Dù trần lãi suất huy động của các ngân hàng chỉ còn 14%/năm nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn đang phải vay với lãi suất cao từ 21% - 22%/năm.
Gần một tháng nay, nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn TPHCM cho biết lãi suất cho vay thực tế vẫn không đổi. Thậm chí, một số DN sau khi đáo hạn muốn vay tiếp còn phải trả cao hơn mức lãi suất cũ.
Đã cao còn khó tiếp cận
Ông Phạm Ngọc Châu, Phó Tổng Giám đốc Hancofood, cho biết không riêng gì công ty ông mà rất nhiều DN hiện không thể tiếp cận nguồn vốn ưu đãi theo các chương trình hỗ trợ lãi suất. Bất đắc dĩ DN mới phải vay vốn ngân hàng (NH) bởi lãi suất cao, không kham nổi. Ngoài áp lực lãi vay cao, hiện các NH chủ yếu cho vay ngắn hạn, tiền vay được chưa kịp quay vòng DN đã phải chạy đôn chạy đáo tìm nguồn tiền đáo hạn. Nhiều DN nói vui rằng, NH đang giống như một tiệm cầm đồ lớn, cho vay ngắn hạn và buộc DN đi vay phải có tài sản thế chấp.
Đã vào mùa sản xuất hàng phục vụ Tết nhưng các DN còn khá e dè vì không dự đoán được sức mua năm nay, sợ hàng làm ra tồn kho nhiều trong khi lãi vay NH phải từ 21% - 22%/năm. Theo giám đốc một DN may trên địa bàn TPHCM, với mức lãi suất hiện tại cộng với sức mua thị trường giảm sút, DN không dám sản xuất nhiều vì càng làm càng không có lãi và dễ “ôm sô”.
Không chỉ DN sản xuất mà các DN kinh doanh, phân phối cũng gặp khó vì thiếu vốn. Bà Trần Thị Minh, giám đốc một chuỗi siêu thị mini trên địa bàn TPHCM, than kế hoạch mở thêm chi nhánh trong quý IV này đã bị đình lại vì chi phí mặt bằng, vốn quá cao. Nửa tháng trước, bà đến một NH thương mại lớn đáo hạn 800 triệu đồng, tưởng sẽ được hưởng lãi suất giảm như thông báo của nhiều NH, ai ngờ lãi suất còn tăng thêm 1%/năm…Tại các ngân hàng trần lãi suất huy động đã đồng loạt giảm mạnh về mức 14%/năm. Ảnh: HỒNG THÚY
Giảm lãi vay đột ngột sẽ… lỗ?
Phó tổng giám đốc một NH cho hay NH ông đang triển khai gói ưu đãi cho các DN xuất khẩu, nông lâm thủy sản, chế biến lương thực… với lãi suất 17,6%/năm. Tuy nhiên, DN muốn được hưởng mức lãi suất ưu đãi của NH này phải đáp ứng các điều kiện như bán lại toàn bộ ngoại tệ thu được từ xuất khẩu cho NH theo giá niêm yết; phải quan hệ lâu dài với NH; có phương án kinh doanh khả thi… Vì thế, chuyện một số DN không tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ cũng không lạ bởi điều kiện đi kèm rất nhiều. Chưa kể, giá trị các gói ưu đãi chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ trong tổng nguồn vốn tín dụng cho vay.
Lý giải vì sao lãi suất cho vay chưa giảm trong khi lãi suất đầu vào đã đồng loạt giảm về 14%/năm, các NH thương mại cho rằng lượng vốn huy động với lãi suất cao lên tới 18% - 19%/năm (trước khi có Chỉ thị 02/CT-NHNN ngày 7-9) đến nay vẫn chưa được “tiêu hoá” hết khiến lãi vay khó giảm mạnh. Các NH chỉ mới thực hiện nghiêm trần lãi suất 14%/năm khoảng một tháng nay, trong khi lãi suất huy động thỏa thuận với khách hàng, kỳ hạn kéo dài 3-4 tháng. “Các NH không thể giảm lãi vay đột ngột bởi như vậy sẽ bị… lỗ” – đại diện một NH giải thích.
Ông Nguyễn Thanh Toại, Phó Tổng Giám đốc ACB, cho biết thời gian tới, nếu vốn rẻ tiếp tục chảy vào, các NH sẽ tự động giảm dần lãi suất cho vay.
Lãnh đạo một NH khác thì cho rằng nguồn tiền chuyển vào vàng đang tăng. Lượng vàng bán ra thị trường lên tới gần chục tấn quy đổi ra tiền đồng là con số không nhỏ… cho thấy dòng tiền đang bị hút khỏi các NH. Lãi suất trên thị trường liên NH cũng nhảy vọt lên 19%/năm kỳ hạn một tuần và 22%/năm kỳ hạn một tháng.... chứng tỏ một số NH đang thiếu thanh khoản phải vay mượn NH bạn với lãi suất cao. Với các nguyên nhân này, lãi suất cho vay khó lòng giảm mạnh.
Thống kê của NH Nhà nước về hoạt động của hệ thống NH trong quý III cho thấy lãi suất cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu phổ biến ở mức 17% - 19%/năm; lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh thông thường từ 17% - 21%/năm và lãi vay lĩnh vực phi sản xuất vẫn khá cao từ 22% - 25%/năm. |
Theo Nld.com
Bình luận