• Zalo

Vì sao các cường quốc sợ Triều Tiên phóng tên lửa?

Thế giớiChủ Nhật, 08/04/2012 08:39:00 +07:00 Google News

Vì lý do gì mà họ lại sợ Triều Tiên phóng tên lửa đến vậy? Có nguyên nhân bí ẩn gì đằng sau nỗi lo ngại này không?

Thông tin do một nguồn tin Chính phủ Hàn Quốc đưa ra trên Chosun Ilbo cho hay tên lửa Unha-3 (Ngân Hà-3) có thể được lắp đặt vào bệ phóng ở Tongchang-ri, tỉnh Bắc Pyongan nay mai.

Việc lắp tên lửa vào bệ phóng sẽ mất một đến hai ngày. Bệ phóng sẽ được tiếp nhiên liệu ngay trước khi tiến hành phóng tên lửa. Giới chức Hàn Quốc tin rằng tên lửa Triều Tiên sẽ rời khỏi mặt đất vào bất kỳ một ngày thuận lợi trong khoảng từ ngày 12 đến 16-4 tới.


Theo thông báo chính thức của Triều Tiên, nước này sẽ phóng tên lửa Ngân Hà-3 (Unha-3) để đưa vệ tinh Quang Minh Tinh-3 (Kwangmyongsong-3) lên quỹ đạo là hoạt động nhằm phục vụ mục đích nghiên cứu khoa học, đồng thời nhằm kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cố chủ tịch Kim Nhật Thành - nhà sáng lập ra đất nước Triều Tiên.  Tuy nhiên, ngay sau khi thông báo trên được đưa ra, một loạt các nước đã phản ứng hết sức mạnh mẽ với kế hoạch phóng tên lửa tầm xa lần thứ 2 này của Triều Tiên.

Cách đây 3 năm, một vụ phóng tên lửa đưa vệ tinh vào vũ trụ của Triều Tiên cũng đã gây ra cơn cuồng nộ lớn. Cả hai lần Triều Tiên tuyên bố phóng tên lửa tầm xa đưa vệ tinh vào vũ trụ là cả hai lần các cường quốc đều có những phản ứng vô cùng quyết liệt.

Vậy vì lý do gì mà họ lại sợ Triều Tiên phóng tên lửa đến vậy? Có nguyên nhân bí ẩn gì đằng sau nỗi lo ngại này không?

Vì sao, các cường quốc lại phản ứng quá mạnh mẽ với một vụ thử tên lửa của Triều Tiên như vậy trong khi các nước khác như Ấn Độ, Pakistan, Iran, Nga, Mỹ... vẫn thử tên lửa như cơm bữa? Có hai lý do giải thích cho thái độ trên.

Thứ nhất và cũng quan trọng nhất là các cường quốc “sợ” một Triều Tiên mạnh với những vũ khí nguy hiểm có thể làm hại đến an ninh các nước này. Sự lo ngại đó càng tăng lên khi các cường quốc tin rằng, Triều Tiên là một nước rất khó ứng xử vì liên tục có những động thái thay đổi liên tục và đầy bất ngờ. 

 Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và EU tin rằng, vụ phóng vệ tinh sắp tới hoàn toàn chỉ là một vỏ bọc để nước này thử công nghệ tên lửa tầm xa chứ không hề liên quan gì đến công việc nghiên cứu.

Triều Tiên được cho là đang nắm trong tay một quân đội hùng hậu với một kho vũ khí tên lửa có sức mạnh khủng khiếp, đủ để khiến các cường quốc trên thế giới phải dè chừng mỗi khi tính đến bất kỳ động thái nào liên quan đến nước này.

Ngay khi thông tin về vụ phóng tên lửa sắp tới của Triều Tiên được tung ra, đã có một loạt tin đồn dấy lên về việc Triều Tiên sắp trình làng một loại siêu tên lửa có tầm bắn từ 10.000km đến 15.000km, nghĩa là lục địa Mỹ và nhiều nước châu Âu hoàn toàn nằm trong tầm tấn công của Triều Tiên. 

Các cường quốc sợ rằng, Triều Tiên vẫn đang tiếp tục đẩy mạnh phát triển tên lửa tầm xa và vụ phóng tên lửa sắp tới là một bước tiến mới trong nỗ lực này. Vậy vì an ninh của mình, các cường quốc tìm mọi cách ngăn chặn?

Lý do thứ hai khiến các nước phản ứng mạnh với kế hoạch của Bình Nhưỡng là vì họ muốn giải quyết dứt điểm cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Các nước muốn đạt được một kết quả nhất định trong việc tháo gỡ cuộc khủng hoảng đã kéo dài quá lâu này.

Để đạt được điều đó, họ cần một Triều Tiên cư xử theo mong muốn của họ. Các cường quốc cũng không muốn Triều Tiên dùng vụ phóng tên lửa tầm xa sắp tới làm “lá bài” nâng vị thế của nước này trong những cuộc đàm phán sắp tới. 

Hàn Quốc là nước đầu tiên phản ứng mạnh mẽ kế hoạch phóng tên lửa đưa vệ tinh vào vũ trụ của Triều Tiên với khả năng bắn hạ tên lửa của Triều Tiên nếu như nó đi chệch ra khỏi “đường đi thông thường” và vi phạm lãnh thổ của Hàn Quốc.

Phản ứng của Nhật Bản ngay từ đầu đã tuyên bố sẽ bắn hạ tên lửa của Triều Tiên nếu nó gây nguy hại cho an ninh của Nhật Bản hoặc rơi xuống lãnh thổ nước này. 

Mỹ cũng chỉ trích gay gắt kế hoạch phóng vệ tinh của Triều Tiên cho đây là một động thái mang đầy tính khiêu khích. Washington đã ngừng ngay kế hoạch cấp viện trợ lương thực cho Bình Nhưỡng theo thỏa thuận mà hai nước vừa đạt được hồi tháng 2 để thể hiện sự tức giận của nước này trước động thái mới nhất của Triều Tiên.

Mặc dù không lên án trực tiếp Triều Tiên nhưng Bắc Kinh đã bày tỏ sự quan ngại trước kế hoạch phóng tên lửa đưa vệ tinh lên vũ trụ của Triều Tiên. Còn Matxcơva “nhắc” Bình Nhưỡng không nên thách thức cộng đồng quốc tế.

Nga nhấn mạnh, việc Triều Tiên tiến hành một vụ phóng tên lửa tầm xa mới sẽ phá hỏng cơ hội khôi phục lại các cuộc đàm phán hạt nhân 6 bên đã bị đình trệ suốt thời gian dài. EU cũng bày tỏ mối quan ngại trước kế hoạch phóng vệ tinh của Triều Tiên và kêu gọi nước này từ bỏ kế hoạch đó nhằm tránh làm phương hại đến tiến trình nối lại các cuộc đàm phán hạt nhân 6 bên.

Giữa lúc Triều Tiên hối hả hoàn tất những công đoạn cuối cùng cho vụ phóng vệ tinh, Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản lại có những bước đi cứng rắn khi quyết định điều động tàu khu trục trang bị tên lửa đạn đạo đến vùng lãnh hải quanh bán đảo Triều Tiên để "nghênh tiếp" tên lửa sắp phóng của Bình Nhưỡng.

Nhật Bản vừa hoàn tất triển khai các tên lửa đánh chặn PAC-3 tại đảo Ishigaki và bốn địa điểm khác ở Okinawa gồm thủ phủ Naha, Miyako, Nanjo và Ishigaki. Không dừng lại ở đó, Nhật Bản cũng sẽ triển khai tên lửa PAC-3 tại các khu vực huấn luyện của Lực lượng phòng vệ ở Tokyo là Ichigaya, Narashino và Asaka để sẵn sàng bắn hạ tên lửa của Triều Tiên nếu nó đe dọa đến lãnh thổ nước này. 

Mỹ sẽ điều động từ 5-6 tàu khu trục từ Hạm đội 7 di chuyển đến Hoàng Hải, căn cứ Okinawa (Nhật Bản) và vùng biển gần Philippines nhằm đáp lại kế hoạch phóng tên lửa đẩy vệ tinh của Triều Tiên.

Các tàu khu trục của quân đội Mỹ, được trang bị hệ thống tên lửa đánh chặn SM-3, sẽ bắn hạ tên lửa đối phương khi bay chệch quỹ đạo và hướng tới các mục tiêu trên đất liền.

Trên thế giới chưa từng có trường hợp một nước nào bắn hạ tên lửa mang vệ tinh của nước khác nên khả năng Tokyo và Seoul bắn hạ tên lửa Triều Tiên ít xảy ra. Theo dự báo, tên lửa mang vệ tinh của Bình Nhưỡng sẽ phần lớn bay qua vùng biển không có người ở.

Trong diễn biến khác, khi Mỹ và các đồng minh phản đối việc Bình Nhưỡng kiên quyết thực hiện kế hoạch phóng vệ tinh vào tuần tới, các chuyên gia quân sự và các cơ quan tình báo các nước này đều cho rằng, bất kể tên lửa phóng vệ tinh của Triều Tiên được phóng như thế nào và về hướng nào thì cũng là cơ hội vô cùng quý giá để hiểu được trình độ công nghệ tên lửa của CHDCND Triều Tiên.

Các chuyên gia kỹ thuật quân sự Mỹ và đồng minh sẽ phân tích mọi thông tin thu được từ vụ phóng vệ tinh này như địa điểm nơi tầng tên lửa đẩy rơi, hình dáng của mũi tên lửa…

Các nhà chiến lược quân sự Mỹ muốn biết Triều Tiên đã tiến bộ đến mức nào về công nghệ chế tạo tên lửa kể từ đợt phóng vệ tinh thất bại cách đây 3 năm. Nếu Triều Tiên phóng thành công vệ tinh vào quỹ đạo Trái Đất, điều đó chứng tỏ nước này đã sở hữu công nghệ tên lửa vượt đại châu có thể đưa đầu đạn tới bất cứ nơi nào trên thế giới.

Trong khi Seoul và Tokyo đều tuyên bố sẽ bắn hạ tên lửa của Triều Tiên nếu nó bay vào lãnh thổ Hàn Quốc và Nhật thì phía Triều Tiên, hãng thông tấn chính thức KCNA đưa tin, một quan chức Ủy ban Tái thống nhất hòa bình Triều Tiên khẳng định vệ tinh này mang bản chất hòa bình và tuyên bố việc đánh chặn vụ phóng vệ tinh của nước này sẽ là "một hành động gây chiến" và có thể dẫn tới "hậu quả khủng khiếp".

Chỉ còn chưa đầy một tuần nữa vụ phóng vệ tinh của Bình Nhưỡng sẽ diễn ra. Một loạt động thái chuẩn bị của các bên liên quan trước "giờ G" đang khiến bán đảo Triều Tiên nóng lên từng giờ. Thêm vào đó, tiết lộ mới nhất của báo giới Hàn Quốc về khả năng Triều Tiên có thể tiến hành vụ thử hạt nhân thứ ba nếu Mỹ không viện trợ lương thực như cam kết đã dấy lên quan ngại mới về nền hòa bình vốn đang bấp bênh trên bán đảo.


Minh Khuê/ ANTĐ

Bình luận
vtcnews.vn