Theo tờ Nhân dân Nhật báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc và Tân Hoa xã, các khác biệt bao gồm vấn đề loại bỏ toàn bộ thuế bổ sung, những khác biệt xung quanh sức mua và một văn bản "cân bằng" cho bất cứ thỏa thuận thương mại nào.
Một tuần trước khi phái đoàn Trung Quốc do Phó Thủ tướng Lưu Hạc dẫn đầu tới Mỹ đàm phán, Myron Brilliant, Phó Chủ tịch điều hành phụ trách vấn đề quốc tế tại Phòng Thương mại Mỹ nói rằng thỏa thuận thương mại giữa 2 quốc gia đã đạt tới 90%. 10% còn lại là những bất đồng vẫn chưa tìm được tiếng nói chung đòi hỏi sự đánh đổi giữa các bên.
Trung Quốc luôn muốn chính quyền Mỹ gỡ bỏ hàng rào thuế quan đã áp bổ sung lên 250 tỷ USD hàng hóa nước này trong khi Mỹ vẫn muốn giữ nó như một công cụ buộc Bắc Kinh phải tuân thủ theo thỏa thuận.
Nhưng khi chưa thể thuyết phục Mỹ gỡ bỏ mức thuế quan bổ sung, Trung Quốc tiếp tục bị tạt gáo nước lạnh khi Mỹ tuyên bố tăng thuế áp lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ 10% lên 25%. Quyết định bắt đầu có hiệu lực ngay trước khi ông Lưu Hạc bước vào ngày đàm phán thứ 2 với phái đoàn Mỹ.
Cuộc đàm phán kết thúc gần như không đạt được bất cứ tiến triển nào. Không đi tới một thỏa thuận như kỳ vọng và mức thuế áp lên 200 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc vẫn giữ nguyên. Tổng thống Trump trong tuyên bố sau đó cho biết việc dỡ bỏ hay không dỡ bỏ mức thuế quan mới với hàng hóa Trung Quốc sẽ phụ thuộc vào các cuộc đàm phán tương lai.
Tờ Nhân dân Nhật báo khẳng định Trung Quốc sẽ không nhượng bộ trước áp lực tối đa của Mỹ và không thỏa hiệp trong những vấn đề nguyên tắc.
"Trung Quốc đã nêu rõ lời kêu gọi loại bỏ tất cả các biện pháp thuế bổ sung để khôi phục thương mại song phương”, tờ này cho hay.
Trong khi đó tờ Tân Hoa Xã cho biết việc xóa bỏ mức thuế bổ sung là nhu cầu chung của các doanh nghiệp và ngành nông nghiệp của Mỹ.
Sau khi Mỹ - Trung kết thúc vòng đàm phán mới nhất, hầu hết các chuyên gia đều tỏ ra thất vọng trước kết quả mà 2 bên đạt được. Nhiều người đổ lỗi cho Mỹ khi đưa ra quyết định áp thuế khiến các diễn biến trước đó gần như quay ngoắt theo hướng tiêu cực.
Tuy nhiên, các nguồn tin nói rằng Washington đưa ra quyết định này xuất phát một phần từ việc Trung Quốc 1 tuần trước khi đàm phán gửi tới Washington một bản sửa đổi dự thỏa thuận thương mại gần 150 trang, trong đó thay đổi hầu hết các điều khoản mà 2 bên đã phải rất khó khăn mới thống nhất đạt được thông qua các vòng đàm phán trước.
Cụ thể theo Reuters, tại mỗi chương trong 7 chương của bản dự thảo, Trung Quốc đều xóa đi các cam kết thay đổi quy định để giải quyết những bất đồng cốt lõi, vốn là nguyên nhân khiến Mỹ phát động cuộc chiến thương mại, bao gồm các vấn đề liên quan quyền sở hữu trí tuệ và bí mật thương mại của Mỹ; ép buộc chuyển giao công nghệ và các chính sách cạnh tranh thương mại.
Sự thay đổi vào phút chót này của Mỹ đã khiến đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin bị “sốc”, kéo theo sau đó là cảnh báo nâng thuế mà Tổng thống Trump đưa ra, theo Reuters.
Vì vậy, khi truyền thông Trung Quốc nói tới văn bản "cân bằng" cho bất cứ thỏa thuận thương mại nào là nguyên nhân dẫn tới bế tắc trong đàm phán, các chuyên gia cho rằng Bắc Kinh có thể vẫn sẽ kiên định với phiên bản dự thảo mới khi gặp lại Mỹ trong các vòng đàm phán sắp tới. Còn với Mỹ, Washington chắc chắn cũng sẽ không chấp nhận điều này bởi đây là những vấn đề mà Mỹ đặc biệt quan tâm nhằm bảo vệ các doanh nghiệp làm ăn tại Trung Quốc, đồng thời ngăn Bắc Kinh can thiệp vào thương mại song phương.
Tổng thống Trump trong tuyên bố đưa ra sau vòng đàm phán tại Washingtin cũng đề cập tới việc Trung Quốc thay đổi các cam kết, đồng thời nhấn mạnh ông hy vọng Bắc Kinh sẽ đảo ngược thỏa thuận một lần nữa.
Bình luận