Miền Tây trước lũ dữ: Quân đội vào cuộc

Thời sựThứ Sáu, 30/09/2011 11:15:00 +07:00

(VTC News) - Nhiều tuyến đê ở thượng nguồn vùng lũ miền Tây tiếp tục vỡ. Hiện hàng trăm ngàn người đang sát cánh bảo vệ những cánh đồng bị lũ uy hiếp.

(VTC News) - Nhiều tuyến đê ở thượng nguồn vùng lũ miền Tây tiếp tục vỡ gây thiệt hại lúa và hoa màu. Trong khi đó, hàng ngàn căn nhà bị ngập, một dân quân tham gia chống lũ bị rắn độc cắn chết.


Trước mùa lũ dữ, Quân khu 9 đã đưa trên 1.000 quân xuống địa bàn xung yếu để tham gia cứu đê. Hai tỉnh Đồng Tháp và An Giang cũng huy động hàng chục ngàn người gồm người dân tại chỗ cùng với bộ đội, dân quân tự vệ, giáo viên và cả lãnh đạo huyện, xã cùng sát cánh bên những cánh đồng bị lũ uy hiếp.
Gia cố đê bao ở xã Mỹ Thạnh Tây, huyện Châu Phú, An Giang.
Ảnh: Diễm Hằng
Tuy nhiên, hai ngày qua trên địa bàn huyện Châu Phú (An Giang) lại xảy ra vỡ đê tại 3 điểm mới thuộc các xã Thạnh Mỹ Tây, Bình Mỹ, Bình Long, nâng tổng diện tích lúa bị nhấn chìm lên 2.900 ha. Huyện Châu Phú của An Giang hiện có 25.500 ha lúa vụ ba đang trong vòng nguy hiểm, trong đó lũ đe dọa nghiêm trọng nhất 5.300 ha lúa ở xã Ô Long Vĩ.


Hiện lượng cừ tràm, cát để gia cố đê thiếu nghiêm trọng, do lũ lớn, sà lan không vào được các tuyến kênh vì kẹt cầu. Đến nay, vỡ đê đã làm chìm hơn 5.000 ha lúa của tỉnh An Giang. Ngoài ra, tỉnh này còn có hơn 1.070 căn nhà bị ngập, nhiều nhất tại huyện An Phú với 679 căn.

Nông dân An Giang đốn cây để đóng cọc đắp đê ngăn lũ.
Ảnh: Diễm Hằng
Hiện An Giang có gần 1.600 hộ dân cần hỗ trợ lương thực, 3.590 hộ dân cần hỗ trợ phương tiện câu lưới, xuồng để sinh kế làm ăn trong mùa lũ.

Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh An Giang vừa họp khẩn bàn phương án quyết liệt bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của người dân, trong đó lưu ý là giữ vững diện tích lúa với hoa màu vụ thu đông.

Theo lãnh đạo tỉnh An Giang, xác định khu vực nguy hiểm nhất có diện tích lúa lớn cần tập trung tổng lực bảo vệ là huyện Châu Phú và Châu Thành với nhiều tuyến đê bị lũ đe dọa, hiện sẽ tạm đóng hai đập kiểm soát lũ Tha La và Trà Sư để đảm bảo an toàn cho hơn 100.000 ha lúa ở vùng Tứ Giác Long Xuyên cũng như các địa phương lân cận là Kiên Giang và TP Cần Thơ.

Lũ cuốn mất đê, gây ngập nhà dân ở xã Ô Long Vĩ,
huyện Châu Phú, An Giang./.Ảnh: Diễm Hằng
Hiện UBND tỉnh An Giang đã tạm ứng khẩn cấp 14 tỷ đồng cho 7 địa phương bị lũ đe dọa, thiệt hại nhiều nhất là Châu Phú, Châu Thành, Thoại Sơn An Phú, Tịnh Biên, Tri Tôn và thị xã Châu Đốc để bảo vệ sản xuất và đời sống người dân vùng lũ. Hiện toàn tỉnh quyết định tạm hoãn, hủy các cuộc họp không cần thiết, khẩn cấp tập trung tối đa chống lũ.

Theo ông Vương Bình Thạnh, diễn biến của mùa lũ năm nay hết sức phức tạp, thậm chí nghiêm trọng hơn năm 2000. Hiện tình hình lũ còn rất căng thẳng vì liên tiếp cơn bão số 4 và 5 sẽ gây mưa nhiều ở Lào, do đó lượng nước lớn sẽ đổ về đầu nguồn sông Cửu Long kết hợp với triều cường là rất nguy hiểm. Tỉnh đã ban bố tình trạng lũ lụt khẩn cấp là cơ sở để huy động mọi nguồn lực phòng chống lũ. Các địa phương phải thực hiện nghiệm việc huy động tối đa nhân vật lực phòng chống lũ. Các khó khăn phải báo cáo ngay để Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh khẩn cấp giải quyết.

* Ở Đồng Tháp, hiện nước lũ đã tràn qua nhiều tuyến lộ nông thôn, đe dọa tỉnh lộ 843 từ huyện Tràm Chim về huyện Tân Hồng. Tuyến tỉnh lộ 842 có 6 điểm bị ngập lũ còn tỉnh lộ 843 sạt lở kè chia cắt hệ thống giao thông đường bộ.

Nhiều đoạn bờ bao bảo vệ lúa thu đông ở Đồng Tháp tại các huyện đầu nguồn vùng lũ chỉ còn cao hơn mặt nước 0,1-0,3m. Tại huyện Châu Thành bị ngập 300 ha vườn nhãn từ 5 đến 6 năm tuổi. Bên cạnh đó, tại xã Tân Huề, huyện Thanh Bình đã phát hiện 1 xác trẻ trôi sông (khoảng 4-6 tuổi) chưa rõ quê quán nên cơ quan chức năng đang điều tra làm rõ.

Đưa cơ giới vào nội đồng đóng cừ va cố đê bao bị lũ “nuốt chửng”
ở Đồng Tháp./.Ảnh: Diễm Hằng
Sáng 30/9, nước lũ tiếp tục gây thủng thân đê tuyến Chín Kheo ở xã Tân Thành A, huyện Thanh Bình với đường kính hơn 1m.

Còn tại tuyến đê bao bờ Đông xã Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng (Đồng Tháp), một đoạn đê hơn 10 m bị nứt và nguy cơ bị vỡ nhưng được hàng trăm người tiếp ứng dùng bạch đàn gia cố, đắp đất thân đê nên đã cứu được. Mực nước lũ chiều nay tại Tân Hồng là 5,50m, cao hơn ngày hôm qua 21cm, đang vô cùng nguy hiểm, có thể nhấn chìm 8.800 ha lúa vụ 3 còn lại cua Tân Hồng bất kỳ lúc nào.

Trong khi lũ dữ đang hoành hành thì tại xã Hưng Điền B, huyện Tân Hưng của tỉnh Long An lại xảy ra tình trạng cán bộ xã đi du lịch. Vì vậy ngày hôm trước đê ở ấp Bưng Ràm bị vỡ mà không có ai ứng cứu làm hàng chục hecta lúa bị thiệt hại phải thu hoạch non.

Trong lũ dữ, anh dân quân Huỳnh Văn Tùng  ở xã Thới Sơn, huyện Tịnh Biên (An Giang) cùng người dân thực hiện việc bảo vệ đê chống lũ, bảo vệ lúa tại địa phương thì bị rắn độc cắn. Dù được đưa đi cấp cứu kịp thời nhưng anh Tùng đã thiệt mạng.


Diễm Hằng

Bình luận
vtcnews.vn