• Zalo

Lính cứu hoả kể phút sinh tử trong biển lửa

Thời sựThứ Ba, 06/11/2012 07:00:00 +07:00Google News

(VTC News) – Bất chấp nỗi sợ hãi, sự bất trắc, nguy hiểm của ‘giặc lửa’, người lính cứu hỏa anh dũng cầm lăng xông lên dập lửa.

(VTC News) – Bất chấp nỗi sợ hãi, sự bất trắc, nguy hiểm của ‘giặc lửa’, người lính cứu hỏa anh dũng cầm lăng xông lên dập lửa.

Trong biển lửa, nóng rát và khói mù mịt, mọi thứ có thể đổ sập bất cứ lúc nào, khi mọi người hoảng loạn, tìm mọi cách để thoát thân một cách nhanh nhất thì họ xông vào, dùng phương tiện, lực lượng để dập lửa cứu người, cứu tài sản một cách nhanh nhất.

Xông vào lửa cũng như lúc xông pha vào chiến trường, người lính cứu hỏa bất chấp nỗi sợ hãi, sự bất trắc, nguy hiểm của ‘giặc lửa’, sẵn sàng đổ mồ hôi, nước mắt, xương máu để hoàn thành nhiệm vụ.

Trong khoảnh khắc anh dũng, vẻ vang đó của người lính cứu hỏa, có hình ảnh người lính trẻ Nguyễn Quang Thuấn (SN 1990, trú tại Tiên Tảo, Việt Long, Sóc Sơn, Hà Nội) – Thượng sĩ thuộc Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) Bắc Thăng Long, Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội.

Thượng sĩ Nguyễn Quang Thuấn. Ảnh: Nguyễn Dũng.

Đôi mắt sáng, nụ cười hiền từ, dáng người cao trong bộ cảnh phục, ở anh toát lên nét vẻ đẹp giản dị và rắn giỏi, bản lĩnh của người cảnh sát.

Mới 22 tuổi, vào ngành chưa lâu nhưng câu chuyện nghề của anh, những chiến công xuất sắc và cả những hy sinh mất mát của anh trong cuộc chiến đấu với “giặc lửa” khiến đồng đội anh ai cũng phải khâm phục, tự hào.

Chiến đấu quên mình trong biển lửa

Năm 2008, Nguyễn Quang Thuấn tốt nghiệp cấp 3 nhưng không may trượt đại học, gia đình động viên anh đi nghĩa vụ trong ngành Cảnh sát PCCC. Thời gian đầu, Thuấn đóng quân ở Xuân Mai (huyện Chương Mỹ, Hà Nội), một năm sau thì chuyển về tiếp tục học tập và công tác ở Phòng Cảnh sát PCCC Bắc Thăng Long.

Vào ngành 1 năm, Thuấn mở đầu cuộc đời binh nghiệp của mình với đám cháy tại quán Sân khấu Ca nhạc "Điểm hẹn đêm Tây Hồ" số 614 Lạc Long Quân (Phường Nhật Tân, Tây Hồ, Hà Nội), ngay trước cổng Công viên nước Hồ Tây vào dịp giáp Tết Nguyên đán 2010.

Một thời gian dài luyện tập, người lính trẻ mong mỏi một ngày đủ sức lực và kiến thức để cầm lăng xông vào chiến đấu với lửa. Lần đầu tiên, Thuấn cảm thấy lòng háo hức.

'Gi ặc lửa' có diễn biến bất thường và vô cũng nguy hiểm, đòi hỏi người lính cứu hỏa phải bản lĩnh, dũng cảm, có tri thức và kinh nghiệm chữa cháy.
Ảnh minh họa.

Thuấn kể, khi đến nơi, hình ảnh sân khấu ca nhạc rộng gần 600m2 đã bị thiêu rụi hoàn toàn, chỉ còn lại một đống đổ nát khiến cảm giác háo hức tan biến, tự sâu thẳm trong trái tim, anh đặt quyết tâm cứu người, cứu tài sản lên hàng đầu.

Cầm lăng trong tay, người lính trẻ xông vào đám lửa đang bùng cháy, bất chấp khói bụi, nóng rát…anh cùng đồng đội dập lửa.

“Sau khi khống chế được ngọn lửa hung tàn, anh em thu dọn đồ đạc ra về. Cán bộ đến kiểm tra hiện trường thì phát hiện một xác người đã cháy thành tro. Lúc này, tôi giật thót mình khi biết vị trí có nạn nhân chết cháy là nơi mình từng đứng chữa cháy trước đó. Từ sau hôm đó, mỗi khi nghĩ lại, tôi bị ám ảnh” – Thuấn tâm sự.

Ấy là lúc ngồi suy nghĩ, nhưng mỗi khi xông vào đám lửa, Thượng sỹ cứu hỏa nói mọi sợ hãi biến mất, nhường chỗ cho sự quyết tâm và nỗ lực cứu hộ, cứu nạn.

“Khi đến hiện trường, nhiệm vụ hàng đầu của người lính chữa cháy là phải bảo vệ an toàn cho tính mạng và tài sản của nhân dân. Vì vậy, không ai còn cảm thấy sợ hãi “giặc lửa” – Thuấn chia sẻ.

Không sợ hãi khi chiến đấu, chính vì vậy, nơi nào lửa vẫn còn cháy, nơi nào vẫn còn người bị nạn, Thuấn cùng đồng đội không quản ngại khó khăn cứu người, cứu nạn. Và rồi, trong phút chiến đấu, một tai nạn đã ập tới…
Trong cuộc chiến với khói lửa, người lính PCCC thực sự là những người anh hùng. Ảnh: Minh Chiến.

Việc xảy ra vào rạng sáng 27/1/2011, khi đám cháy xảy ra tại ở chùa Linh Sơn Tự (chùa Tảo Sách, địa chỉ 386 Lạc Long Quân, phường Nhật Tân, Tây Hồ), đây là một ngôi chùa bằng gỗ và rất nhiều sách quý.

Nhanh chóng chuẩn bị, Thượng sĩ Thuấn cùng đồng đội lên 2 xe cứu hỏa đến hiện trường đầu tiên.

Trời hanh, gió mạnh, ngôi chùa bốc cháy ngùn ngụt và lan nhanh ra các vùng lân cận mặc cho nước được xả vào liên tục. Thêm hai xe cứu hỏa được điều đến, 1 xe téc nước và 2 máy bơm cũng được huy động để dập lửa.

Tờ mờ sáng, ngọn lửa được khống chế, một lực lượng rút về, Thuấn cùng một mũi cứu hỏa ở lại làm công tác chống cháy lan bằng cách vào dập than và gạt tàn tro.

 

Khi đến hiện trường, nhiệm vụ hàng đầu của người lính chữa cháy là phải bảo vệ an toàn cho tính mạng và tài sản của nhân dân. Vì vậy, không ai còn cảm thấy sợ hãi trước 'giặc' lửa...
Thượng sĩ Nguyến Quang Thuấn
 
Yên tâm vì lửa được dập tắt, anh cùng đồng đội nhận lệnh rút về đơn vị. Vừa quay sang, một tiếng đổ “rầm” chát chúa bất ngờ vang lên. Trong giây lát, 3 người lính cứu hỏa nằm dưới một trụ bê tông khổng lồ và bất tỉnh.

Anh Thuấn được đồng đội đưa đi cấp cứu trong tình trạng vỡ xương chậu, đứt ruột và vỡ bàng quang… Gia đình, bạn bè, đồng đội, lãnh đạo đơn vị đã nghĩ rằng anh không thể qua khỏi vì phải mổ cùng lúc, việc sống sót mỏng manh trong gang tấc.

Nhưng may thay, ở người lính trẻ ấy tồn tại một sức sống thần kỳ, mấy ngày sau anh tỉnh lại trong niềm vui khôn xiết của gia đình, đồng đội.

“Lúc tôi tỉnh dậy đã thấy mình nằm trên giường bệnh, dây ống nối đầy trên người. Tôi không nhớ mà chỉ nghe mọi người rằng mình bị trụ bê tông đè lên người” Thuấn cho biết.

“Sau vụ tai nạn đó, ông bà, bố mẹ đều lo lắng cho mình. Rất may, ông ngoại từng công tác trong nghề nhiều năm cũng chia sẻ để mọi người an tâm, tin tưởng vào mình hơn. Ngày nào người yêu mình cũng vào chăm sóc nên nỗi đau vượt qua rất nhanh” – người chiến sĩ trẻ tự hào.

Chia tay người yêu vì lửa

Sau một thời gian điều trị, khi sức khỏe của anh đã dần ổn định, Thuấn trở về đơn vị tiếp tục làm nhiệm vụ. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ, Thuấn vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng, được cử đi học ở trường PCCC. Anh cũng được Nhà nước xét chế độ thương binh với sự mất mát của anh trong chiến đấu.

Về đơn vị, anh được phân công làm nhiệm vụ trực thông tin, nhiệm vụ rất quan trọng trong chữa cháy và phù hợp với sức khỏe của Thuấn bởi lúc trái gió trở trời, anh vẫn bị đau.

Sau tai nạn, vì lý do học tập, sức khỏe, thực hiện nhiệm vụ và không muốn để người yêu mình phải vất vả, chờ đợi, Thuấn buộc phải chia tay người con gái anh yêu sau nhiều năm hứa hẹn.

Sau cuộc chiến sinh tử với giặc lửa, người cảnh sát trẻ trở về với nhiệm vụ thông tin PCCC hàng ngày. Ảnh: Nguyễn Dũng.

Một trong những suy nghĩ của Thượng sĩ Thuấn khi đi chữa cháy là đặt mình vào vị trí của những người bị hại.

Sau mỗi vụ chữa cháy, Thuấn cũng như đồng đội tr về mệt nhoài vì kiệt sức, nhưng đều trăn trtrước những thiệt hại của người dân. Đặc biệt, khi không tiếp cận để cứu người bị mắc kẹt trong lửa, hoặc tài sản bị thiệt hại quá lớn, Thuấn luôn “cảm thấy dằn vặt và có lỗi”.

“Vui nhất là không có cháy xảy ra. Còn nếu đã xảy ra cháy thì hạn chế được tối đa thiệt hại về người và tài sản” – Thượng sĩ Thuấn bày tỏ.

Theo Thượng tá Nguyễn Hải Triều – Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC Bắc Thăng Long, Thượng sĩ Nguyễn Quang Thuấn là một chiến sỹ luôn hoàn thành nhiệm vụ, trong mọi hoàn cảnh đồng chí luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đoàn viên, người chiến sĩ công an nhân dân.

Thượng sĩ Thuấn đã được hưởng chế độ thương binh. Phòng Cảnh sát PCCC Bắc Thăng Long cũng đã sắp xếp cho Thuấn vào vị trí thích hợp là Tiểu đội trưởng phụ trách công tác thông tin, vừa phù hợp với sức khoẻ của đồng chí, đồng thời đảm đương nhiệm vụ quan trọng nhất trong việc nhận tin chính xác, báo động kịp thời và cung cấp những dữ liệu để công tác PCCC hiệu quả.

Đón đọc kỳ tới: Cuộc đua tốc độ với 'lửa' của lái xe cứu hỏa

Nguyễn Dũng

Bình luận
vtcnews.vn