• Zalo

Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu kêu thua lỗ kéo dài, lại 'cầu cứu' Thủ tướng

Thị trườngThứ Sáu, 27/10/2023 15:46:02 +07:00Google News
(VTC News) -

Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Bội Ngọc đại diện cho hàng trăm doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu có đơn gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc bị chiết khấu 0 đồng.

Trong đơn ngày 27/10 gửi Thủ tướng, ông Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Bội Ngọc (Trà Vinh) cho biết, hiện doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu luôn trong trạng thái hoạt động bấp bênh, thua lỗ và khó khăn về tài chính do thường xuyên bị chiết khấu 0 đồng.

Nghị định 95 và Thông tư 104 của Bộ Tài chính đã quy định chi phí kinh doanh định mức trong giá thành cơ sở xăng dầu bao gồm cả khâu bán buôn và bán lẻ. Thế nhưng, thực tế các đầu mối phân chia không đúng quy định, doanh nghiệp bán lẻ vẫn thường xuyên bị nhận chiết khấu 0 đồng.

Theo ông Tây, kẽ hở là quy định của Bộ Tài chính không nêu rõ tỷ lệ phân chia chi phí này trong Nghị định và Thông tư nên doanh nghiệp đầu mối đã gom hết khi lỗ và khi lời thì bù lỗ các khoản lỗ của kỳ trước chưa bù lỗ hết, đồng thời thực hiện chính sách chiết khấu ban phát tùy thích. Điều này đã đẩy doanh nghiệp bán lẻ đến bên bờ vực phá sản.

"Vậy chi phí định mức này đang ở đâu và ai đã hưởng phần chi phí này? Doanh nghiệp bán lẻ nhận chiết khấu 0 đồng có nghĩa là họ hoàn toàn không được chia", ông Tây đặt câu hỏi.

Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cho rằng họ thường xuyên bị chiết khấu 0 đồng. (Ảnh minh họa: Công Hiếu).

Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cho rằng họ thường xuyên bị chiết khấu 0 đồng. (Ảnh minh họa: Công Hiếu).

Ông Tây cho biết, các doanh nghiệp nhiều lần yêu cầu các bộ quản lý điều hành phân chia chi phí các khâu rõ ràng hơn, khâu nào bao nhiêu phải cụ thể. 

Mới đây, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện việc rà soát, tổng hợp, thống kê các chi phí liên quan đến kinh doanh xăng dầu. Thế nhưng theo thông tin Dự thảo sửa đổi Nghị định kinh doanh xăng dầu cập nhật, cơ quan soạn thảo đã không đưa vào quy định chi phí này.

Theo ông Tây, điều này có thể khiến hiệu quả của việc sửa đổi nghị định là không đáng kể và bất ổn trên thị trường xăng dầu vẫn tiếp diễn, doanh nghiệp bán kẻ vẫn sẽ đối mặt nhiều khó khăn trong tương lai. Một năm qua, khi kinh doanh xăng dầu, họ phải tự bỏ ra các khoản chi phí về điện, nước, lương, hao hụt, sửa chữa, lãi vay...trong khi không được hưởng chiết khấu.

"Quy định hiện tại tạo kẽ hở cho doanh nghiệp đầu mối chèn ép doanh nghiệp bán lẻ, tạo xung đột lợi ích trong hệ thống kinh doanh xăng dầu không đáng có...", ông Tây nêu quan điểm.

Năm ngoái, nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cũng đã liên tục gửi đơn "cầu cứu" Thủ tướng và các bộ ngành liên quan về việc góp ý, sửa đổi Nghị định 83/2014 và Nghị định 95/2021 về kinh doanh xăng dầu. Trong đó, các doanh nghiệp đề nghị Bộ Tài Chính, Công Thương đưa ra mức cụ thể về chi phí định mức, mức chiết khấu tối thiểu cho doanh nghiệp bán lẻ.

PHẠM DUY
Bình luận
vtcnews.vn