• Zalo

Thanh Lam: Hà Hồ, Mr Đàm có gì để dạy người khác?

Văn hóa - Giải tríThứ Ba, 14/08/2012 03:02:00 +07:00Google News

"Khi tôi xem chương trình The Voice tôi cũng ngạc nhiên và không thể tưởng tượng ra Đàm Vĩnh Hưng, Hồ Ngọc Hà sẽ dạy bằng cái gì?" - Diva Thanh Lam.

"Đào bới khả năng của các bạn trẻ thì phải bằng những giá trị đích thực. Khi tôi xem chương trình The Voice tôi cũng ngạc nhiên và không thể tưởng tượng ra Đàm Vĩnh Hưng, Hồ Ngọc Hà sẽ dạy bằng cái gì?" - Diva Thanh Lam.

Xem chương trình thực tế thấy... nực cười

- Có một điều khá lạ là những diva không thấy xuất hiện trong các chương trình truyền hình thực tế. Không biết vì những người như chị "cao cấp" quá nên không được mời hay có được mời mà từ chối?

Thực ra những chương trình gameshow thì họ phải tính tới tính thị hiếu là quan trọng nhất. Chính vì vậy, những chương trình đó không phù hợp, họ không mời tôi hay Mỹ Linh mà chọn những nghệ sĩ nào mang tính giải trí cao nhất, thời trang nhất để cuốn hút khán giả.

- Có ý kiến thắc mắc rằng không hiểu các HLV sẽ dạy gì cho các bạn trẻ ở chương trình The Voice đang gây bão dư luận thời gian gần đây?

Đàm Vĩnh Hưng và Hồ Ngọc Hà dùng công nghệ rất nhiều. Nói gì thì nói khi dạy cho một bạn trẻ có triển vọng thì phải dạy bằng cái nghề của mình chứ không thể dạy bằng công nghệ được. Các bạn ấy không có tiền, không có cuộc sống để làm những thứ to tát thì phải dạy họ bằng thực lực.

Tôi nghĩ rằng đào bới khả năng của các bạn trẻ thì phải bằng những giá trị đích thực. Khi tôi xem chương trình này tôi cũng ngạc nhiên và không thể tưởng tượng ra hai ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng và Hồ Ngọc Hà sẽ dạy bằng cái gì?... Có bột mới gột nên hồ. Phải có trình độ mới dạy được.

Thanh Lam thẳng thừng chê Hà Hồ và Mr Đàm không xứng dạy người khác trong nghề. 

- Bởi thực tế những gameshow truyền hình hình thực tế của ta hiện nay hơi đặt nặng tính "giải trí, thương mại"...?

Ở nước ngoài họ vẫn có những gameshow thu hút khán giả nhưng họ đều có những tiêu chí cả. Chứ không phải như ở mình. Mình bị văn hóa phương Tây đè, mình bị non quá, cái bản ngã văn hóa của mình còn ít. Thú thật với bạn hôm nào rỗi ở nhà bật ti vi lên xem, vào đúng show truyền hình thực tế thì tôi chỉ thấy "nực cười" thôi.

Không học thanh nhạc thì hát cũng ông ổng thôi

- Năm ngoái, Thanh Lam "cầm tay" với Uyên Linh vào mùa hè và năm nay Thanh Lam lại "cầm tay" Uyên Linh nhưng vào mùa thu. Uyên Linh từng chia sẻ rằng cô ấy mỗi lần được hát chung với chị là học hỏi được nhiều điều. Còn với chị khi thể hiện với những bạn trẻ, có khó khăn hay thuận lợi gì?

Với mỗi chương trình, xuất hiện với tư cách người nổi tiếng hay ca sĩ bình thường ,cá nhân tôi nghĩ rằng mình phải tâm huyết với những tìm tòi, sáng tạo. Thực ra với tôi, hát với ai không ảnh hưởng tới sự sáng tạo. Đó là những điều tôi đòi hỏi ở mình chứ không phải những người xung quanh mình.

- NSND Trung Kiên mới đây phát biểu rằng "Uyên Linh đang nhạt dần vì không có cơ bản". Theo chị có nhất thiết ca sĩ phải được đào tạo thanh nhạc một cách chuẩn mực? 

Đó là việc cần thiết bạn ạ. Nếu chỉ hát cho một show diễn cụ thể thì không ăn  nói lên điều gì nhưng các bạn trẻ muốn có một nền tảng phát triển sự nghiệp một cách lâu dài thì cần phải học. Sự non nớt, những người trong nghề nhận ra thôi còn khán giả họ chỉ nghe ở bề mặt, không thể nào đi sâu vào kỹ thuật. Khi làm chủ được các kỹ thuật thì cảm xúc của người nghệ sĩ được tăng lên nhiều lắm.

Tôi luôn mong các bạn trẻ sau cuộc thi tìm đến các thầy cô giáo giỏi để học. Mình làm chủ kỹ thuật thanh nhạc thì khi hát trên sân khấu mình không bị động nữa, mình hát rất... sướng. Yếu tố thanh nhạc ở đây là làm sao phải hát tinh tế. Cái "nút" nằm ở bên trong con người mình. Cái đó không được học hành thì không thể làm được. Còn nếu không được học hát đôi khi bị rơi vào tình trạng "hát ông ổng" đấy! (cười).

- Tôi biết là cát xê nhận chị nhận về từ việc làm người hướng dẫn cho các thí sinh sân chơi Sao mai điểm hẹn 2012 không nhiều. Vậy đâu là động lực để chị theo đuổi sân chơi không gây được sức hút như nhiều chương trình khác?

Tôi nghĩ SMĐH là một chương trình nghiêm túc, có một giá trị nhất định. Thứ 2, điều làm tôi lôi cuốn đó chính là tôi nhìn thấy khát vọng của các bạn trẻ chứ không phải vì mục đích gì. Ước mơ của các em cũng giống tôi ngày xưa, luôn khao khát được hát và muốn vượt qua chính mình. Tôi thấy đó là điều đáng yêu nhất của tuổi trẻ, đó là những hoài bão.

Chính vì thế tôi muốn giúp các em đi một con đường nhanh nhất, truyền những kinh nghiệm mình có cho các em. Với tôi, những gương mặt được giải cuộc thi SMĐH năm nay đều rất xứng đáng. Trong cả chặng đường thì tôi thấy đó là những em có khả năng và sự nghiêm túc trong cuộc thi.

Những thứ hào nhoáng, đa số là... "nổ"

- Chị đã có sự kết hợp với các nghệ sĩ quốc tế trong nhiều chương trình ở Việt Nam nhưng lại có vẻ rón rén trong việc đưa các sản phẩm, chương trình ra thị trường nước ngoài. Vì sao vậy?

Tôi nghĩ là để đưa ra thế giới nói như vậy nhưng không đơn giản đâu. Theo tôi nó gồm cả một mô hình chứ không chỉ là một cá nhân. Tôi thấy có một thực trạng hiện nay của nghệ sĩ Việt Nam là họ làm được 3 thì họ nói tới 13 ấy. Tôi thì tôi khác. Tôi chỉ nói ra 7 phần khi tôi đã làm được 10 phần. Tôi nghĩ rằng khi mình nói ra thì lời nói phải chém đá tức là lời nói phải có giá trị. Nói để chém gió hù người này, hù người kia thì không nên.

- Nền âm nhạc của chúng ta đang có quá ít những giá trị nghệ thuật đích thực mà bị những thứ hào nhoáng bên ngoài lấn át, chị có nghĩ như vậy không?

Với những thứ hào nhoáng, đa số là nổ bạn ạ. Những đối tượng như vậy chỉ hù được những khán giả có thẩm mỹ, bề dày văn hóa ít. Giá trị đích thực mà người nghệ sĩ mang lại đôi khi cũng còn phụ thuộc vào bản ngã trong cá nhân mỗi con người.

Tôi nghĩ rằng thị trường âm nhạc mấy năm nay có sự xuống dốc. Các nghệ sĩ nổi lên họ dùng rất nhiều những xảo thuật để đưa ra những chương trình làm màu làm mè quá nhiều. Chính vì thế tôi thấy chán chưa muốn đưa ra sản phẩm gì trong lúc này.


Theo Vietnamnet

Bình luận
vtcnews.vn