(VTC News) – Một trong số các hợp đồng quân sự quan trọng nhất của Nga trong năm 2010 chính là hợp đồng nghiên cứu, thiết kế và chế tạo máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5 FGFA (Fifth Generation Fighter Aircraft) với Ấn Độ dựa trên phiên bản máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5 PAK FA T-50 của Nga.
Mô hình máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5 FGFA.
Trung tâm phân tích thương vụ vũ khí thế giới TSAMTO ngày 28/12 đã chỉ ra 10 hợp đồng và thỏa thuận quân sự quan trọng nhất của Nga trong năm 2010, trong đó thương vụ nghiên cứu và chế tạo máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5 FGFA với Ấn Độ là quan trọng nhất.
Hợp đồng này đã được lãnh đạo cấp cao hai nước chính thức ký kết vào ngày 21/12/2010 trong chuyến thăm và làm việc chính thức của Tổng thống Nga Dmitri Medvedev tới Ấn Độ.
Theo các điều kiện thỏa thuận trong hợp đồng, Nga và Ấn Độ sẽ cùng hợp tác nghiên cứu, thiết kế máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5 FGFA trong thời gian 18 tháng kể từ khi hai bên chính thức ký kết với tổng kinh phí 295 triệu USD.
Mô hình máy bay vận tải quân sự MTA.
Dự kiến, để nghiên cứu và chế tạo thành công dòng máy bay tiêm kích hiện đại này cần phải mất từ 8-10 năm mà theo nhiều đánh giá khác nhau thì tổng kinh phí cho công đoạn này phải tiêu tốn mất 12 tỷ USD.
Theo kế hoạch, Ần Độ sẽ phụ trách nghiên cứu, chế tạo khoảng 1/4 hệ thống, trang thiết bị kỹ thuật trang bị trên FGFA, số còn lại sẽ do Nga đảm trách. Chuyến bay đầu tiên của FGFA sẽ bắt đầu cất cánh thử nghiệm vào năm 2015.
Ấn Độ dự định sẽ chi khoảng 25 tỷ USD mua 250 máy bay tiêm kích loại này để trang bị cho quân đội đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ trước mắt cũng như trong tương lai.
Hệ thống hỏa lực bắn giàn Smerch.
Đứng thứ hai trong “bảng tổng sắp” về các hợp đồng quân sự quan trọng nhất của Nga trong năm 2010 là hợp đồng xây dựng xưởng chế tạo máy bay vận tải đa năng MTA hạng trung với Ấn Độ.
Hợp đồng này có trị giá 600,7 triệu USD chia đều cho mỗi bên tham gia dự án là 300,35 triệu USD. Dự kiến chuyến bay thử nghiệm đầu tiên của dòng máy bay này sẽ được thực hiện vào năm 2017. Công đoạn sản xuất máy bay sẽ được thực hiện đồng thời cả ở Nga lẫn Ấn Độ.
Đứng thứ ba trong danh sách này là quyết định chi khoản tín dụng xuất khẩu trị giá 4 tỷ USD cho Venezuela để mua sắm vũ khí, trang thiết bị quân sự của Nga. Thỏa thuận về khoản tín dụng này đã đạt được vào tháng 10/2010 trong khuôn khổ chuyến thăm của Tổng thống Venezuela Hugo Chavez tới Nga.
Máy bay tiêm kích Mig-29K.
Tuy nhiên, những loại vũ khí, trang thiết bị quân sự nào phía Venezuela đề nghị Nga cung cấp và những loại vũ khí nào Nga đồng ý bán cho Venezuela thì đến nay vẫn chưa được tiết lộ.
Chỉ biết, trước đó đã có thông tin cho rằng, Venezuela sẽ mua 92 xe tăng T-72 và một vài hệ thống hỏa lực bắn giàn Smerch, thậm chí là cả tên lửa phòng không vác vai và hệ thống phòng không tầm xa S-300 của Nga.
Trong số các hợp đồng và thỏa thuận quân sự quan trọng của Nga trong năm 2010, theo đánh giá của TSAMTO còn có hợp đồng cung cấp vũ khí, trang thiết bị quân sự cho Lybia với tổng trị giá 1,3 tỷ euro, hợp đồng cung cấp máy bay tiêm kích trên boong Mig-29K trị giá 1,5 tỷ USD cho Ấn Độ, hợp đồng cung cấp máy bay tiêm kích Su-30MK2 cho Việt Nam với trị giá 1 tỷ USD, hợp đồng cung cấp máy bay tiêm kích Su-30MKA trị giá hàng tỷ USD cho Algeria.
Máy bay trực thăng tấn công Mi-35P.
Bên cạnh đó còn có hợp đồng nâng cấp và cải tiến tàu sân bay Admiral Gorshkov cho Hải quân Ấn Độ, quyết định chi khoản tín dụng xuất khẩu cho Shri-Lanka với tổng trị giá 300 triệu USD để mua vũ khí, trang thiết bị kỹ thuật quân sự của Nga.
Chốt lại danh sách 10 hợp đồng và thỏa thuận quân sự quan trọng nhất của Nga trong năm 2010 chính là hợp đồng cung cấp máy bay trực thăng vận tải Mi-171Sh và máy bay trực thăng tấn công Mi-35P cho Peru.
Hợp đồng đã được Nga và Peru ký kết vào ngày 22/7/2010. Theo điều kiện của hợp đồng, Peru sẽ mua của Nga 6 chiếc trực thăng Mi-171Sh và 2 chiếc Mi-35P với tổng trị giá 108 triệu USD. Dự kiến, Nga sẽ bắt đầu cung cấp các loại máy bay này cho Peru vào năm 2010 và kết thúc vào năm 2011.
Hữu Kỷ - Nhật Minh (Theo Lenta)
Bình luận