• Zalo

Hãy bước ra cuộc sống, hỡi những nhạc sỹ đáng kính trong 'tháp ngà'

Văn hóa - Giải tríThứ Năm, 19/09/2013 09:00:00 +07:00Google News

(VTC News) - Nhiều nhạc sỹ đáng kính hễ nhắc đến ca sỹ là thiếu học, thị hiếu tầm thường, nhưng họ lại co cụm, làm những điều họ thích, bàng quan với thực tế.

(VTC News) - Nhiều nhạc sỹ đáng kính hễ cứ nhắc đến ca sỹ là thiếu học, thị hiếu tầm thường, nhưng họ lại co cụm, làm những điều họ thích, bàng quan với thực tế cuộc sống.

Tiếp tục diễn đàn "Chấn hưng nhạc Việt, cách nào?" do VTC News khởi xướng, chúng tôi xin đăng tải bài viết của một nhà báo có nhiều năm theo dõi lĩnh vực âm nhạc.

‘Tháp ngà’

Nhiều năm theo dõi lĩnh vực âm nhạc, có một thực tế khá rõ là các nhạc sỹ đáng kính đang co cụm trong những Hội, những cơ quan lớn của nhà nước, dần rời xa cuộc sống thực tế, sáng tác và làm những điều mình thích rồi tự khen nhau trong khuôn khổ 'tháp ngà' âm nhạc chuẩn mực.

Hàng năm Hội Nhạc sỹ Việt Nam đều tổ chức rất nhiều nhưng cuộc hội thảo, bầu chọn sự kiện âm nhạc và trao giải thưởng định kỳ của Hội cho các tác phẩm mới của các thành viên trong Hội. Nhưng, hàng loạt sự kiện ấy, lại có chiều hướng co cụm và trở thành những hoạt động mang tính dần rời xa cuộc sống.

Người xem những buổi biểu diễn âm nhạc này là những khán giả tinh túy, vốn chiếm số rất ít 
Cuộc hội thảo gần nhất do Hội Nhạc sỹ tổ chức vào ngày 14/12/2012 là hội thảo Âm nhạc với tuổi trẻ - Thực tế và phương hướng, được Hội Nhạc sỹ Hà Nội đứng ra chủ trì.

Trong cuộc hội thảo này các nhạc sỹ lão làng, các nhà lý luận phê bình âm nhạc, các nghệ sỹ hiện công tác tại các đoàn nghệ thuật, các hội âm nhạc... đã đến dự.

Tất cả họ đều ở tuổi trên 50. Họ nói rất nhiều về cái khó, cái bất cập khi tác phẩm của họ không được các đài truyền hình để ý tới. Sau đó họ đi sâu vào mổ xẻ thực trạng bát nháo của nhạc ‘teen’, nhạc giải trí.

Họ cho rằng, nếu không có sự uốn nắn của các tổ chức quản lý âm nhạc chuyên nghiệp, nhạc giải trí đang là món ăn tinh thần vô bổ, chẳng mấy chốc sẽ biến thành độc hại với công chúng.

Nhưng mải than vãn chuyện nhạc của mình bị ‘thất sủng’ mà đâm ra họ có đánh giá thiếu khách quan nhạc giải trí hiện cũng có những giá trị của nó và quên mất chuyện đưa ra giải pháp: Không nghe nhạc giải trí thì công chúng trẻ sẽ nghe gì? Nghe nhạc của chính các vị nhạc sỹ lão làng kia? Vậy e hơi phi thực tế.

 

Mải than vãn chuyện nhạc của mình bị ‘thất sủng’ mà đâm ra họ có đánh giá thiếu khách quan nhạc giải trí hiện cũng có những giá trị của nó và quên mất chuyện đưa ra giải pháp.
 
Một sự kiện âm nhạc đáng chú ý khác hàng năm là cuộc bình chọn 10 sự kiện và hoạt động âm nhạc tiêu biểu của năm do Câu lạc bộ Âm nhạc và báo chí thuộc Hội Nhạc sỹ Việt Nam đứng ra tổ chức.

Đã hai năm sự kiện này được diễn ra, nhìn vào kết quả do Hội Nhạc sỹ công bố thì 10 sự kiện tiêu biểu của nền âm nhạc nước nhà hàng năm không có bất cứ một hoạt động nào của nền âm nhạc đại chúng.

Khách quan mà nói, nhiều trong số 10 sự kiện tiêu biểu này có tầm vóc rất lớn, mang tính định hướng thẩm mỹ cho công chúng. Tuy nhiên, nhiều sự kiện trong đó lại quá hàn lâm, kinh viện như giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật cho các nhạc sỹ, phong NSND, NSƯT, Nhà giáo ưu tú cho các thành viên của Hội.

Xếp sau đó là chuỗi các phong trào và hoạt động do Hội Nhạc sỹ phát động. Có lẽ cũng vì thế mà cuộc bình chọn trên chưa bao giờ nằm trong sự quan tâm của giới làm nhạc đại chúng cũng như công chúng.

Đây là một thực tế đáng buồn bởi một cuộc bình chọn do Hội Nhạc sỹ đứng ra tổ chức lại không có tiếng vang nào với xã hội.

Trong khi đó giải thưởng tương tự, Giải thưởng Âm nhạc cống hiến, nơi tôn vinh những ca sỹ, nhạc sỹ, dự án âm nhạc đại chúng hàng năm, lại luôn là sân chơi được giới làm nghề và công chúng hướng tới với sự trân trọng.

Hai sự kiện âm nhạc trên là minh chứng rõ nhất cho thấy sự rời xa thị trường âm nhạc giải trí của Hội Nhạc sỹ. Nó càng chứng tỏ sự bàng quan với thực tế, "lánh xa trần thế", co cụm mình trong những dòng nhạc bác học rồi tự cho rằng đó mới là đỉnh nhất, không ai sánh bằng và hậu quả là có quá ít người để ý.

Nhạc sỹ Hồ Quang Bình tại Hội thảo "Âm nhạc với tuổi trẻ - Thực tế và phương hướng" do Hội Âm nhạc Hà Nội tổ chức
Không tạo ra được một sân chơi để các nhạc sỹ trẻ cùng góp sức vào công cuộc  ‘chấn hưng’ nền âm nhạc nước nhà, nhưng suốt những năm qua, Hội Nhạc sỹ luôn tỏ rõ quyết tâm  ‘định hướng’ và ra tay ‘chấn chỉnh’ lại thị trường âm nhạc. Vậy e hơi... lạc quan tếu.


Đổ lỗi

Như một thói quen, nếu có nhắc tới thị trường nhạc Việt đang đi xuống (nhận xét của những vị nhạc sỹ quen ngồi trong ‘tháp ngà’) thì gần như sau khi lên án ca sỹ thiếu học, nhạc sỹ tầm thường là đến khán giả bình dân với thị hiếu tầm thường.

Đúng là số đông không hẳn lúc nào cũng đúng, không hẳn lúc nào cũng là đại diện xuất sắc cho gương mặt của một nền âm nhạc. Vậy nhưng, đổ lỗi cho công chúng thì dễ quá.

Chúng ta đòi hỏi công chúng phải cao cấp nhưng rồi lại bỏ rơi phương án đề ra để có được công chúng cao cấp như thế nào.

Đừng bao giờ đòi hỏi một nền âm nhạc như Việt Nam có những công chúng như tại Pháp, Anh, Đức với những khán giả mộ điệu cuồng nhiệt dành cho những vĩ nhân âm nhạc thế giới như Mozart, Bach, Bethoven.

Đơn giản một điều, họ - những quốc gia đó – có hàng trăm năm xây dựng nền tảng gout thưởng thức. Công chúng thưởng thức của họ là sự di truyền thế hệ, bó buộc trong những tầng lớp quý tộc với sự đào tạo căn cốt từ bé với các hoạt động văn thể mỹ.

Còn chúng ta? Thử hỏi hệ thống giáo dục có đang làm tốt việc giáo dục những kiến thức căn bản cho học sinh từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường không hay đó là một sự tự đầu tư, tự đào tạo bản thân của công chúng.

Vậy nên, một câu chuyện hay đúng hơn một kinh nghiệm chua xót là nếu có cố công (hoặc cố gắng) tới các nhà hát để thưởng thức các bản giao hưởng, hòa nhạc cổ điển sang trọng thì hãy cố tìm một chỗ nào hoặc cố gắng hướng mắt vào các ông bà Tây ngồi hàng đầu để bắt chước họ… vỗ tay.

Vì sao nền âm nhạc trở nên bát nháo?

  • Nhà trường không chú trọng dạy âm nhạc
  • Hội nhạc sỹ không làm tròn trách nhiệm
  • Thiếu sự chấn chỉnh cần thiết
  • Thăm dò ý kiến Thăm dò ý kiến

Dễ hiểu tại sao phải làm thế vì không ít lần các chỉ đạo dàn nhạc nước ngoài phải cau mày vì khán giả Việt vỗ tay… nhầm chỗ.

Nói một cách khác, như GS Ca Lê Thuần và GS Tô Vũ đồng ý kiến: ‘Hệ thống giáo dục âm nhạc đại trà cho học sinh phổ thông chúng ta trong thời gian qua chủ yếu dạy kiến thức âm nhạc thu gọn cho học sinh mà không dạy cho họ cách thức thưởng thức một tác phẩm âm nhạc’.

Bước ra cuộc sống

Trong thời đại công nghiệp, cuộc sống phát triển chóng mặt, suy cho cùng, một bản nhạc, một sản phẩm văn hóa thì cũng có giá trị tiêu dùng tương đương như bất cứ một sản phẩm tiêu dùng nào khác đang có trên thị trường. Nói điều chua xót đó là vì cái gì cũng có giá của nó, đừng ai tự cho mình cái giá sang hơn người khác.
Trong khi những ca sỹ thị trường lại được khán giả nồng nhiệt đón nhận 

Một đĩa nhạc cổ điển cũng có giá bán nhất định như một đĩa nhạc của một ca sỹ nào đó. Vậy thì hãy thôi nói về chuyện tôi cao cấp hơn anh mà hãy nói về chuyện quảng bá sao cho sản phẩm của tôi đến được với công chúng như của anh chàng ca sỹ kia chứ đừng thắc mắc tại sao sản phẩm của tôi cao cấp hơn lại ế.

Đã đến lúc những vị nhạc sỹ làm nghệ thuật đang ẩn mình trong các Hội tập một thói quen coi mỗi sản phẩm cũng cần quảng bá, cần mang đến với số đông bằng một sự tiếp nhận bao gồm giáo dục (bề nổi) đủ để họ bỏ tiền ra mua. Hãy thôi những ‘biển hiệu’, khẩu ngữ rằng: Chương trình của tôi không phải để giải trí.

 

‘Một bồ chữ nghĩa’ đó là một quá trình đào tạo lâu dài thế nhưng nếu không được sử dụng, không được cống hiến, không kiếm ra tiền để tự nuôi bản thân thì suy cho cùng thì cũng chẳng khác gì những đồ vật vô giá trị.
 
Có lẽ những vị nhạc sỹ ‘sống trong tháp ngà’ kia cần có ý thức rằng, chính những khẩu hiệu đầy sự tự hào bản thân dạng như tôi làm âm nhạc nghệ thuật ‘không để giải trí’ cũng chính là cái còng tay bó buộc họ - những người ‘ngồi chiếu trên’ – và khiến họ xa lánh công chúng số đông.

Phê phán bao giờ cũng dễ, ví như nhạc sỹ Nguyễn Ngọc Thiện cũng nói rằng 99% ca sỹ hiện nay không đọc được một nốt nhạc, cho dù là ca sỹ tốt nghiệp nhạc viện đọc một nốt cũng không tròn.

Vậy nhưng, ông cũng cay đắng nhận ra một thực tế là những người đọc tốt nhất lại sẽ đi làm những người…sửa đàn. Nói thế để thấy, nhu cầu thưởng thức của công chúng và những nhà chuyên môn đang có khoảng cách lớn.

Có quá đáng không nếu so sánh thực tế trên với câu chuyện một anh chàng thư sinh nho nhã sống trong một túp lều rách nhìn sang căn nhà sang trọng bên cạnh bằng một ánh mắt khinh bỉ kèm theo cái ý nghĩ ‘Đúng là phường vô học, thương gia trọc phú, một chữ không có. Mình dù nghèo nhưng có cốt cách với một bồ chữ nghĩa trong người’.

‘Một bồ chữ nghĩa’ đó là một quá trình đào tạo lâu dài thế nhưng nếu không được sử dụng, không được cống hiến, không kiếm ra tiền để tự nuôi bản thân thì suy cho cùng thì cũng chẳng khác gì những đồ vật vô giá trị.

Đây chính là thực tế mà Hội Nhạc sỹ Việt Nam cần phải nhìn lại bản thân mình một cách thấu đáo và rốt ráo để thấy những gì Hội đã, đang và sẽ…chưa làm được cho âm nhạc nước nhà trong thời hiện tại.

Độc giả có suy nghĩ gì về quan điểm của tác giả? Hãy cùng tranh luận để làm sáng tỏ vấn đề bằng cách gửi ý kiến của mình vào ô thảo luận bên dưới.

Đức Thành

Bình luận
vtcnews.vn