh gian lận thiết bị công nghệ cao; không lộ đề thi và tổ chức phòng, chống dịch COVID-19 đảm bảo an toàn thí sinh, cán bộ coi thi.
30 điểm vẫn trượt đại học
Trong đợt xét tuyển đại học năm 2021, theo thống kê của Bộ GD&ĐT, mức điểm chuẩn đại học các trường top trên tăng 0,5 - 3 điểm so với năm 2020, riêng trường top giữa và dưới tăng đột biến tới 11 điểm. Tổng số thí sinh đạt từ 27 điểm trở lên ở khối A1 và D tăng gấp 2 lần so với năm 2020.
Ba trường đại học có điểm chuẩn từ 30 gồm: Học viện Chính trị Công an Nhân dân (30,34), Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa), ngành Sư phạm chất lượng cao (30,5), Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), ngành Hàn Quốc học (30), từng gây xôn xao dư luận.
Theo GS.TS Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng 30 điểm vẫn trượt đại học do đề dễ, điểm thi tốt nghiệp THPT cao. Điều này thể hiện rõ khi phân tích phổ điểm từng môn đều tăng so với 2 năm trước đó.
Cụ thể, số lượng bài thi đạt điểm giỏi tăng đột biến. Ở môn tiếng Anh, tỷ lệ bài thi từ điểm 8 trở lên chiếm 24% (năm 2020 là 6,5%, 2019: 5,96% và 2018: 2,7%); trung bình cứ 4 thí sinh, có 1 em đạt điểm giỏi môn Anh.
Ở môn Ngữ văn, tỷ lệ bài thi từ điểm 7 trở lên rất cao, chiếm 41,7% (năm 2020: 46%; 2019: 14,4% và 2018: 17,4%). Các môn khác cũng tương tự như vậy.
Đề thi tốt nghiệp THPT năm nay cần độ phân hoá tốt hơn, tránh tình trạng cơn mưa điểm 9, 10 và thí sinh điểm tuyệt đối vẫn “cay đắng” trượt đại học.
GS.TS Đinh Quang Báo
Theo ông Báo, điểm thi tốt nghiệp THPT ngày càng không thật sự phù hợp để phân loại học sinh giỏi, xuất sắc nhằm mục tiêu xét tuyển đại học, nhất là với các ngành, trường hot như trước đây.
"Các trường top dưới lâu nay vẫn tuyển sinh dựa vào kết quả học bạ là chính nên tính chất kỳ thi thay đổi sẽ không ảnh hưởng nhiều. Tuy nhiên, các trường top trên phụ thuộc vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT nên bị ảnh hưởng nhiều", GS Báo nhận định.
Để tình trạng này không tiếp diễn, ông kỳ vọng đề thi tốt nghiệp THPT năm nay có độ phân hoá tốt hơn giữa các thí sinh khá - giỏi, tránh tình trạng cơn mưa điểm 9, 10 và thí sinh điểm tuyệt đối vẫn “cay đắng” trượt đại học.
Gian lận thiết bị công nghệ cao
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm trước, lực lượng chức năng phát hiện nhiều trường hợp thí sinh gian lận, trong đó 23 người bị khởi tố. Trong những sự vụ trên, quy trình gian lận được tính toán kỹ. Thí sinh sử dụng camera cúc áo (gắn trên áo như một chiếc cúc) để quay chụp đề thi, sau đó đưa hình ảnh đề ra ngoài qua thiết bị trung gian. Khi đề được giải xong, đáp án sẽ được truyền vào qua tai nghe hạt đậu. Các thiết bị này đều rất nhỏ khiến cán bộ coi thi khó phát hiện.
Năm nay, Bộ GD&ĐT, Bộ Công an, các địa phương đặc biệt quan tâm vấn đề ngăn chặn thí sinh gian lận thiết bị công nghệ cao. Bộ GD&ĐT bổ sung yêu cầu đồ dùng cá nhân của thí sinh phải để cách phòng thi tối thiểu 25 m. Nhiều tỉnh, thành đã trang bị thêm các máy móc, thiết bị chuyên dụng để có thể phát hiện kịp thời hành vi gian lận bằng công nghệ cao.
Bộ Công an cũng chỉ đạo đến tận công an cấp phường, xã rà soát và yêu cầu người dân gần điểm thi cam kết không tiếp tay cho các hành vi gian lận thi cử. Xác định một sơ suất nhỏ sẽ gây hậu quả lớn, ngành giáo dục và các địa phương đang nỗ lực tìm các giải pháp ứng phó.
Liên quan vấn đề gian lận trong kỳ thi, thiếu tướng Nguyễn Hồng Thủy, Phó cục trưởng Cục Kỹ thuật nghiệp vụ (A06), Bộ Công an, lưu ý, tại các điểm thi hoặc vị trí trọng yếu gần nhà dân, cần tăng cường biện pháp nghiệp vụ, tuyên truyền, cảnh báo đối với các hộ dân chung quanh.
Bộ Công an cũng yêu cầu địa phương kiểm tra kỹ lưỡng điều kiện bảo đảm an ninh, an toàn tại những địa điểm trên. Tại các điểm thi, giám thị cần giám sát kỹ, nhắc nhở và theo dõi thí sinh có hành động không bình thường để đề phòng gian lận.
Một số thiết bị gian lận công nghệ cao được phát hiện trong những kỳ thi trước. (Ảnh: PA03 Công an thành phố Hà Nội).
Lộ đề thi
Ngày 10/6, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố bà Phạm Thị My (59 tuổi) và ông Bùi Văn Sâm (73 tuổi). Cả hai đều là nguyên giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Cụ thể, cơ quan điều tra xác minh hai người trên có dấu hiệu vi phạm trong công tác xây dựng ngân hàng câu hỏi và ra đề thi môn Sinh học kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.
Sự việc trên bắt nguồn từ việc một giáo viên trường THPT chuyên Hà Tĩnh livestream trên mạng xã hội ôn tập cho thí sinh trước ngày thi tốt nghiệp. Trong đó, 80% nội dung đề giáo viên này ôn tập trùng với đề thi tốt nghiệp THPT môn Sinh năm 2021. Điều này làm dư luận xã hội dấy lên nghi vấn lộ đề thi.
Một chủ biên sách giáo khoa Sinh học, đồng thời từng nhiều năm tham gia xây dựng ngân hàng câu hỏi môn học này, cũng chia sẻ, đề thi tốt nghiệp giống nội dung ôn tập trên mạng xã hội đến hơn 90% là bất thường. Về mặt lý thuyết, nếu đề làm ngẫu nhiên, thì xác suất trùng như vậy là không tưởng.
Chuyên gia này cũng cho rằng, quy trình làm đề thi tốt nghiệp THPT hiện tại cần được điều chỉnh, không chỉ riêng môn Sinh học, mà còn những môn khác, bởi nếu kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 vẫn xảy ra tình trạng như năm ngoái thì quá lo ngại.
Ông Lê Mỹ Phong, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT, cho hay, đề thi, đáp án chưa công khai thuộc danh mục bí mật nhà nước độ “tối mật”. Theo đó, thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước độ tối mật đối với đề thi chỉ kết thúc khi hết thời gian làm bài (đối với bài thi, môn thi trắc nghiệm) và hết hai phần ba thời gian làm bài (đối với bài thi tự luận).
“Mọi hành vi cung cấp, tiết lộ đề thi trước khi kết thúc thời gian làm bài thi tốt nghiệp THPT theo quy định đều bị coi là làm lộ bí mật nhà nước và bị xử lý theo pháp luật”, ông nói.
Năm nay, quy định về thời gian bảo vệ độ tối mật của đề thi được thay đổi so với các năm trước. Theo đó, 2/3 thời gian làm bài đối với môn thi tự luận và toàn bộ thời gian làm bài với môn thi theo hình thức trắc nghiệm. Nếu cá nhân, tổ chức vi phạm, làm lộ, lọt đề thi trong thời gian này sẽ bị xử lý hình sự.
Vừa thi vừa chống dịch
Nếu như hai năm trước, kỳ thi tốt nghiệp THPT phải chia thành 2 đợt do ảnh hưởng của COVID-19 thì năm nay thuận lợi hơn khi tổ chức một đợt. Tuy nhiên, diễn biến của dịch bệnh vẫn còn khó lường. Tổ chức kỳ thi trong điều kiện hiện tại, nhất là tổ chức cho học sinh đang bị F0 hoặc nghi nhiễm, là thách thức không nhỏ với các địa phương.
Để đảm bảo an toàn, Bộ GD&ĐT cùng Bộ Y tế ban hành các hướng dẫn địa phương, điểm thi tuân thủ đầy đủ quy định về phòng, chống dịch.
"Theo hướng dẫn, các thí sinh F0 được đặc cách tốt nghiệp, em nào muốn thi thì có thể làm đơn. Các địa phương cần xác định đúng người mắc để đáp ứng nhu cầu đặc cách, tránh tình trạng kết quả giả", ông nói.
Với thí sinh F0 có nguyện vọng thi, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đề nghị địa phương có phương án bố trí phòng thi phù hợp; không chủ quan với công tác phòng, chống dịch.
Thí sinh F0 được đặc cách tốt nghiệp, em nào muốn thi thì có thể làm đơn xin. Các địa phương cần xác định đúng thí sinh mắc để đáp ứng nhu cầu đặc cách, tránh tình trạng kết quả giả
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ
Mỗi điểm thi bố trí 2 phòng thi dự phòng tại tầng trệt, có đường phân luồng từ phòng ra cổng; thực hiện công tác vệ sinh, khử khuẩn ngay sau khi kết thúc mỗi buổi thi (nếu có sử dụng). Bố trí khu vực vệ sinh riêng cho thí sinh thuộc diện F0. Đảm bảo đầy đủ vật tư y tế cần thiết, dung dịch sát khuẩn, khẩu trang dự phòng.
Cán bộ coi thi tại phòng thi dự phòng cho thí sinh F0 phải sử dụng trang phục bảo hộ và tấm chắn giọt bắn theo đúng quy định phòng, chống dịch.
Với quy định đeo khẩu trang, ông Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), thông tin, theo các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế, nhóm F0, F1 khi tham gia thi tốt nghiệp bắt buộc đeo khẩu trang. Bên cạnh đó, chúng ta vẫn thực hiện quy định 5K, nên các địa phương yêu cầu thí sinh phải đeo khẩu trang.
Tuy nhiên, quan điểm của Bộ Y tế là các địa phương có thể thực hiện linh hoạt, khi thí sinh vào phòng thi thì không nhất thiết phải đeo khẩu trang.
Bình luận