Doanh nghiệp kêu tốn kém, khó thực hiện
Trong đơn phản ánh gửi Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ sáng 3/12, các doanh nghiệp và cửa hàng bán lẻ cho biết: Vừa qua, Chính phủ, Bộ Tài chính đã chỉ đạo cho doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu (DNBL) phải đầu tư trang thiết bị và xuất hóa đơn điện tử (HĐĐT) từng lần bán hàng theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP của Chính phủ.
Nghị định số 123 quy định rõ: "Thời điểm lập hóa đơn điện tử đối với trường hợp bán xăng, dầu tại các cửa hàng bán lẻ cho khách hàng là thời điểm kết thúc việc bán xăng, dầu theo từng lần bán”.
"Như vậy, mỗi lần bơm xăng dầu bán hàng được xuất 1 HĐĐT riêng biệt, bao gồm thông tin về sản phẩm, giá cả, thông tin thanh toán và thông tin về khách hàng, bất kể là bơm thử, bơm phục vụ cho công tác kiểm định hay kiểm tra và không phân biệt giá trị mua hàng. Đây là điều gây khó khăn cho các doanh nghiệp", nội dung đơn trình bày.
Các doanh nghiệp cho rằng, việc áp dụng đúng như nội dung Nghị định 123 thì doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn:
Thứ nhất, về nhân lực, nhân viên bán xăng chưa được tập huấn nên gặp khó khăn khi vừa bán hàng vừa thực hiện xuất HĐĐT và theo dõi quản lý hệ thống HĐĐT quá phức tạp này.
Thứ hai, về trang thiết bị theo quy định tại Điều 1 Thông tư số 08/2018/TT-BKHCN, từ ngày 1/7/2019, cột đo xăng dầu phải có thiết bị ghi, in kết quả đo để in và cung cấp kết quả đo cho khách hàng khi có yêu cầu.
Thực hiện quy định này, hầu hết DN trên toàn quốc phải bỏ tất cả các đầu số điện tử của trụ bơm đang còn sử dụng để gắn đầu số điện tử mới tương thích với việc gắn được máy in.
Nội dung đơn của ông Giang Chấn Tây - Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc - trình bày: “Cả nước hiện có khoảng 17.000 cửa hàng thì con số đầu tư cho trang thiết bị tầm khoảng 7.000 tỷ đồng. Chi phí cho HĐĐT từng lần sẽ cực kỳ lớn và tiêu tốn tiền HĐĐT của DN gấp hàng trăm lần như hiện tại. Điều này cực kỳ lãng phí khi phải bỏ tất cả các đầu số đang còn giá trị sử dụng lâu dài”.
Trong khi đó, nội dung đơn của ông Đặng Hoài Phương - Giám đốc Công ty Xăng dầu Phương Nam cho thấy, theo tính toán của Bộ Công Thương, mỗi cửa hàng khi xuất HĐĐT sẽ phải bỏ chi phí khoảng 400 triệu đồng tới trên 1 tỷ đồng để trang bị phần mềm, thay thế cột bơm và phần cứng bộ tính đo đếm trong cửa hàng xăng, dầu (chưa bao gồm chi phí giao dịch phát sinh cho từng lần xuất hóa đơn).
“Như vậy, quy định này gây lãng phí xã hội và không phù hợp với tình hình thực tế cũng như xu hướng phát triển trong tương lai”, ông Đặng Hoài Phương nhận định.
Theo đánh giá của các doanh nghiệp, về Tài chính, hầu hết DN đang bị thua lỗ kiệt quệ, mà lỗ thì ngân hàng hạn chế hoặc không cho vay. Nay lại đi vay để đầu tư một dự án chỉ gây lãng phí, không mang lại lợi ích, chắc chắn ngân hàng sẽ không xem xét cho vay. Mỗi lần nhấc máy bơm phải xuất 1 hóa đơn có giá từ 450 - 550 đồng, DN đang phải mua bằng tiền mặt mà không mang lại lợi ích gì cho thu nhập của DN.
"Việc áp dụng công nghệ là phải có lộ trình và còn tùy thuộc vào nguồn lực tài chính của DN cả nước. Do vậy, việc áp dụng HĐĐT từng lần là chưa rõ ràng so với chi phí bỏ ra quá lớn và không phù hợp với tài chính của DN cũng như trình độ của nhân viên quản lý hiện nay. Do vậy, chúng tôi đề nghị Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ có giải pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp", đơn của ông Giang Chấn Tây nêu.
Ông Văn Tấn Phụng - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần thương mại dầu khí Đồng Nai - cho biết, việc xuất HĐĐT là việc 100% doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đã và đang thực hiện. Tuy nhiên, theo thói quen và nhu cầu nên người mua lẻ không nhận hóa đơn.
"Trường hợp này DN tổng hợp xuất HĐĐT vào cuối ngày, vẫn đảm bảo sổ sách kế toán khớp giữa hóa đơn đầu vào, đầu ra và hàng tồn kho, kể cả khớp với số cơ của trụ bơm mà cơ quan thuế đang đến cửa hàng xăng dầu ghi nhận hàng quý, bởi xăng dầu có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Do vậy, DN chúng tôi kiến nghị Thủ tướng, Bộ Tài chính nên để doanh nghiệp bán lẻ thực hiện xuất HĐĐT như hiện nay mà không xuất theo từng lần bán hàng”, ông Văn Tấn Phụng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần thương mại dầu khí Đồng Nai nói.
Triển khai quyết liệt, chống thất thu thuế
Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính có công điện yêu cầu cơ quan thuế, công an tăng cường thanh tra, kiểm tra việc lập hóa đơn điện tử tại các cửa hàng xăng dầu.
Công điện của Thủ tướng yêu cầu cơ quan thuế các cấp tiếp tục đẩy mạnh và đa dạng hóa các biện pháp, giải pháp tuyên truyền đến người nộp thuế, các cửa hàng, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu quy định về phát hành hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng.
Bộ Tài chính cũng được yêu cầu phối hợp với Bộ Công Thương, các Bộ, ngành, địa phương triển khai ngay các giải pháp giám sát kinh doanh xăng dầu lập hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu và kết nối dữ liệu với cơ quan thuế theo quy định. Chính phủ yêu cầu hoàn thành trong tháng 12/2023.
Người đứng đầu Chính phủ giao Bộ Tài chính chỉ đạo cơ quan thuế phối hợp cơ quan công an và các cơ quan liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra việc lập hóa đơn điện tử tại các cửa hàng xăng dầu. Cần bảo đảm đúng quy định pháp luật, xử lý nghiêm theo pháp luật nếu không thực hiện hoặc cố tình không thực hiện.
Với Bộ trưởng Công Thương, Thủ tướng yêu cầu chỉ đạo cơ quan quản lý thị trường thực hiện giám sát chặt chẽ, tổ chức kiểm tra, thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật về kinh doanh xăng dầu.
"Xử lý nghiêm, kịp thời mọi hành vi vi phạm các quy định về điều kiện kinh doanh xăng dầu", công điện nêu rõ. Đồng thời, phối hợp với cơ quan thuế kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm pháp luật về hóa đơn điện tử theo từng lần bán của đơn vị.
Lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh, những yêu cầu trên nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý thuế, ngăn ngừa các hành vi gian lận, trốn thuế, chống thất thu thuế.
Tại công điện, Thủ tướng cũng yêu cầu các tỉnh, thành phố nắm bắt thực trạng triển khai hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng để tham mưu, đề xuất giải pháp thực hiện.
Bình luận