• Zalo

TPHCM: Trộm cướp ngang nhiên hoành hành tại chùa

Pháp luậtChủ Nhật, 18/12/2011 10:01:00 +07:00Google News

(VTC News) - Mặc dù Ban tổ chức đã phát loa cảnh báo nhưng tình trạng kẻ gian rạch túi, móc tiền, cướp giật tài sản của phật tử đi chùa vẫn xảy ra nhiều.

(VTC News) - Mặc dù Ban tổ chức đã liên tục phát loa cảnh báo nhưng tình trạng kẻ gian rạch túi, móc tiền, ra tay cướp giật tài sản của phật tử đi chùa trong ngày Lễ vía A-Di-Đà tại chùa Hoằng Pháp (xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, TPHCM) vẫn xảy ra rất nhiều.

Liên quan đến vụ việc, sáng 15/12, trả lời PV VTC News, Thượng tá Lâm Văn Minh – Phó Trưởng CA huyện Hóc Môn cho biết cơ quan này “đã yêu cầu đồng chí Mơ chuyển hồ sơ gấp lên cấp trên để chúng tôi xem xét xử lý”. 

Nhiều nạn nhân lên tiếng

Ngày 11/12 tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần cũng là ngày Lễ vía A-Di-Đà đông đảo người dân, phật tử khắp nơi đi lễ chùa, vãn cảnh, xem hội hoa đăng tại chùa Hoằng Pháp. Đây cũng là dịp kẻ gian tranh thủ ra tay hành nghề “hai ngón” móc túi, cướp giật. Chúng tôi chứng kiến nhiều trường hợp mất tài sản trong tích tắc.

Chạy xe máy cùng người bạn gái từ Đồng Tháp đến chùa Hoằng Pháp lễ phật, chị Nguyễn Kim Ánh (SN 1987, ngụ ấp Tân Hòa A, xã Tân Phú, Thanh Bình) đang tịnh tâm khấn vái trước tượng Quan Âm Bồ Tát thì có người phụ nữ mặc áo cam, khoảng 55 tuổi miệng nói lớn “lạy Quan âm” nhiều lần.

Liên tục người phụ nữ này cố tình đụng vào người chị Ánh. Cảm nhận có ai đó sờ vào túi quần mình nên chị Ánh chụp lấy tay theo phản xạ tự nhiên thì nắm được tay người phụ nữ đó. Nghi ngờ, chị Ánh kiểm tra túi quần của mình phát hiện số tiền gần 3,5 triệu đồng bị mất.

 Lợi dụng lúc đông người chen lấn, xô đẩy kẻ gian nhanh chóng ra tay móc túi. Hình chụp tại chùa Hoằng Pháp, nhiều người đang tranh thủ lấy phần ăn vào buổi ăn trưa ngày 11/12/2011

Bắt được người nhưng do không có tang chứng vật chứng nên chị Ánh yếu thế. Lợi dụng điểm yếu đó. người phụ nữ áo cam hô hoán ngược lại, bảo rằng, tại sao lại nắm giữ chị ta, “vu oan giá họa” bởi chị ta không phải là người xấu.

Nhiều người làm chứng cho rằng, chính người phụ nữ mặc áo cam móc túi lấy tiền của chị Ánh rồi thị nhanh tay chuyền cho người khác tẩu thoát. Chị Ánh và một người bạn gái đi cùng đề nghị người phụ nữ khả nghi về văn phòng chùa làm việc, người phụ nữ gọi điện thoại liên tục cho ai đó.

Hơn 1 giờ sau, xuất hiện 2 người (1 nam, 1 nữ) đến xưng là người nhà của phụ nữ mặc áo cam và năn nỉ mong muốn chị Ánh bỏ qua cho sự việc, họ luôn cho rằng mình là người tốt đang đi lễ chùa thì bị “vạ lây”.

Nhận tin báo, cơ quan công an xã Tân Hiệp đến làm việc, đưa cả 3 người cùng các bị hại về trụ sở công an xã lấy lời khai. Tại đây, người phụ nữ áo cam một mực kêu oan, cho rằng mình bị bắt nhầm. Bởi lần đầu mình đi chùa, không hề biết chuyện gì liên quan.

Thông tin ban đầu cơ quan chức năng xác định địa chỉ thường trú người phụ nữ nghi vấn ở cư xá Thanh Đa, P.27, Q.Bình Thạnh, TPHCM.
 


 Chị Trần Thị Xinh (SN 1956, ngụ Phú Quốc, Kiên Giang) - đội mũ tai bèo trắng, và chị Huỳnh Thị Hằng (SN 1968, ngụ Đồng Nai) - bên phải - khóc nức nở, trình bày vụ việc với PV VTC News


Tương tự như chị Ánh, có rất nhiều trường hợp mất tài sản như chị Huỳnh Thị Hằng (SN 1968, ngụ xã Phước Tân, Long Thành, Đồng Nai) bị kẻ gian móc túi lấy 4 triệu đồng và 1 điện thoại di động.

Chị Hằng nói trong nước mắt, trong lúc chen lấn để lấy thức ăn cho hai đứa cháu, kẻ gian tiếp cận và ra tay nhanh chóng, khi quay ra nơi ghế ngồi để dùng bữa chị sờ vào túi mới phát hiện, số tiền bị mất chị vừa thu nợ giúp cho người thân.

Chị Lê Thị Cúc (SN 1957, ngụ 436 đường Phạm Văn Thuận, P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa, Đồng Nai) bị rạch túi áo lấy đi chiếc điện thoại di động.

Hành động của bọn chúng rất thuần thục, nhanh, táo bạo. “Lúc chúng cho tay vào túi áo từ phía sau, theo quán tính tôi chụp tay vào túi giữ lại. Không từ bỏ ý định, móc túi không được thì chúng dùng cách rạch áo. Bọn chúng dùng dao lam rạch một đường dài vào túi trong phía trước và lấy cắp điện thoại của tôi” – chị Cúc bức xúc nói.

Móc túi không được, kẻ gian dùng chiêu rạch túi chị Lê Thị Cúc(SN 1957, ngụ TP.Biên Hòa, Đồng Nai) lấy đi chiếc điện thoại di động

Nguyễn Thị Ngọc Duyên (SN 1993, ngụ Tiến Hưng, Tiến Lợi, Phan Thiết, Bình Thuận) – sinh viên Trường Đại học Công nghệ Thực phẩm TPHCM, cùng nhóm bạn học đi viếng chùa bị kẻ gian móc túi lấy 1 ví bên trong có CMND, giấy phép lái xe, bằng lái xe, thẻ ATM cùng 500.000 đồng. Chị Trần Thị Xinh (SN 1956, ngụ Phú Quốc, Kiên Giang) bị móc túi mất 800.000 đồng.
 
Đi thi về, tranh thủ ghé viếng chùa, Huỳnh Hiếu Trọng (SN 1989, ngụ ấp Suối Sâu, An Tịnh, Trảng Bàng, Tây Ninh) để ví giấy tờ trong cặp, mang ngược ra phía sau bị kẻ gian mở dây kéo lấy giấy tờ xe, biên bản vi phạm hành chánh của chiếc xe đang lưu hành.

 Chùa liên tục phát loa kêu gọi người dân, phật tử đi lễ chùa cảnh giác nhưng vẫn có nhiều trường hợp bị mất tài sản xảy ra

Và còn rất nhiều người khác bị dính chiêu của bọn “hai ngón”, có người đến báo cơ quan chức năng nhưng có trường hợp chấp nhận rủi ro “của đi thay người”, có người suy nghĩ đến chùa không nên làm kinh động nên đành im lặng bỏ qua.


Thích Tâm Huy – dẫn chương trình chùa Hoằng Pháp, chia sẻ: “Khi biết có những sự việc xảy ra như vậy chúng tôi rất đau lòng. Bản thân người phật tử đến chùa mong được bình an nhưng kẻ gian lợi dụng trục lợi là không thể chấp nhận được. Mong mọi người nên cảnh giác hơn để niềm an lạc khi đến chùa được nhân đôi”.

Đang xem xét xử lý

Trao đổi với PV VTC News, Thích Tâm Từ - Phó Trụ trì chùa Hoằng Pháp, cho biết Lễ vía A-Di-Đà vừa rồi diễn ra thành công tốt đẹp, tuy nhiên trong quá trình chuẩn bị hành lễ, do số lượng người quá đông, khoảng 50.000 ngàn lượt người nên đã xảy ra những việc đáng tiếc.

Ngay ngày lễ này, sư Thích Tâm Từ cũng tận mắt chứng kiến hai vụ giật dây chuyền giữa ban ngày trong khuôn viên chùa. “Tên cướp đô con, khoảng 25 tuổi, sau khi giật xong hắn bỏ chạy nhưng đã bị dân quân, công an xã đuổi bắt. Tên cướp chống cự quyết liệt, tuy nhiên sau đó đã bị khống chế” – sư Thích Tâm Từ nói.

 Nghi can áo cam được đưa về trụ sở CA xã Tân Hiệp điều tra làm rõ

Ngày 14/12/2011, Thiếu úy Phạm Văn Mơ – Trưởng CA xã Tân Hiệp cho biết, những nghi can bị bắt về trụ sở do không có tang chứng, vật chứng nên không xử lý được. Theo đó hồ sơ, nghi can, bị hại không chuyển lên cơ quan công an huyện. Về nghi can người phụ nữ áo cam, Thiếu úy Mơ trả lời, bản thân người này chưa tiền án, tiền sự, nhân thân rõ ràng. Sau khi lập biên bản do không đủ chứng cứ nên công an xã đã cho về.

Khi chúng tôi hỏi về những trường hợp khác thì thiếu úy Mơ từ chối trả lời, chỉ lên CA huyện.

Thượng tá Lâm Văn Minh – Phó trưởng CA H.Hóc Môn, phụ trách mảng hình sự thì cho rằng, cho đến lúc này lãnh đạo CA huyện chưa nghe và biết gì về thông tin vụ việc. Theo quy định, CA xã lập hồ sơ cho dù có bắt được kẻ gian, tội phạm hay không nhưng nếu có bị hại đến khai báo thì buộc phải lập hồ sơ xử lý rồi chuyển lên cấp trên.

Sáng 15/12, trả lời PV VTC News qua điện thoại, Thượng tá Minh cho biết “đã yêu cầu đồng chí Mơ chuyển hồ sơ gấp lên cấp trên để chúng tôi xem xét xử lý”.

Được biết, về tình hình bảo đảm an ninh trật tự trong quá trình hành lễ, ban tổ chức chùa Hoằng Pháp lên kế hoạch như sau: Thứ nhất, lực lượng bảo vệ là các nam, nữ phật tử có nhiệm vụ bảo vệ phạm vi chùa; Thứ hai, chùa thuê lực lượng vệ sỹ chuyên nghiệp 20 người, bảo vệ trong sân, nhanh chóng có mặt  những thời khắc quan trọng, những điểm xung yếu; Thứ ba, bên ngoài cổng chùa, lực lượng công an xã, dân quân tự vệ, tuần tra các cổng ra vào, có người mặc thường phục lẫn sắc phục; Thứ 4, lực lượng CSGT CA huyện cắm chốt, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, phân luồng từ QL 22 – ngã 3 Hồng Châu – vòng qua UBND xã Tân Hiệp.

Theo sư Thích Tâm Đức, hằng năm tại chùa Hoằng Pháp có tổ chức các ngày lễ lớn gồm: Rằm Tháng Giêng; Tháng 4 – Phật Đản; Tháng 7 – Lễ Vu Lan; Tháng cuối năm là Lễ vía A-Di-Đà, đây là ngày lễ được tổ chức lớn nhất trong năm, với số lượng người tham gia rất đông. Vấn đế móc túi cướp giật diễn ra hầu như thường xuyên nhưng chưa có biện pháp hạn chế.


Bài, ảnh:
Phan Cường

Bình luận
vtcnews.vn