Hà Nội sau 10 ngày phân làn: Hở ra là vi phạm

Thời sựThứ Năm, 29/09/2011 03:20:00 +07:00

(VTC News) - Trên các tuyến phố được phân làn, vắng người có trách nhiệm, các phương tiện lại mặc sức đi vào đường của nhau như không có chuyện gì xảy ra.

(VTC News) - Trên các tuyến phố được phân làn, vắng người có trách nhiệm, các phương tiện lại mặc sức đi vào đường của nhau như không có chuyện gì xảy ra.

Vi phạm vẫn phổ biến

Theo ghi nhận của PV VTC News trên các tuyến phố được phân làn, tình hình vẫn chưa có nhiều chuyển biến, tình trạng lộn xộn, đi sai làn đường vẫn còn khá phổ biến, đặc biệt là tình trạng xe máy đi vào làn đường của ô tô.

8h sáng, chúng tôi có mặt trên tuyến Đại Cồ Việt – Trần Khát Chân, tại các điểm cắm biển chỉ dẫn phương tiện có dải phân cách mềm đều có lực lượng Thanh tra giao thông (Sở Giao thông vận tải Hà Nội) đứng cắm chốt để chỉ dẫn phương tiện đi đúng làn đường. Tuy nhiên, do lượng phương tiện vào buổi sáng đông, nên tình trạng xe máy đi vào làn của ô tô khá phổ biến, lực lượng Thanh tra phải liên tục tuýt còi để nhắc nhở, chỉ dân phương tiện đi đúng làn của mình, nhưng nhiều người vẫn vi phạm.

Xe máy đi vào làn ô tô, ô tô chiếm làn xe máy. Ảnh chụp trên phố Bà Triệu. 

Trên tuyến Phố Huế, tình trạng lộn xộn, vi phạm cũng rất phổ biến. Đặc biệt, rất nhiều xe máy sau khi qua những đoạn có lực lượng Thanh tra đứng chốt và dải phân cách cứng liền lấn sang phần đường dành cho ô tô.

Theo đại diện một Thanh tra đứng chốt tại tuyến đường này cho biết, sau gần 10 ngày chính thức tổ chức phân làn phương tiện, ý thức đi đúng phần đường của người dân có được nâng lên. Tuy nhiên, tình trạng lấn đường, đi sai làn đường vẫn còn. Trong thời gian đầu lực lượng Thanh tra và Cảnh sát giao thông chỉ đứng ra chỉ dẫn người dân, chứ chưa tổ chức phạt người vi phạm.

Ngoài ra, một số bất cập cũng bắt đầu phát sinh, đặc biệt, tại các nút giao không có đèn đỏ, như tại nút giao Thịnh Yên – Phố Huế, vào đầu giờ sáng tuyến Phố Huế đông phương tiện, nếu có ô tô đi từ phố Thịnh Yên ra bắt buộc phải chạy cắt ngang làn đường của xe máy để sang phần đường cho ô tô, dẫn đến tình trạng tắc nghẽn, lộn xộn tại các nút giao này.

Một khó khăn nữa, trên tuyến phố Bà Triệu và Phố Huế - Hàng Bài có nhiều điểm giao cắt, việc sang đường của các phương tiện rất khó khăn khi phải mở rộng vòng cua để đi đúng làn đường, khiến tốc độ di chuyển của các phương tiện bị chậm lại, gây ùn ứ.

Đoạn nào có lực lượng chức năng thì chấp hành tốt. Ảnh chụp trên tuyến Phố Huế. 

Vừa chống chiếc xe máy lên vỉa hè đầu phố Bà Triệu sau giờ đi làm về, ông Nguyễn Văn Huy tỏ ra rất bức xúc vì phải mất khá nhiều thời gian so với khi chưa phân làn mới có thể băng qua đoạn đường mới phân làn để về được nhà.

“Theo quy định, xe máy đi làn bên phải, thông thường khi rẽ trái phải đi gần đến cổng nhà mới bắt đầu sang đường, vì nếu sang từ đoạn xa sẽ phải đi vào làn của ô tô và như vậy là mình đã vi phạm luật vì đi sai làn đường. Còn vào những khi đường nhiều ô tô, khi sang đường còn vất vả hơn, thậm chí phải dừng đợi một lúc để ô tô ít đi mới sang được đường, mỗi lần rẽ như vậy, đoàn xe phía sau lại dồn lên, gây xáo trộn, bất cập”, ông Huy bức xúc.

Khó thành công?

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chánh Thanh tra giao thông (Sở GTVT Hà Nội) cho biết: “Sau 10 ngày chính thức tổ chức phân làn, ý thức của người dân đã bắt đầu có chuyển biến, tình trạng lấn làn đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, vi phạm vẫn còn, chủ yếu là xe máy lấn làn của ô tô”.

“Nếu xe nào vi phạm làn đường chúng tôi vẫn xử phạt. Tuy nhiên, trước mắt lực lượng chức năng ưu tiên nhắc nhở, chỉ dẫn cho người dân đi đúng làn đường là chính, còn chưa ưu tiên xử phạt”, ông Cường cho biết thêm.

Đoạn nào không có lực lượng chức năng là xuất hiện vi phạm. Ảnh chụp trên tuyến Phố Huế

Còn theo ông Nguyễn Xuân Tân, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội: “Tại các nút giao, khi ô tô hoặc xe máy có nhu cầu rẽ phải đi vào phần đường cho phương tiện khác, nếu có va chạm xảy ra sẽ tùy thuộc vào những tình tiết cụ thể để xác định ai đúng, ai sai. Còn không thể nói là xe vì xe máy đi sang đường ô tô nên xe máy sai, và ngược lại”.

Trong khi đó, Tiến sĩ Khuất Việt Hùng, Trưởng Bộ môn Quy hoạch và quản lý giao thông vận tải, Trường Đại học Giao thông vận tải Hà Nội chia sẻ: “Phân làn phương tiện là giải pháp cực kỳ truyền thống, thế nhưng ở ta ngay việc tách phương tiện đi theo làn cũng chưa tốt. Tại Hà Nội, nhiều đường vạch kẻ phân làn giữa đường rất mờ, từ đó người dân chưa có thói quen đi theo làn chứ chưa nói là tách làn cho từng loại phương tiện”.

Cũng theo TS. Hùng, việc tách rời từng loại phương tiện trong dòng giao thông trong nội thành Hà Nội là khó. Vì đặc trưng về sử dụng đất dọc theo các tuyến phố ở Hà Nội nó không giống các nước khác, tại một số nước, trong nội thành có người dân sinh sống liền kề đường, thì họ không không tách các loại phương tiện đi theo làn, mà chỉ tổ chức phương tiện theo làn, và các loại phương tiện có thể đi chung một làn.

“Chẳng hạn tôi sử dụng ô tô, nhà tôi nằm ở những tuyến đường phân làn đó, và khi tôi về nhà tức là tôi phải đi vào làn xe máy, khi đó thì xe máy sẽ phải tránh vào làn ô tô. Đó là phản ứng tự nhiên trong dòng giao thông, dẫn đến việc người tham gia giao thông buộc phải vi phạm”, TS. Hùng lấy ví dụ.

Vì vậy, theo TS. Hùng, nếu chúng ta chấp nhận chuyện đó, thì chúng ta phải chấp nhận việc đi sai làn để người ta vào nhà người ta. Ngay lập tức vi phạm lại được chấp nhận và như vậy nó lại trở thành như bình thường.

Liên quan đền việc Chính phủ có yêu cầu Hà Nội và TP.HCM sẽ tiến hành thí điểm phân làn trên các tuyến phố nội đô. Ông Đinh La Thăng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận Tải cho rằng: “Thực ra phân luồng và phân làn đã được làm lâu, nhưng hiện duy trì lại cho hợp lý, còn tất nhiên nó có được tuyệt đối như mình mong muốn không là rất khó, nhưng chắc chắn sẽ có cải thiện”.

Bởi theo Bộ trưởng Thăng, trước mắt phân làn sẽ là vận động, hướng dẫn, còn sau này cùng với việc hướng dẫn sẽ phạt. Trong điều kiện đường sá hẹp, hạ tầng chỉ có thế thì phân làn sẽ giúp phương tiện lưu thông tốt, trật tự ngăn nắp hơn, không gây ùn tắc cục bộ.

“Khi rẽ thì phải cắt từ làn này sang làn kia, sau này sẽ làm các đường trên cao nhẹ để lưu thông. Việc phân làn là có hiệu quả giảm ùn tắc, chứ không thể nói là không có tác dụng được”, ông Thăng khẳng định.

Lê Việt

Bình luận
vtcnews.vn