Bầu cử Tổng thống Mỹ: Một cuộc chiến ngầm đang diễn ra?

Thế giớiThứ Hai, 24/01/2011 01:38:00 +07:00

(VTC News) - Mặc dù cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2012 vẫn chưa mở màn, nhưng đảng Cộng hòa và Dân chủ đã bắt đầu bày binh bố trận.

(VTC News) - Mặc dù cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2012 vẫn chưa mở màn, nhưng đảng Cộng hòa và Dân chủ đã bắt đầu bày binh bố trận. Một phần sức ép to lớn của nước Mỹ có thể sẽ được “gán ghép” cho các nước có liên quan đến lợi ích của Hoa Kỳ.

Tân Hoa Xã ngày 24/1 đưa tin, Hạ viện Mỹ ngày 19/1/2011 đã thông qua một nghị quyết hủy bỏ dự luật cải cách bảo hiểm y tế được Quốc hội thông qua năm 2010. Dự luật cải cách y tế lại trở thành một chủ đề nóng của Mỹ.

Tổng thống Mỹ Barackk Obama (ảnh minh họa). 

Năm 2010, đảng Dân chủ tận dụng đa số ghế ở Hạ viện và Thượng viện, bất chấp sự phản đối của đảng Cộng hòa, cưỡng ép thông qua Dự luật cải cách y tế và giao cho Tổng thống Obama ký, trở thành một thành tích chính trị lớn trong 2 năm cầm quyền vừa qua của Barack Obama.

Nhưng, sau cuộc bầu cử Quốc hội giữa kỳ vào tháng 11/2010, người đảng Cộng hòa - phe phản đối Dự luật cải cách y tế, đã kiểm soát Hạ viện. Vì vậy, Hạ viện sau khi “đổi ngôi” đã thông qua nghị quyết “bãi bỏ” Dự luật cải cách y tế của Obama, đây là điều không có gì bất ngờ.

Có điều, nghị quyết của Hạ viện hoàn toàn không có nghĩa là người đảng Cộng hòa có thể hoàn thành nhiệm vụ hủy bỏ Dự luật cải cách y tế. Bởi vì, Dự luật này do Obama ký.

Muốn “hủy bỏ” dự luật này, người đảng Cộng hòa không chỉ cần thông qua nghị quyết này ở cả Hạ viện và Thượng viện, mà còn phải có đa số ghế tuyệt đối lật đổ quyền phủ quyết của Tổng thống Obama. Nhưng đến nay, đảng Cộng hòa chỉ có đa số ghế ở Hạ viện, mà vẫn thuộc phe thiểu số ở Thượng viện, hiển nhiên không thể thực hiện được mục tiêu của họ.

Nhưng, dù Dự luật cải cách y tế đã trở thành luật, song những tranh cãi xung quanh vấn đề cải cách y tế vẫn còn lâu mới chấm dứt. Về vấn đề này, cả hai đảng đều biết rõ. Trước mắt, đảng Cộng hòa thúc đẩy Hạ viện thông qua nghị quyết "bãi bỏ" Dự luật cải cách y tế, rõ ràng là muốn “xao” nóng lại vấn đề này, nghi ngờ thành tích chính trị chủ yếu này của Obama.

Theo phía đảng Cộng hòa, số người dân phản đối Dự luật cải cách y tế nhiều hơn số người dân ủng hộ. Cải cách y tế có thể trở thành một “quả bom chính trị” có uy lực cực lớn đối với Obama và đảng Dân chủ, đánh mạnh vào tỷ lệ ủng hộ của Obama và đảng Dân chủ, làm cho người đảng Cộng hòa được lợi.

Cùng với cuộc bầu cử Tổng thống năm 2012 ngày càng đến gần, có thể dự kiến, trước và trong thời gian bầu cử Tổng thống, đảng Cộng hòa sẽ liên tiếp tấn công chính trị đối với Obama và đảng Dân chủ trong vấn đề cải cách y tế.

Trong tình hình không thể hủy bỏ Luật cải cách y tế, đảng Cộng hòa rất có khả năng lợi dụng đa số ghế ở Hạ viện, đóng chặt “túi tiền”, ngăn cản chi tiền cho Dự luật cải cách y tế.

Dù sao, Dự luật cải cách y tế của Obama cần phải chi một khoản tiền khổng lồ là 940 tỷ USD trong 10 năm tới. Nếu không có tiền, việc cải cách y tế sẽ không thể thực hiện.

Tuy nhiên, đối với đảng Cộng hòa, có một tin xấu là tỷ lệ ủng hộ Obama đang tăng trở lại. Một cuộc thăm dò công bố vào ngày 20/1 cho thấy, tỷ lệ ủng hộ Obama lần đầu tiên vượt quá 50% kể từ giữa năm 2009 đến nay.

Cùng ngày, người phát ngôn Nhà Trắng cho biết, Obama rất có thể tham gia tranh cử Tổng thống năm 2012, tìm kiếm một nhiệm kỳ thứ hai. Có thể nói, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2012 chưa mở màn, nhưng việc bày binh bố trận của hai bên đã bắt đầu.

Hiện nay vẫn chưa rõ, vấn đề cải cách y tế có “đả thương nặng” Obama trong cuộc bầu cử tới hay không, nhưng điều không phải nghi ngờ gì nữa là, trận chiến chủ yếu của cuộc bầu cử Tổng thống tới đây vẫn là kinh tế và việc làm.

Nếu trong 2 năm tới, kinh tế Mỹ có chuyển biến tích cực, rõ rệt, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống, chắc chắn sẽ làm tăng rất lớn hy vọng tái tranh cử thành công cho Obama. Nếu không khả năng tại vị trong nhiệm kỳ tới của Barack Obama sẽ bị phủ một bóng đen.

Trong bối cảnh này, dự kiến chính phủ Obama sẽ có nhiều hành động hơn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Mỹ, giảm tỷ lệ thất nghiệp. Hoặc có thể nói, thúc đẩy kinh tế, thúc đẩy việc làm sẽ là sức ép lớn nhất của Obama trong 2 năm tới, và sức ép này rất có thể sẽ được “gán tội” một phần cho nước khác.

Cụ thể mà nói, một loạt vấn đề của các nước khác có liên quan đến tăng trưởng kinh tế và việc làm của Mỹ, như mở cửa thị trường, nhập siêu thương mại, tỷ giá hối đoái… sẽ đứng trước sức ép lớn hơn từ Mỹ.

Đối với vấn đề này, theo bình luận của Tân Hoa Xã, chính phủ nhiều nước phải hết sức cảnh giác, đề phòng.

Khánh Hưng(Theo THX)
Bình luận
vtcnews.vn