• Zalo

Tai nạn giao thông, Bộ trưởng cùng chịu trách nhiệm

Thời sựThứ Ba, 07/02/2012 09:08:00 +07:00Google News

(VTC News) - “Bộ trưởng không đùn đẩy trách nhiệm cho các địa phương tự chịu, mà Bộ trưởng cùng chịu với các địa phương có đường đi qua".

(VTC News) - “Bộ trưởng không đùn đẩy trách nhiệm cho các địa phương tự chịu, mà Bộ trưởng cùng chịu với các địa phương có đường đi qua, các địa phương cũng cần cùng chia sẻ với Bộ. Tất cả vì mục tiêu là giảm tai nạn, giảm số người chết và bị thương”, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Mạnh Hùng trả lời báo chí chiều 6/2.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng từng đề xuất “cách chức Chủ tịch tỉnh nếu để tai nạn giao thông tăng trong 3 năm liên tiếp”. Ngay khi đề xuất trên của Bộ trưởng được đưa ra, một số lãnh đạo tỉnh cho rằng tai nạn thường xảy ra trên Quốc lộ, mà Quốc lộ do Bộ quản lý, nên không thể nói là trách nhiệm của tỉnh, mà còn cả trách nhiệm của các cơ quan liên quan.

Thứ trưởng Hùng giải thích, không phải là Bộ không chịu trách nhiệm, mà Bộ trưởng và Trưởng các Ban an toàn giao thông các địa phương (chủ tịch, hoặc phó chủ tịch tỉnh - PV) cùng chịu trách nhiệm nếu để tai nạn giao thông tăng 3 năm liền.

“Xuất phát từ việc này, nên trong chuyến công tác miền núi vừa qua của Bộ trưởng, một số chủ tịch tỉnh nơi đoàn đi qua cũng đã chia sẻ với Bộ trưởng về vấn đề này”, Thứ trưởng Hùng nói thêm.

Tai nạn giao thông xảy ra nhiều, trách nhiệm không chỉ thuộc các tỉnh, mà Bộ trưởng cũng cótrách nhiệm. Ảnh: Một vụ tai nạn giữa xe tải và xe máy làm 1 người chết tại nút giao Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cuối tháng 2/2011.
Thứ trưởng Hùng dẫn chứng, trong năm 2011, có những tháng bình quân hơn 1.000 người chết, chưa kể bị thương vì tai nạn giao thông. Trước vấn nạn đó, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã coi đây là “thảm họa” và mong Quốc hội ra Nghị quyết về vấn đề này.

“Bộ trưởng Thăng đề xuất những ý kiến như vậy không phải là để đùn đẩy trách nhiệm cho các địa phương, mà là cùng chịu trách nhiệm với các địa phương. Mong muốn sự đồng thuận các địa phương có đường đi qua cùng chia sẻ với Bộ Giao thông, với mục tiêu là cùng giảm tai nạn, giảm số người chết và bị thương vì tai nạn giao thông”, Thứ trưởng Hùng khẳng định.

Chính phủ yêu cầu sửa Nghị định nâng cao mức xử phạt vi phạm giao thông đường bộ.

Trên cơ sở đề nghị của Bộ Công an, ngày 3/2, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đại ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về việc xây dựng ngay Nghị định nâng mức phạt đối với một số hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Theo đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Công an phối hợp với Bộ Giao thông vận tải để sớm trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 34/2010/NĐ-CP ngày 2/4/2010 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, theo tinh thần Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 24/8/2011 của Chính phủ.

Bộ Giao thông vận tải trình Nghị định sửa đổi trên ngay cuối quý I/2012, để xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ.

Trước đó, trong kế hoạch thực hiện Năm an toàn giao thông Quốc gia 2012, Bộ Công an đề xuất một số biện pháp mạnh để đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ, như nâng mức xử phạt đối với một số hành vi nguy hiểm như không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn trong hơi thở, vi phạm các quy định về tốc độ, tránh vượt không đúng quy định, chở quá số người cho phép, chở quá số người không đúng quy định...

Lê Việt

Bình luận
vtcnews.vn