Gương mặt nghiêm nghị, phúc hậu với phong thái khoan thai, chắc chắn của một nhà khoa học, nhưng Tiến sỹ Nguyễn Quân - Bộ trưởng Khoa học Công nghệ lại rất cởi mở về nền khoa học công nghệ nước nhà.
Khi ông chia sẻ tâm huyết của ông trong việc góp phần tạo bước đột phá cho khoa học công nghệ phát triển, người đối thoại thấy rõ ở ông một khát vọng cháy bỏng và những trăn trở làm sao để khoa học công nghệ đất nước có bước tiến vượt bậc.
Từng là người lính, trợ lý kỹ thuật Bộ Tư lệnh Quân chủng Không quân, Bộ trưởng Nguyễn Quân cũng cho thấy sự am tường về khoa học công nghệ quốc phòng, đặc biệt là công nghệ phòng không, không quân.
Bộ trưởng khẳng định không một đối tượng xâm nhập nào vào vùng trời của chúng ta mà không bị phát hiện, và trong tình trạng cần thiết, đối tượng không thể không bị tiêu diệt.Bộ trưởng KHCN Nguyễn Quân. Ảnh: VietQ
Mở đầu cuộc trò chuyện, Bộ trưởng Nguyễn Quân đã đưa ra một bức tranh tổng thể về nền khoa học công nghệ nước nhà cũng như những đánh giá sắc sảo của ông.
- Mục tiêu là đến năm 2020, Việt Nam sẽ cơ bản trở thành nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Bộ trưởng có đánh giá như thế nào về bức tranh nền khoa học công nghệ nước nhà, khi chỉ còn 7 năm nữa là phải đạt đến mốc trên?
Thập kỷ 60 của thế kỷ trước chúng ta coi khoa học công nghệ là then chốt. Sau khi đã hoàn thành giải phóng đất nước thì Đảng và Nhà nước coi khoa học công nghệ là nền tảng, động lực phát triển xã hội.
Khi Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII ra đời thì Đảng và Nhà nước đã xác định khoa học công nghệ cùng với giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu.
Với sự quan tâm như vậy, sau Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII, khoa học công nghệ được Đảng và Nhà nước giành cho kinh phí là 2% tổng chi ngân sách hàng năm.
Suốt từ năm 2000 đến nay, thực hiện Luật KH&CN, Quốc hội đều giao vốn 2% này cho khoa học công nghệ. Chính nhờ sự quan tâm đó mà trong giai đoạn vừa qua khoa học công nghệ của chúng ta đã có những bước phát triển rất tốt.
Nếu theo phân loại của UNESCO thì có 5 lĩnh vực KH&CN chính như sau:
Lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn: Các viện nghiên cứu, trung tâm và trường đại học của chúng ta đã tham gia vào 4 chương trình nghiên cứu trọng điểm cấp nhà nước (các chương trình KX).
Trong suốt thời gian qua các nghiên cứu này đã cung cấp những luận cứ rất quan trọng cho Đảng và Nhà nước trong chiến lược phát xây dựng, phát triển đất nước cũng như là tất cả các mặt hoạt động về xã hội như về văn hóa, xã hội, tôn giáo, nhân quyền…
Lĩnh vực khoa học tự nhiên thì nghiên cứu khoa học cơ bản của chúng ta trong thời gian qua đã có những thành tích rất quan trọng.
Chúng ta là nước có nền nghiên cứu khoa học cơ bản về toán học, vật lý, hóa học và khoa học trái đất có vị trí tương đối khá trong khu vực. Trong lĩnh vực toán, Việt Nam là nước có những nhà nghiên cứu khoa học có trình độ cao được bạn bè Asean nể trọng, đã có chương trình quốc gia phát triển toán học.
Thực tế những nghiên cứu về lĩnh vực toán học đóng góp một tỷ lệ rất lớn trong những công trình khoa học được công bố quốc tế của Việt Nam. Chúng ta cũng đang xúc tiến xây dựng chương trình quốc gia về vật lý, thành lập các tổ chức nghiên cứu mạnh về vật lý và hóa học, cũng như về khoa học trái đất với quy mô và trình độ cao hơn trước đây.
Trong lĩnh vực khoa học nông nghiệp, Việt Nam cũng là một trong những quốc gia có những thành tựu nghiên cứu và phát triển nông nghiệp hàng đầu trong khu vực.
Ở một số chuyên ngành hẹp chúng ta cũng đạt trình độ quốc tế, như Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long hiện là một viện nghiên cứu hàng đầu về tạo giống lúa trên thế giới.
Chúng ta nhanh chóng trở thành quốc gia hàng đầu về xuất khẩu một số mặt hàng nông sản thực phẩm như gạo, cà phê, hạt tiêu, bông, cao su. Xuất khẩu thủy sản của chúng ta cũng đứng đầu khu vực.
Với 6.000 ha mặt nước nuôi trồng, chúng ta đã xuất khẩu đến 1,8 tỷ USD trong năm 2012 chủ yếu là cá da trơn và tôm.
Trong lĩnh vực y dược, Việt Nam cũng có những thành tựu quan trọng. Chúng ta đã thực hiện thành công ghép gan, thận… và gần đây là ghép tim bằng ê kíp hoàn toàn là các bác sỹ người Việt.
Các nhà khoa học Việt Nam cũng đã nghiên cứu rất tốt về tế bào gốc và hiện nay đã đưa nghiên cứu này vào ứng dụng ở rất nhiều lĩnh vực như là tái tạo da cho điều trị bỏng, tái tạo các bộ phận trong cơ thể, giúp điều trị một số bệnh sử dụng công nghệ tế bào gốc.
Việt Nam cũng có nhiều tiến bộ trong lĩnh vực nghiên cứu và sản xuất vắc xin. Chúng ta đã làm chủ hoàn toàn được vắc-xin tiêm chủng mở rộng cho trẻ em và nhiều các loại vắc-xin khác, đặc biệt là vắc-xin cúm H5N1, H1N1 cũng đã có những bước đầu thành công.
Các tổ chức quốc tế cũng đánh giá rất cao chúng ta trong lĩnh vực chăm sóc y tế, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Trong lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ, dù Việt Nam còn nghèo, nhưng các nhà khoa học đã làm chủ được rất nhiều công nghệ hiện đại tiên tiến.
Trong năm 2012, chúng ta đã làm chủ được công nghệ thiết kế và chế tạo dàn khoan tự nâng 90 mét nước phục vụ cho khai thác dầu khí đạt tiêu chuẩn quốc tế, trở thành 1 trong 3 quốc gia châu Á chế tạo được dàn khoan tự nâng.
Các kỹ sư Việt Nam cũng đã tự thiết kế và thi công nhà máy thủy điện Sơn La hoàn thành trước 2 năm mang lại hiệu quả kinh tế rất lớn. Sau thủy điện Sơn La chúng ta hoàn toàn có thể tự tin trong việc xây dựng các công trình thủy điện lớn không chỉ trong nước mà còn có thể tham gia đấu thầu quốc tế.
Trong lĩnh vực công nghiệp chúng ta đã làm chủ được công nghệ thiết kế các nhà máy xi măng công suất lớn, các thiết bị nâng hạ siêu trường, siêu trọng, đang thực hiện các dự án khoa học thiết kế nhà máy nhiệt điện công suất 600 MW, đã thiết kế được chíp điện tử, vi mạch phục vụ cho ngành công nghiệp điện tử…
Nói tóm lại còn rất nhiều khó khăn, cũng còn nhiều yếu kém nhưng khoa học công nghệ Việt Nam đã phần nào đáp ứng được những mong mỏi của Đảng và Nhà nước, phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế xã hội, đóng góp cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Chúng tôi hy vọng với những điểm mới trong Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI chúng ta sẽ sớm hoàn thành mục tiêu hiện đại hóa - công nghiệp hóa đất nước để đến năm 2020 Việt Nam sẽ ở trong top đầu của các nước Asean về trình độ phát triển khoa học công nghệ trong một số lĩnh vực. Việt Nam đã đạt được những thành tựu đột phá trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong ảnh: GS-TS Võ Tòng Xuân, nhà khoc học lúa gạo ở ĐBSCL bên ruộng lúa
Có thể đạt mục tiêu
- Trong 5 lĩnh vực được UNESCO phân loại, Bộ trưởng ấn tượng với sự phát triển của lĩnh vực nào nhất?
Trong phân loại của UNESCO ở trên thì hiện nay nông nghiệp là đã đạt được được những thành tựu đáng kể nhất. Nhưng gắn với mục tiêu công nghiệp hóa hiện đại hóa thì chúng ta mong muốn phát triển mạnh lĩnh vực y dược, kỹ thuật và khoa học tự nhiên,... Những lĩnh vực đó hiện nay còn rất khiêm tốn.
- Bộ trưởng có dùng từ “khiêm tốn”...
Nói khiêm tốn là vì những thành tựu của Việt Nam trong các lĩnh vực này chưa nhiều.
Hơn nữa, một số chỉ số đánh giá về trình độ phát triển khoa học công nghệ của một quốc gia, ví dụ số sáng chế được đăng ký bảo hộ và số công trình nghiên cứu được công bố quốc tế, tức là được đăng trên các tạp chí uy tín, thì cả hai chỉ tiêu này của Việt Nam còn rất thấp.
Số các bài báo về nghiên cứu khoa học Việt Nam hàng năm được đăng trên các tạp chí ISI chỉ dao động trên dưới 1.000.
Số sáng chế của Việt Nam, do người Việt Nam đăng ký bảo hộ ở địa bàn Châu Âu, Nhật Bản và Mỹ mới chỉ đếm trên đầu ngón tay, và đăng ký bảo hộ ở Việt Nam cũng chỉ trên dưới 100 sáng chế một năm, mặc dù sáng chế đăng ký ở đâu thì cũng có giá trị như nhau.
Con số đó là rất nhỏ so với các nước khác, đặc biệt là so với các nước mới phát triển như Hàn Quốc. Vì vậy chúng tôi nói là có thành tựu nhưng còn rất khiêm tốn.
- Vậy theo Bộ trưởng, với những thành tựu chúng ta đã đạt được trong lĩnh vực khoa học công nghệ thì đến năm 2020 Việt Nam có hoàn thành mục tiêu đưa đất nước cơ bản trở thành nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa không?
Tất nhiên trong các Nghị quyết Trung ương chúng ta đặt ra mục tiêu để phấn đấu. Chúng ta còn 8 năm nữa và chúng ta kỳ vọng với những sự đầu tư của nhà nước, với ý chí của giới khoa học thì Việt Nam có thể đạt được mục tiêu đó.
Tuy nhiên để đạt được mục tiêu đó chúng ta phải có một sự nỗ lực đồng bộ của tất cả hệ thống chính trị. Đảng phải quan tâm chỉ đạo. Nhà nước phải đầu tư tập trung, tổ chức lại các viện nghiên cứu.
Giới khoa học phải tập trung trí tuệ của mình vào nghiên cứu. Doanh nghiệp cũng phải chung tay với giới khoa học. Cả xã hội cũng phải giành cho họ sự quan tâm. Có như thế chúng ta mới hoàn thành được mục tiêu đặt ra.
Tôi chỉ xin nói cụ thể về mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam sẽ thành nước trong top đầu Asean về khoa học công nghệ. Hiện nay vị trí của chúng ta trong khối Asean rất khiêm tốn. Nói thực chất chúng ta chỉ đứng trên một vài nước lân cận như Myanmar, Lào, Campuchia.
Chúng ta phải phấn đấu để vượt qua một số nước khác như Philippines, Indonesia. Mục tiêu của chúng ta là làm sao phải sánh ngang với Malaysia và Thái Lan. Nếu đạt được mục tiêu này thì cũng có thể coi chúng ta nằm trong top đầu của khối Asean.
“Cởi trói”
- Theo Bộ trưởng, hiện nay chính sách đã thực sự cởi trói mạnh mẽ cho sự phát triển của khoa học công nghệ chưa?
Thời gian qua Bộ khoa học và công nghệ đã bắt tay vào xây dựng và trình Quốc hội Luật khoa học và công nghệ sửa đổi.
Hiện chúng ta đã bước vào nền kinh tế thị trường nên hoạt động của ngành khoa học công nghệ cũng phải theo quy luật vận động của thị trường.
Chúng ta không thể nghiên cứu theo phương thức của giai đoạn trước đây, tức là nghiên cứu theo kiểu kế hoạch hóa, năm trước đã phải làm kế hoạch nghiên cứu cho năm sau, phải phê duyệt trước cả nội dung và kinh phí một cách hình thức. Đấy là một tư duy rất cũ.
Luật khoa học và công nghệ lần này mở ra cơ chế đổi mới về nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đó là cơ chế đặt hàng.
Các nhà khoa học có thể đề xuất vấn đề nghiên cứu, nhưng xã hội cũng được quyền đề xuất vấn đề nghiên cứu mà xã hội cần.
Các cơ quan có thẩm quyền căn cứ vào đề xuất nghiên cứu của mọi tổ chức, cá nhân, nhà khoa học và thấy đề xuất nào phù hợp với chiến lược của ngành mình và thực sự ứng dụng được vào trong sản xuất kinh doanh thì sẽ đặt hàng với Bộ KHCN để xây dựng một danh mục các công trình nghiên cứu cấp quốc gia.
Khi đó các đề tài khoa học sẽ được tuyển chọn hoặc giao trực tiếp cho các tổ chức cá nhân, các nhà khoa học tiến hành nghiên cứu.
Khi nghiên cứu xong sẽ bàn giao kết quả cho cơ quan đề xuất đặt hàng nghiên cứu, họ sẽ tiếp nhận kết quả đó để đưa vào ứng dụng sản xuất. Như vậy tỷ lệ ứng dụng của các nghiên cứu khoa học công nghệ sẽ cao hơn rất nhiều.
Trước đây chúng ta chỉ nghiên cứu những gì có thể nghiên cứu được theo sự đề xuất tự phát của cộng đồng khoa học. Bây giờ các các nhà khoa học sẽ chỉ nghiên cứu những vấn đề xã hội cần, nhà nước đặt hàng, và ai đặt hàng người đó sẽ phải chịu trách nhiệm đưa nghiên cứu vào ứng dụng.
Đi đôi với đặt hàng, nhà nước sẽ cấp kinh phí cho các đề tài dự án nghiên cứu thông qua Quỹ phát triển KH&CN, đơn giản thủ tục hành chính và cho áp dụng cơ chế khoán chi. Đây là sự thay đổi tư duy quan trọng nhất.
Thay đổi đáng kể nữa là nhà nước sẽ phải hỗ trợ cho nghiên cứu khoa học công nghệ theo chuỗi giá trị đến sản phẩm cuối cùng.
Trước đây nhà nước có thể đặt hàng nghiên cứu nhưng lại không đầu tư tiếp tục cho sản xuất thử nghiệm và sản xuất ra sản phẩm hàng hóa. Còn bây giờ qua hệ thống các chương trình quốc gia thì các nghiên cứu đều có mục tiêu và sản phẩm cụ thể.
Nhà nước không chỉ hỗ trợ cho các nhà khoa học trong giai đoạn nghiên cứu mà cả giai đoạn sản xuất thử nghiệm, sau đó nhà nước tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp có dự án đầu tư sử dụng các kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, làm sao ra được sản phẩm cuối cùng là sản phẩm hàng hóa phục vụ cho xã hội. Như hiện nay, do không có cơ chế nên họ thu mình lại và không dám bước chân vào nền kinh tế thị trường. Họ tự giam mình trong “tháp ngà” về khoa học.
Tuy nhiên, nguồn lực tài chính của nhà nước thì có hạn. Luật khoa học và công nghệ lần này đặt vấn đề tăng cường nguồn lực đầu tư của xã hội hay nói khác đi là đổi mới phương thức đầu tư.
Chúng ta không nên chỉ làm khoa học bằng tiền ngân sách, mà chúng ta phải hoạt động khoa học bằng tiền của xã hội, chủ yếu là tiền của các doanh nghiệp. Đây là kinh nghiệm của các quốc gia lân cận chúng ta cũng như các quốc gia phát triển, nhà nước bỏ ra 1 phần thì doanh nghiệp phải bỏ ra 3-4 phần.
Thậm chí như Hàn Quốc thì doanh nghiệp đầu tư cho khoa học công nghệ gấp 10 lần ngân sách nhà nước. Như vậy mới có được nguồn vốn dồi dào cho hoạt động nghiên cứu khoa học.
Các tập đoàn lớn của Hàn Quốc đều phải thành lập các viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu và họ đầu tư một tỷ lệ thích đáng cho hoạt động nghiên cứu. Như tập đoàn Samsung đầu tư cho trung tâm nghiên cứu của họ hàng năm trên 1 tỷ USD.
Việt Nam chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực này và hầu hết doanh nghiệp của chúng ta cũng chưa có ý thức đầu tư cho hoạt động nghiên cứu phát triển và đổi mới công nghệ.
Vì thế Luật khoa học và công nghệ lần này yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước phải đầu tư thích đáng cho hoạt động nghiên cứu khoa học thông qua quỹ phát triển khoa học công nghệ của doanh nghiệp, các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế cũng được khuyến khích làm như vậy.
Qua chủ trương này, chúng tôi hy vọng đầu tư cho khoa học công nghệ của các doanh nghiệp sẽ lớn gấp 2-3 lần đầu tư từ nhà nước.
- Ngay từ khi còn là lãnh đạo cấp Vụ, Bộ trưởng đã có những đề xuất táo bạo về giao cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho tổ chức KH&CN công lập. Bộ trưởng có cho là đây là những nền tảng để cởi trói cho khoa học công nghệ phát triển không?
Nói “cởi trói” thì hơi to tát một chút. Nhưng mà khi chúng ta bước vào nền kinh tế thị trường chúng ta phải đi theo quy luật của nó. Hoạt động khoa học công nghệ là hoạt động sáng tạo có mức độ tự do tối đa.
Vì thế chúng ta cũng phải để cho giới khoa học được quyền tự chủ nhất định trong hoạt động nghiên cứu.
Để được như vậy các viện, các trung tâm nghiên cứu của chúng ta phải thay đổi theo mô hình của nền kinh tế thị trường. Hay nói khác đi, nhà nước phải giao cho họ quyền tự chủ.
Hệ thống phòng không Việt Nam được đánh giá là phát hiện bất cứ kẻ thù nào xâm phạm không phận
Nhà nước phải đặt lòng tin vào giới khoa học. Các nhà khoa học Nhật Bản nói với chúng tôi: họ thành công vì nhà nước luôn tin tưởng vào họ, bảo vệ họ trước rủi ro nghề nghiệp.
Đi đôi với giao quyền tự chủ, nhà khoa học phải tự chịu trách nhiệm về hoạt động của mình. Như hiện nay, do không có cơ chế nên họ thu mình lại và không dám bước chân vào nền kinh tế thị trường. Họ tự giam mình trong “tháp ngà” về khoa học. Ví dụ nếu chúng ta có Quỹ đầu tư mạo hiểm, chắc chắn giới khoa học sẽ yên tâm hơn, vì hoạt động khoa học tiềm ẩn nhiều rủi ro, tỷ lệ thất bại rất cao.
Yên tâm với hệ thống quốc phòng
- Xin chúc mừng Bộ trưởng về những thành tựu đạt được. Tuy nhiên chúng ta cũng chưa thấy được những công trình thật sự rõ nét. Lấy ví dụ như an ninh quốc phòng. Việc bảo vệ đất nước trong bối cảnh quốc tế phức tạp, nhưng ta chưa chủ động về vũ khí mà phải phụ thuộc vào việc nhập khẩu tất cả các loại vũ khí của nước ngoài. Rồi trong lĩnh vực chinh phục không gian, chúng ta mới chế tạo được những vệ tinh rất nhỏ, hiện chúng ta phải đi nhập, và lắp ráp theo công thức. Bộ trưởng có nghĩ rằng với Luật khoa học và công nghệ mới, với những chính sách rất thoáng như hiện nay, chúng ta có sớm có những sản phẩm mang tính đột phá như vậy không?
Về quốc phòng, có những vấn đề thuộc bí mật quốc gia, chúng ta không thể công bố rộng rãi được, nhưng tôi chỉ xin nói là chúng ta đủ tiềm lực bảo vệ được vùng trời, vùng biển của chúng ta.
Chắc chắn không một đối tượng xâm nhập nào vào vùng trời của chúng ta mà không bị phát hiện, và trong tình trạng cần thiết, đối tượng không thể không bị tiêu diệt. Chúng ta có thể tự tin là hệ thống quốc phòng của Việt Nam hiện nay có thể đảm bảo an toàn, an ninh cho đất nước.
Chúng ta đang có những thế hệ máy bay chiến đấu mới nhất, rồi tàu ngầm tối tân đều do người Việt sử dụng, không phải như trong các giai đoạn trước đây thường chúng ta phải có chuyên gia nước ngoài vận hành kèm.
- Nhân đây xin được hỏi Bộ trưởng, liệu chúng ta có thể phát triển khoa học công nghệ để tiến tới xuất khẩu vũ khí được không?
Hiện nay chúng tôi chưa nghĩ đến vấn đề này. Bởi chắc chắn chúng ta rất khó cạnh tranh với các cường quốc vũ khí như Hoa Kỳ, Nga hay thậm chí là Trung Quốc. Nếu chúng ta sản xuất trang thiết bị vũ khí đủ để đảm bảo nền quốc phòng nước nhà thì đã là một sự nỗ lực rồi. Nhất là trong hệ thống phòng không, pháo tầm thấp và ra đa, chúng ta có thể hoàn toàn yên tâm với việc bảo vệ vùng trời. Mọi đối tượng xâm nhập đều có thể bị bắn hạ ngay từ loạt đạn đầu.
Tất nhiên hiện nay Việt Nam có sự hợp tác với các cường quốc trong việc sản xuất vũ khí. Nếu như ai đó quan tâm có thể thấy trang thiết bị, vũ khí của quân đội ta đã khác trước rất nhiều.
Tôi nói đơn giản như thiết bị thông tin quân sự hiện nay của chúng ta gần như là hoàn toàn của Việt Nam sản xuất. Hệ thống này đủ sức đảm bảo bí mật, an toàn cho hệ thống thông tin trong lực lượng vũ trang.
Còn vũ khí bộ binh, chúng ta gần như cũng đảm bảo được. Tất nhiên những trang thiết bị vũ khí lớn và hiện đại chúng ta vẫn phải nhập khẩu.
Nhưng song song đó, nhờ áp dụng thành tựu nghiên cứu sáng tạo của người Việt nam, chúng ta đã cải tiến được những vũ khí được sản xuất từ nhiều năm trước đây có tính năng không thua kém các loại vũ khí hiện đại mới được sản xuất hiện nay.
Nhất là trong hệ thống phòng không, pháo tầm thấp và ra đa, chúng ta có thể hoàn toàn yên tâm với việc bảo vệ vùng trời. Mọi đối tượng xâm nhập đều có thể bị bắn hạ ngay từ loạt đạn đầu.
Kỳ sau: Bao giờ Việt Nam có Samsung, Hyundai?
Hải Hà - Việt Tú (thực hiện)
Bình luận