• Zalo

Hé lộ 30 giờ cân não của Vương Lập Quân

Thế giới Thứ Sáu, 21/09/2012 06:50:00 +07:00Google News

Khi bước vào cơ quan đại diện ngoại giao của một nước nào đó, người ta có thể mang theo những thông tin nhạy cảm.

Khi bước vào cơ quan đại diện ngoại giao của một nước nào đó, người ta có thể mang theo những thông tin nhạy cảm.

Thế nên khi cựu Giám đốc Sở Công an Trùng Khánh Vương Lập Quân đến lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô hồi tháng 2, thông tin đó trở nên nhạy cảm hơn nhiều.

Vị khách đặc biệt

Ngày 6/2, ông Vương Lập Quân, cựu Giám đốc Công an thành phố Trùng Khánh bất ngờ lái xe vượt hơn 300km đến lãnh sự quán Hoa Kỳ ở Thành Đô. Các nhà ngoại giao Mỹ đã không nhận ra một “cơn bão chính trị” sắp bùng nổ. Đó là dấu hiệu mở màn cho vụ bê bối chính trị lớn nhất Trung Quốc hơn 20 năm qua.

Họ đưa ông Vương đến thư viện của lãnh sự quán chứ không phải là một phòng an toàn để ngăn chặn sự giám sát của nước sở tại. Những người biết việc cho biết, ông Vương đã tỏ vẻ kích động và sợ hãi cho sự an toàn của mình nhưng lại không có một kế hoạch nào định trước.

Ông Vương Lập Quân tại kỳ họp Quốc hội năm 2011 
Trước đó, hôm 2/2, trên trang web của chính quyền Trùng Khánh thông báo ông Vương Lập Quân, 52 tuổi, đã thôi giữ chức Giám đốc Công an thành phố và nhận nhiệm vụ mới là Phó thị trưởng. Không lâu sau đó, ông Vương đã yêu cầu một cuộc họp với lãnh sự quán Anh tại Trùng Khánh nhưng ông đã không xuất hiện.

Ông Vương nói với các nhà ngoại giao Mỹ rằng ông đã rời bỏ ông Bạc Hy Lai, Bí thư Thành ủy Trùng Khánh. Vị quan chức này cũng đưa ra số điện thoại di động của một người bí mật, có thể cung cấp bằng chứng về sự liên lụy của vợ ông Bạc Hy Lai, trong vụ giết doanh nhân người Anh Neil Heywood. Việc tiếp cận với người giữ bằng chứng là không thể bởi khi ấy, xe cảnh sát của Trung Quốc đã vây kín lãnh sự quán Mỹ.

Trong số các bằng chứng khác, ông Vương Lập Quân cho biết, ông có thể cung cấp báo cáo về độc tố chứng minh rằng ông Heywood đã ăn phải xyanua cũng như một số dấu vết các chất khác mà chính quyền địa phương không thể xác định. Ông cũng nói rằng bà Cốc Khai Lai đã thú nhận với ông rằng bà ta đã sát hại ông Heywood.

Tình huống nhạy cảm

Có nhiều giả thiết khác nhau liên quan đến câu hỏi tại sao ông Vương lại tiếp cận các nhà chức trách Mỹ hôm đó. Trước đó, ông Vương đã bị điều tra vì bị cáo buộc lạm dụng quyền lực ở Trùng Khánh và thành phố Thiết Lĩnh ở vùng đông bắc. Tuy nhiên, có vẻ như ông Vương đã bị ông Bạc, “ông chủ” của mình từ chối bảo vệ. Hôm 28/1, để gây áp lực lên ông Bạc, ông Vương đã đưa vụ việc vợ ông Bạc giết người trước mặt ông này. Chỉ 3 ngày sau, ông Vương bị mất chức Giám đốc công an.

Trở lại sự việc bất ngờ trong lãnh sự quán Mỹ hôm 6/2, ông Peter Haymond, Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại Thành Đô đã ra khỏi thành phố nhưng vội vã quay lại. Các nhà ngoại giao Mỹ sau phút kinh ngạc đã thông báo cho Đại sứ quán ở Bắc Kinh, liên lạc với Bộ Ngoại giao ở Washington.
Phiên tòa xét xử ông Vương Lập Quân tại Thành Đô được kiểm soát an ninh nghiêm ngặt 

Đó là một tình huống khó khăn cho các nhà ngoại giao Mỹ. Mặc dù ông Vương là thác nguồn tiềm năng thông tin bí mật, ông ta khó hội đủ điều kiện xin tị nạn do vướng phải một số cáo buộc của chính quyền. Hơn nữa, sự việc nhạy cảm này xảy ra đúng vào đêm trước chuyến viếng thăm Hoa Kỳ của ông Tập Cận Bình, người dự kiến ​​sẽ được bầu làm nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc vào mùa thu này. Vì vậy, các quan chức Mỹ đã quyết định sẽ không liều lĩnh vì có thể tổn hại đến quan hệ ngoại giao giữa 2 nước.

Họ giải thích với ông Vương rằng, không thể làm thủ tục xin tị nạn chính thức tại lãnh sự quán và việc sắp xếp cho ông rời khỏi Trung Quốc sẽ vô cùng khó khăn. Sau khi thảo luận, ông Vương đồng ý rằng lựa chọn tốt nhất lúc này là tự giao nộp cho chính quyền, ít nhất có thể bảo vệ ông trước thế lực của ông Bạc Hy Lai. Sử dụng hơn 3 chiếc điện thoại di động mang theo, ông Vương Lập Quân đã bỏ ra nhiều giờ đàm phán với chính quyền trung ương.

30 tiếng sau khi vào lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Thành Đô, ông Vương Lập Quân  bước ra ngoài, để các quan chức Bộ An ninh đưa về Bắc Kinh và lưu giữ tại một địa điểm không được tiết lộ trong vài tháng qua.

Nhưng kịch tính chưa dừng ở đó. Ngay sau đó, người Mỹ đã đưa số điện thoại di động cho các nhà ngoại giao Anh và hướng dẫn họ lần theo thông tin về đồng phạm bí ẩn của ông Vương Lập Quân. Nhưng vì trục trặc khi thiết lập tài khoản email và nhắn tin đến “người kia”, người Anh đã không bao giờ nhận được các tài liệu mật đó. Ngoại trưởng Anh William Hague sau này cho biết, họ nắm được sự việc hôm 7/2 và đến 15/2, Đại sứ quán Anh đã chính thức yêu cầu chính quyền Trung Quốc điều tra về cái chết của doanh nhân Heywood.

Nhiều điều để ngỏ

Phiên tòa xét xử ông Vương Lập Quân đang diễn ra. Luật sư và nhà chức trách khẳng định chắc chắn bị cáo bị kết tội và bản án sẽ khá nặng, có thể là án tử hình. Bà Cốc Khai Lai, vợ ông Bạc Hy Lai hôm 20/8 cũng đã bị kết án tử hình nhưng hoãn thi hành về tội giết người, đồng nghĩa với tù chung thân.

Tuy nhiên, những gì các công tố viên khẳng định vẫn chưa thể trả lời hết những câu hỏi mà nhiều người muốn biết, chẳng hạn như những bí mật khác trong mối quan hệ giữa ông Vương và ông Bạc, và điều gì đã khiến ông phải cập rập tới lãnh sự quán như vậy.

Điều này cũng có nghĩa là chưa thuyết phục được nhiều người Trung Quốc hoài nghi. Người ta không hiểu nên xem ông Vương như là một “anh hùng” hay là một “tội đồ”.

“Ông Vương Lập Quân đã làm rất nhiều điều xấu, nhưng cũng vô tình cứu Trung Quốc”, Hu Xingdou, một blogger khá nổi tiếng và là nhà kinh tế chính trị tại Viện Công nghệ Bắc Kinh nói. “Tôi không nghĩ rằng các cơ quan có thẩm quyền sẽ giải thích đầy đủ những gì ông ta đã làm. Nhưng như vậy chỉ sẽ làm tăng nỗi nghi ngờ của dân chúng và sự thiếu tin tưởng vào chính quyền”.

Sự kiện một mình “bay” đến lãnh sự quán Mỹ của ông Vương Lập Quân đã mở màn cho loạt bê bối về chính trị ngay trước thềm thay đổi nhân sự lãnh đạo Trung Quốc.

Theo An ninh Thủ đô

Bình luận
vtcnews.vn