• Zalo

Bộ trưởng Công thương trả lời về hàng tồn kho

Kinh tếThứ Hai, 12/11/2012 11:22:00 +07:00Google News

(VTC News) - Hàng tồn kho là vấn đề đầu tiên các đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng.

(VTC News) - Hàng tồn kho là vấn đề đầu tiên các đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng.

Sáng nay (12/11), Trưởng Ban dân nguyện của Ủy ban thường vụ Quốc hội Nguyễn Đức Hiền trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII.

Sau đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2 và thứ 3.

Báo cáo của Phó Thủ tướng kết thúc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng là Bộ trưởng đầu tiên trả lời chất vấn.

Trong kỳ họp này, Thường vụ đã thống nhất danh sách chất vấn bao gồm Thủ tướng Chính phủ và 4 vị bộ trưởng, trưởng ngành là: Bộ trưởng Công thương, Xây dựng, Y tế và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Sáng thứ tư (14/11), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ kết thúc 2 ngày rưỡi chất vấn - hoạt động nóng nhất ở mỗi kỳ Quốc hội.

Ngay đầu phiên chất vấn, các đại biểu đã “làm khó” bằng các câu hỏi có chất lượng, theo đánh giá của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.

Đại biểu Trương Minh Hoàng (Đồng Nai) là người đầu tiên chất vấn với các vấn đề xoay quanh hàng tồn kho. Ông Hoàng nhận xét hàng tồn kho lớn do nhiều nguyên nhân, trong đó có dự báo kém của cơ quan chức năng, quy hoạch không tốt, tham nhũng đẩy giá lên cao khiến hàng khó tiêu thụ… Ông Hoàng hỏi, trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Công thương như nào, Bộ cần có giải pháp đột phá nào để giải quyết vấn đề hàng tồn kho.


Theo Bộ trưởng, tại kỳ họp thứ 3, hàng tồn kho đã được Chủ tịch Quốc hội kết luận là công việc hết sức cấp thiết, cần được các cấp, các ngành quan tâm giải quyết.

Bộ trưởng Bộ Công thương khẳng định trong thời gian qua, kể từ kỳ họp thứ 3 đến nay, với sự với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, đặc biệt sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, việc thực hiện nhóm giải pháp đã có tác dụng. Tình hình giải quyết hàng tồn kho có chuyển biến.

Bộ trưởng cho biết tính đến 1/6/2012, chỉ số hàng tồn khi công nghiệp chế biến chế tạo là 26% thì đến 1/10/12 chỉ số này giảm xuống còn 20%, thấp hơn nhiều nếu so với chỉ số tồn kho của thời điểm 1/10/2011.

Bộ trưởng cho biết thêm, hiện nay tồn kho lớn tập trung ở các mặt vật liệu xây dựng, sắt thép, phân bón và than đá. Bộ đã báo cáo và các Bộ, ngành, doanh nghiệp đã có hướng xử lý.

Theo Bộ trưởng, tồn kho than đá hiện nay là 6,5 triệu tấn than quy chuẩn. Ngành than thực hiện giảm giá than cho một số hộ tiêu thụ. Đặc biệt, Chính phủ góp phần xử lý tồn kho than bằng cách giảm thuế xuất khẩu từ 20% xuống 10%. Cuối năm, dự kiến đưa mức tồn kho than về mức bình thường là 15%.

Tồn kho của ngành thép là 190 ngàn tấn. Bộ trưởng đánh giá đây là con số tương đối cao. Hàng tồn kho thép cao do sản xuất trong nước thời gian qua chưa được kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ. Công suất nhà máy thép dư thừa, thép nhập ngoại tăng do giá thấp hơn. Bộ Công thương phối hợp Bộ Tài chính tiếp tục cấp giấy phép tự động với ngành xây dựng để khống chế thép nhập khẩu, điều chỉnh thuế xuất thép nhập khẩu.

Về phân bón, Bộ trưởng cho biết tồn kho phân đạm, phân PK khá lớn. Tuy nhiên, bà con nông dân đang bước vào vụ đông xuân, lượng tiêu thụ sẽ cao hơn nên không quá lo lắng về tồn kho phân bón.

Về tồn kho vật liệu xây dựng, Bộ trưởng cho biết đây là vấn đề có liên quan đến bất động sản, công trình xây dựng. Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính tăng cường đẩy nhanh dự án đầu tư công, tháo gỡ khó khăn cho bất động sản. Bộ trưởng tin rằng trong thời gian tới, vướng mắc hàng tồn kho về vật liệu xây dựng, bất động sản tháo gỡ từng bước.

Sau giờ giải lao, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trả lời thêm câu hỏi của đại biểu Hoàng. Theo Bộ trưởng, hàng tồn kho lớn có có nguyên nhân quy hoạch kém. Ví dụ quy hoạch sắt thép có bất cập. Nhu cầu với bố trí sản xuất không đồng đều dẫn đến dư thừa. Đây là điểm yếu trong công ty quản lý nhà nước, thực hiện kiểm tra.

Vấn đề công tác dự báo, theo Bộ trưởng còn hạn chế, thậm chí yếu kém. Trong này có vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước. Các cơ quan này cần có cảnh báo cho doanh nghiệp. Khi thấy có tình hình dẫn đến dư thừa, cơ quan cần nhắc nhở doanh nghiệp khi cung quá lớn, không để tình trạng cứ sản xuất, không tính đến tiêu thụ. Bản thân doanh nghiệp cũng thiếu chủ động phân tích để điều chỉnh sản xuất.

Trong thời gian qua, một số doanh nghiệp quan tâm hơn, chủ động bố trí sản xuất nên tồn kho một số mặt hàng giảm hơn. Theo Bộ trưởng, nguyên nhân hàng tồn kho thì đã rõ, cần tập trung giải quyết. Trong đó, tập trung vào chất lượng quy hoạch, dự báo.

Bảo Linh

Bình luận
vtcnews.vn