• Zalo

37 công nhân bị chủ thầu bỏ rơi ở Hạ Long: 'Có người còn không biết nhà mình ở đâu mà về'

Kinh tếThứ Bảy, 10/02/2018 07:33:00 +07:00Google News

Đại diện của nhóm 37 công nhân bị quỵt tiền ở Hạ Long tâm sự, thương nhất là 13 người ở Điện Biên, có người còn chưa nói sõi tiếng Kinh, có người còn không biết quê mình ở đâu mà về.

Chiều 9/2, PV báo điện tử VTC News nhận được phản ánh của anh Nguyễn Văn Vinh (trú tại Nghệ An) về việc chủ thầu ở Hạ Long (Quảng Ninh) không trả lương, thương cho công nhân và bỗng dưng biến mất

Cuộc sống tạm bợ của 37 công nhân bị quỵt tiền

Ông Lê Hữu Toan (SN 1958), có hộ khẩu thường trú tại Đông Triều, Quảng Ninh đứng ra đại diện cho 37 công nhân bị chủ thầu quỵt tiền ở Hạ Long cho biết, chủ thầu có tên là Sơn, người xã Quỳnh Hưng, Quỳnh Lưu, Nghệ An.

27906316_159086358214599_1778226775_o 3

Nhóm công nhân ở bị quỵt tiền ở Hạ Long gồm 13 người Điện Biên, đa phần là người dân tộc thiểu số; 20 người Nghệ An; 1 người Hòn Gai (Quảng Ninh) và 3 người người Đông Triều (Quảng Ninh). 

Ông Toan nói thêm, 37 công nhân tại đây đều ít học, chỉ biết vùi đầu vào làm việc và chờ Sơn thanh toán tiền hàng tuần. Chính vì vậy, không một ai biết chính xác tên công ty của Sơn tên là gì, ngoài người đàn ông tên Sơn ra, họ không biết bất kỳ một người nào khác.

Bản thân họ cũng không có hợp đồng lao động, không có bất kỳ bảo hiểm hay các chính sách theo Luật Lao động: “Chúng tôi tin tưởng nên cứ làm, chờ đến cuối tuần trả tiền, nhưng ai ngờ...”, ông Toan thờ dài. 

Nhóm công nhân ở bị quỵt tiền ở Hạ Long gồm 13 người Điện Biên, đa phần là người dân tộc thiểu số, 20 người Nghệ An, 4 người ở Quảng Ninh (1 người Hòn Gai và 3 người người Đông Triều).

37 con người sống trong một khu vực được xây dựng tạm bợ thuộc tổ dân phố Cái Dăm, phường Bãi Cháy (Hạ Long).

Những "túp lều" được lợp vài tấm nhôm thủng lỗ chỗ và được vá víu bằng những tấm bạt hoặc những túi ny-lông. Những ngày mưa rét, 37 con người phải ngủ co ro, đốt thêm ít củi để sưởi ẩm.

Ông Toan nói, cuộc sống của những người người công nhân nghèo đạm bạc, chỉ toàn rau với dưa. Thi thoảng, Sơn đến đưa thêm tiền thì cải thiện thêm miếng thịt hay con cá.

“Tuy nhiên, lâu rồi Sơn không chu cấp cho mọi người, tiền lương cũng thất hứa liên tục, chúng tôi hết tiền chẳng biết kêu ai. Cũng may, có bà con lối xóm biết chuyện nên thi thoảng cho gạo, cho thịt cho chúng tôi được sống”, ông Toan nói.

Theo cam kết, mỗi ngày sẽ được chấm công, 1 công là 300.000 đồng/ngày. Tuy nhiên, từ tháng 6/2017 cho tới nay, anh Sơn liên tục thất hẹn và không chịu trả theo đúng thỏa thuận ban đầu.

qn2

Túp lều tạm bợ của 37 con người. 

“Lúc đầu, tôi mới làm cho Sơn, tôi thấy cậu ấy trả cũng sòng phẳng, tưởng là người đàng hoàng. Nhưng về sau, cậu ấy liên tục khất nợ, rồi mất hút luôn. Hiện tại, Sơn còn thiếu của tôi 57 công, tức là khoảng hơn 10 triệu đồng”, ông Toan nói kể.

Từ khi làm cho Sơn, ông mới chỉ được trả 6,7 triệu đồng, song, ông Toan nói mình may mắn hơn một số người: “Nhiều người còn chẳng được trả xu nào”.

Mỗi người có mức lương khác nhau, nhưng, tính gộp lại, chủ thầu sẽ phải trả nhóm công nhân này khoảng 450 triệu đồng.

Quá bức xúc trước thái độ lẩn tránh của Sơn, một số công nhân đã lùng sục khắp Thành phố Hạ Long để đòi tiền. Đến sáng hôm qua (9/2), anh Đoàn Văn Vinh cùng một số công nhân khác bất ngờ tìm thấy chủ thầu tên là Sơn ở trên đường. Ngay lập tức, anh Vinh cùng một số công nhân yêu cầu ông Sơn thực hiện lời hứa và nghĩa vụ của mình.

27902024_159086518214583_1947280374_o 4

Cuộc sống khốn khó của những công nhân bị quỵt nợ. 

“Sau đó, anh Sơn đưa công nhân đó đến một công ty (không rõ công ty gì) bảo đứng đợi ngoài cổng để anh Sơn vào thanh toán rồi trả tiền.

Tuy nhiên, mấy công nhân đợi mãi không thấy anh Sơn ra, khi vào hỏi nhân viên công ty thì nhận được câu trả lời là anh Sơn đi ra khỏi công ty đó từ cửa sau", anh Vinh chia sẻ.

Nhóm công nhân Điện Biên khốn khổ

Trong nhóm công nhân bị quỵt tiền có 13 người đến từ Điện Biên, đa phần là những người dân tộc thiểu số, ít học, thậm chí có người không sõi tiếng Kinh.

qn1

Nhóm công nhân quê Điện Biên. 

Ông Toan rơm rớm nước mắt: “Nhà tôi ngay Đông Triều thôi, có đói có no còn có thể về nhà được. Chứ tội 13 anh em quê Điện Biên lắm, thứ nhất quê họ rất nghèo, thứ 2 họ ít học, nói tiếng Kinh còn không sõi. Người này hiểu được từ nào lại dịch cho người kia”.

Trao đổi với PV báo điện tử VTC News, một người đàn ông tên Sìn (người H’Mong) không rõ bao nhiêu tuổi, trả lời bập bẹ: “Nhà tôi trên núi, nghèo lắm, có vợ con rồi”.

Rất nhiều người không hiểu Sìn nói gì, ông Toan bất đắc dĩ đứng ra dịch hộ: “Nó không biết địa chỉ chính xác quê mình ở đâu, chỉ biết ở một vùng nào đó ở Điện Biên. Giờ có cho tiền, nó cũng không biết đường nào mà về”.

Lúc đầu, Sìn xuống Hà Nội theo đám thanh niên cùng quề để làm bốc vác, phụ hồ. Đến giữa năm 2017, nhóm thanh niên Điện Biên được một số công nhân khác giới thiệu ra Quảng Ninh làm việc.

“Tôi cũng hỏi chúng nó, chúng nó bảo lúc đầu làm ở Hà Nội, trong nhóm có mấy anh công nhân quê Nghệ An giới thiệu lên Quảng Ninh làm việc cho Sơn. Bản thân mấy anh công nhân quê Nghệ An cũng bị lừa”, ông Toan nói.

Đại diện nhóm công nhân cho biết, chiều hôm qua (9/1), một số cơ quan ban ngành của thành phố Hạ Long và tỉnh Quảng Ninh đã để ghi nhận thông tin ban đầu về nhóm công nhân. Đã có hai đơn vị ủng hộ 37 công nhân mỗi người 1,3 triệu đồng.

Video: Doanh nhân Nga trả bảo hiểm bằng tiền xu

Không có một xu dính túi trong tay, ông Toan thở dài: “Tôi không biết ngày mai có đòi được tiền không hay như thế nào, nhưng Sơn có đọc được tâm sự của chú thì đến đây ngay.

Không có tiền thì trả ít nhiều cũng được, hoặc ít nhất nên trả cho nhóm công nhân Điện Biên để họ còn về quê ăn Tết với gia đình, chú hay những người khác trả sau cũng được. Nhìn họ khổ lắm rồi”.

Báo điện tử VTC News sẽ tiếp tục thông tin.

Việt Vũ
Bình luận
vtcnews.vn