Du lịch ở đảo tiền tiêu Lý Sơn, nhiều du khách choáng ngợp khi mục sở thị hai bộ xương cá voi khổng lồ đặt ở Nhà trưng bày bộ xương cá Ông lăng Tân, thôn Đông An Vĩnh.
Phục dựng hai bộ xương cá voi khủng
Để có được các bộ xương hoàn chỉnh như ngày hôm nay, qua đó giúp du khách có cơ hội chiêm ngưỡng, nạp thêm những kiến thức, hiểu biết về loài cá voi (cá Ông), đó là cả một hành trình phục dựng dày công của các chuyên gia.
Du lịch ở đảo tiền tiêu Lý Sơn, nhiều du khách choáng ngợp khi mục sở thị hai bộ xương cá voi khổng lồ.
Ngược dòng thời gian về đầu thế kỷ 19, trong khung cảnh yên bình, giữa mênh mông sóng vỗ trên hòn đảo xinh đẹp Lý Sơn, hai chú cá voi to lớn bỗng nhiên lụy vào bờ. Phát hiện điều lạ trên bờ biển, người dân xúm xít lại xem và biết được đó là cá voi.
Theo thông tin từ Trung tâm Truyền thông Văn hóa Thể thao Lý Sơn, sau khi chứng kiến cảnh tượng này, người dân địa phương đã tiến hành các nghi lễ để tổ chức an táng cho hai chú cá voi.
Bao mùa sóng vỗ xô bờ cát, thời gian đằng đẵng hàng chục năm trôi qua, thân cá chỉ còn lại mỗi phần xương. Sau đó, dân làng đã cùng nhau tổ chức lễ thượng ngọc cốt, nghinh ngọc cốt của cá voi vào lăng Tân để thờ phụng, chung tay gìn giữ suốt hàng trăm năm qua.
Từ lâu, tục chôn cất cá voi đã trở thành một tín ngưỡng dân gian của ngư dân vùng biển nước ta. Mỗi khi phát hiện cá voi lụy bờ, ngư dân đều đưa vào bờ, rồi thực hiện lễ chôn cất theo phong tục thờ cá Ông. Bởi theo quan niệm dân gian, cá voi thường xuyên giúp đỡ cũng như cứu giúp ngư dân nếu chẳng may gặp nạn trên biển.
Hai bộ xương cá voi ở lăng Tân được chuyên gia phục dựng hoàn chỉnh với hình dáng chú cá voi trong tư thế đang bơi uốn lượn, đẩy mình về phía trước.
Trong những năm gần đây, trước sự phát triển của mạng xã hội, người dân nước ta thỉnh thoảng thấy thông tin cá voi ngừng thở và trôi dạt vào bờ biển. Hình ảnh cá voi khổng lồ tấp vào bờ biển được người dân chăm sóc, chôn cất cẩn thận đã chứa đựng biết bao tình cảm mà ngư dân dành cho loài cá thân thiện với con người.
Trở lại với câu chuyện hai bộ xương cá voi lớn nhất Việt Nam, 2 năm trước được xem là cột mốc thời gian thay đổi “số phận” của hai bộ xương khổng lồ này.
Nhằm lưu giữ lâu dài các bộ xương cũng như góp phần phục vụ nhu cầu tham quan của du khách, UBND huyện Lý Sơn quyết định “rót”14 tỷ đồng để phục dựng hai bộ xương cá voi cũng như xây dựng nhà trưng bày.
Người dân địa phương cho hay, lúc ấy, hai bộ xương cá voi bị hư hại chiếm khoảng 40% do bộ xương đã tồn tại hàng trăm năm. Trước bài toán này, các chuyên gia đã dùng nhựa lắp ghép, tôn tạo các đoạn xương đã bị mục rữa và ở phần đầu xương cá voi. Hai bộ xương cá voi ở lăng Tân được chuyên gia phục dựng hoàn chỉnh với hình dáng chú cá voi trong tư thế đang bơi uốn lượn, đẩy mình về phía trước.
Theo các chuyên gia, sau khi phục dựng, bộ xương dài 30m giảm còn 22m, bộ xương dài 25m còn 18m, do bị hư hỏng nặng nề. Với chiều cao gần 4m, mỗi bộ xương có 50 đốt sống, đường kính đốt sống hơn 0,4m, 28 xương sườn, mỗi xương sườn dài gần 10m, xương đầu dài 4m và xương ngà dài 4,7m.
Sau thời gian phục dựng, người dân địa phương có dịp chiêm ngưỡng cận cảnh hai bộ xương cá voi. Với kích thước khổng lồ của các bộ xương, người dân Lý Sơn hết sức bất ngờ vì nằm ngoài sức tưởng tượng của họ. Yêu quý các bộ xương này, họ phong “Đồng Đình Đại Vương” cho bộ xương cá voi dài 22m, phong “Đức Ngư nhị vị tôn thần” cho bộ xương cá voi dài 18m.
Nói về việc phục dựng cá voi, ông Lê Văn Ninh, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, chia sẻ: “Việc khôi phục bộ xương cá voi có ý nghĩa quan trọng đối với ngư dân vùng biển, đặc biệt là ngư dân huyện đảo Lý Sơn. Hai bộ xương cá voi này được xác định lớn nhất Việt Nam.
Ngoài là điểm du lịch mới ở Lý Sơn, nhà trưng bày bộ xương cá voi còn là nơi gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa tâm linh để phục vụ việc nghiên cứu và phát triển du lịch trên huyện đảo”.
Để trông coi, gìn giữ lăng Tân, dân làng Đông An Vĩnh đã cắt cử gia đình nối tiếp nhau qua các thế hệ thực hiện phần việc tâm linh này.
Mặt trời vừa ló dạng, chúng tôi bắt gặp người đàn ông trạc 60 tuổi đang cần mẫn quét dọn, vệ sinh lăng Tân. Thường xuyên làm công việc xuất phát từ tâm, ông Phạm Trai tâm sự, kế thừa truyền thống của gia đình, bao năm qua, ông tình nguyện trông coi, gìn giữ lăng Tân.
Theo người đàn ông này, trước khi chuẩn bị ra khơi, ngư dân trên đảo thường đến lăng Tân làm lễ cầu nguyện, mong trời yên biển lặng, cá tôm đầy khoang…
Hai bộ xương cá voi hút khách tham quan
Là một hòn đảo xinh đẹp nằm ở phía Đông của tỉnh Quảng Ngãi, đảo Lý Sơn được nhiều du khách biết đến với vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ cùng những di sản văn hóa, lịch sử phong phú. Những năm gần đây, huyện đảo tiền tiêu này trở thành điểm đến thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Ngư dân địa phương cho biết, hai bộ xương cá voi này có niên đại khoảng 250 - 300 năm tuổi.
“Đạp sóng vượt gió” ra tham quan “viên ngọc quý của biển Đông” này, du khách được chiêm ngưỡng những cảnh quan tuyệt đẹp như đỉnh Thới Lới, Hang Câu, cổng Tò Vò hay dừng chân bên những bãi biển trong xanh, bờ cát trắng mịn... cũng như hòa mình vào không gian trong lành, thưởng thức ẩm thực thơm ngon.
Cách đất liền khoảng 15 hải lý, hòn đảo rộng khoảng 10km² này còn để lại nhiều ấn tượng với du khách khi có hai bộ xương cá voi lớn nhất Việt Nam được trưng bày ở lăng Tân - một di tích lịch sử văn hóa quý báu trên đảo Lý Sơn.
Là di tích kiến trúc nghệ thuật tín ngưỡng thờ cá voi, 9 năm trước, lăng Tân đã được chính quyền tỉnh Quảng Ngãi ra quyết định xếp hạng di tích cấp tỉnh. Từ ngày hai bộ xương cá voi được phục dựng, nhiều du khách đã tìm đến tham quan, tìm hiểu và chiêm ngưỡng. Những ngày cuối tuần hay dịp lễ, hàng trăm người tìm đến lăng Tân, tạo nên không khí nhộn nhịp.
Trong khu lăng được xây dựng theo hình chữ “Tam”, bên trong hậu cung có xương cốt cá voi và bệ thờ.
Bước chân vào ngôi nhà trưng bày được xây dựng để bảo tồn và trưng bày bộ xương cá voi, đập vào mắt du khách là hình ảnh các bộ xương khổng lồ của loài vật được ngư dân miền biển tôn kính, coi như vị thần biển cả, bảo trợ cho họ trong mỗi chuyến đạp sóng vươn khơi.
Hai bộ xương dài hàng chục mét, cao gấp đôi người trưởng thành hiện ra sống động trong mắt du khách. Hai bộ xương được phục dựng đã phần nào giúp du khách hình dung dáng hình của loài cá khổng lồ của đại dương. Bộ xương cá voi được sắp đặt một cách nghiêm trang, thể hiện tấm lòng tôn kính của ngư dân đối với cá Ông. Các du khách đã dành thời gian đi xung quanh để quan sát kỹ càng để có thể chiêm ngưỡng trọn vẹn vẻ đẹp của loài cá voi này.
Cư dân trên đảo Lý Sơn phong “Đồng Đình Đại Vương” cho bộ xương cá voi dài 22m, phong “Đức Ngư nhị vị tôn thần” cho bộ xương cá voi dài 18m.
Đến Lý Sơn, tham quan hai bộ xương cá voi lớn nhất Việt Nam là sản phẩm du lịch rất mới lạ. Đang có chuyến du lịch Lý Sơn cùng gia đình, du khách Nguyễn Hợi (đến từ TP.HCM) chăm chú nhìn hai bộ xương cá voi được phục dựng ở nhà trưng bày.
“Sau khi xem kỹ lưỡng hai bộ xương cá voi này, thật sự ngoài sức tưởng tượng của mình dù đã xem qua sách báo cũng như mạng xã hội. Đây là lần đầu tiên trong đời mình được tận mắt chiêm ngưỡng bộ xương cá voi lớn như thế”, anh Hợi cảm nhận.
Ngoài việc được chiêm ngưỡng bộ xương cá voi khổng lồ, du khách còn dành thời gian tìm hiểu thêm về văn hóa tín ngưỡng thờ cúng cá voi của ngư dân trên đảo. Du khách được nghe người dân kể về những câu chuyện cá voi cứu người, về việc ngư dân miền biển tôn thờ cá voi... để hiểu thêm về đời sống văn hóa, tinh thần phong phú của cộng đồng ngư dân.
Ngư dân địa phương cho biết, hai bộ xương cá voi này có niên đại khoảng 250 - 300 năm tuổi. Đây là cá voi lưng xám mà theo ngư dân chính là thần Nam Hải. Dù cá voi được thờ cúng nhiều nơi nhưng chưa nơi nào như Lý Sơn lại có nhiều “Ông lớn”. Lý Sơn hiện có 7 lăng thờ cá Ông, mỗi nơi có hàng chục bộ xương có niên đại từ vài chục năm đến khoảng 300 năm tuổi.
Phát huy sản phẩm mới lạ này, hiện nay, Lý Sơn đang thực hiện nhiều giải pháp để tập trung khai thác sản phẩm du lịch từ bộ xương cá voi để làm phong phú thêm các sản phẩm du lịch của địa phương. Nhờ những nỗ lực của địa phương, du khách thập phương đã được hưởng lợi khi có thêm địa điểm du lịch hấp dẫn và độc đáo.
Thường xuyên dẫn khách đến lăng Tân, anh Lê Văn Thiệt, hướng dẫn viên du lịch điểm Lý Sơn, bày tỏ, mặc dù được thiên nhiên ưu ái ban tặng nhiều danh thắng tuyệt đẹp, nhưng Lý Sơn vẫn chưa đủ sức hút để níu chân du khách. Khi nhà trưng bày bộ xương cá voi trở thành điểm đến mới, nhiều du khách cảm thấy rất thích thú. Ai nấy kỳ vọng sản phẩm du lịch mới mẻ này sẽ góp phần gia tăng sự hấp dẫn cho du lịch đảo Lý Sơn.
Nói thêm về du lịch Lý Sơn, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ngãi, chia sẻ: “Ngoài khai thác sản phẩm du lịch truyền thống như tìm hiểu văn hóa, lịch sử, địa chất, du khách đến với đảo Lý Sơn còn được tham quan điểm đến mới, điển hình là Nhà trưng bày bộ xương cá Ông tại Lăng Tân...”.
Nổi lên trong số các điểm đến du lịch ở Lý Sơn, Nhà trưng bày bộ xương cá Ông tại Lăng Tân dần trở thành điểm đến quen thuộc của du khách. Thông qua những bộ xương cá Ông, Lý Sơn đã lan tỏa phong tục thờ cá Ông tốt đẹp của cộng đồng cư dân vùng biển đảo đến với du khách thập phương.
Bình luận