• Zalo

Tràn lan nền tảng phim trực tuyến: Khán giả Việt đang bị 'đầu độc' thế nào?

Sao ViệtThứ Năm, 30/09/2021 13:56:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Những bộ phim khai thác đời sống tình dục, xuyên tạc lịch sử, vi phạm chủ quyền Việt Nam được chiếu trên những nền tảng xuyên biên giới và chúng ta chưa thể quản lý.

Trong những ngày giãn cách xã hội, người dân chủ yếu chỉ ở nhà. Thú tiểu khiến lớn nhất của họ là lướt mạng, xem TV. Và chỉ cần một chiếc điện thoại, một chiếc TV hay laptop là có thể truy cập vào vô số các nền tảng trực tuyến cung cấp các dịch vụ giải trí với đủ các loại phim và chương trình truyền hình, đủ thể loại, dành cho đủ lứa tuổi, không cắt xén, không làm mờ.

Khán giả đang bị đầu độc thế nào?

Hiện tại, có rất nhiều nền tảng trực tuyến, dịch vụ xem phim trả tiền xuyên biên giới đang hoạt động tại Việt Nam, ví dụ như iFlix của Anh, iQIYI và WeTV, đặc biệt là Netflix. Bên cạnh đó, còn có rất nhiều những nền tảng khác đang lăm le tiến vào như Apple TV, Amazon, Disney+…

Netflix có mặt tại thị trường Việt Nam từ năm 2016. Từ năm 2019, tất cả các bộ phim trên hệ thống để được chuyển ngữ sang tiếng Việt. Trong thời gian hoạt động vừa qua, nền tảng này đã nhiều lần công chiếu những bộ phim gây tranh cãi dữ dội trong công chúng, thậm chí, có những bộ phim xuyên tạc lịch sử, vi phạm chủ quyền của Việt Nam.

Ngày 25/6/2021, Cục Phát thanh, Truyền hình vàThông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) phát hiện các hình ảnh sai trái về chủ quyền biển, đảo của Việt Nam xuất hiện trong các tập phim của bộ phim truyền hình Pine Gap của Netflix. Cục đã có văn bản yêu cầu Netflix gỡ bỏ bộ phim.

Lần thứ ba liên tiếp trong 12 tháng qua, Netflix bị phát hiện cung cấp phim, chương trình truyền hình có nội dung vi phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam đến người sử dụng tại Việt Nam.

Đây đã là lần thứ ba liên tiếp trong 12 tháng qua, Netflix bị phát hiện cung cấp phim, chương trình truyền hình có nội dung vi phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam đến người sử dụng tại Việt Nam.

Trước đó, Netflix chiếu bộ phim Madam Secretary, trong một cảnh quay, phim chú thích Hội An thành địa danh Trung Quốc. Hay trong bộ phim Hoa ngữ Gửi thời thanh xuân ấm áp của chúng ta (Put Your Head On My Shoulder) chiếu trên Netflix có cảnh một nhân vật chỉ vào màn hình TV đang phát dự báo thời tiết, trên đó có bản đồ đường lưỡi bò.

Netlix cũng từng công chiếu bộ phim có nội dung xuyên tạc về cuộc kháng chiến chống Mỹ của Việt Nam trong một bộ phim tài liệu.

Tràn lan nền tảng phim trực tuyến: Khán giả Việt đang bị 'đầu độc' thế nào?  - 1

Cảnh phim Madam Secretary "biến" Hội An thành một địa danh của Trung Quốc.

Những bộ phim gây tranh cãi dữ dội trên thế giới cũng dễ dàng tiếp cận với công chúng Việt trên nền tảng trực tuyến. Tháng 9/2020, Netflix này công chiếu bộ phim Cuties (Vũ công nhỏ đáng yêu). Trong phim, có nhiều cảnh quay không phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi, thậm chí có nhiều lo ngại cho rằng tác phẩm sẽ trở thành "thú vui của những kẻ ấu dâm". Một bộ phận lớn khán giả cho rằng nền tảng trực tuyến này đang bình thường hóa nạn ấu dâm.

Trên thế giới, bộ phim này nhận phải sự chỉ trích rất khủng khiếp, thậm chí, nó khởi đầu cho một phong trào mang tên Cancel Netflix (tẩy chay Netflix).

Netflix chiếu phim 365 Days. Nội dung phim xoay quanh việc một phụ nữ bị bắt cóc và giam giữ bởi một tên mafia. Khi mọi nỗ lực trốn thoát đều thất bại, cô gái lại rơi vào cuộc phiêu lưu tình ái đầy đam mê và lãng mạn với chính tên tội phạm này.

Nữ ca sĩ Duffy - người từng bị bắt cóc và cưỡng hiếp đau đớn gửi một bức thư ngỏ cho CEO của Netflix: “Tôi không muốn là người phải viết cho ông những lời sau đây, nhưng trách nhiệm thôi thúc tôi phải lên tiếng, bởi những trải nghiệm đau đớn tôi từng phải trải qua chính là thứ được các vị gọi là tình ái trưởng thành’”.

Theo Duffy cho rằng: “365 Days thi vị hóa thực tế tàn bạo của nạn buôn bán tình dục, bắt cóc và hiếp dâm". Nữ ca sĩ khẳng định:“Tôi thất vọng vì Netflix đã dung túng cho thứ ‘điện ảnh’ như thế: một vụ bắt cóc bị tình ái hóa, bạo lực tình dục được tô hồng, và buôn người được coi như quyến rũ". Duffy tuyên bố ứng dụng xem phim trực tuyến này “vô trách nhiệm” khi trình chiếu phim 365 Days.

Công chúng tại nhiều nước trên thế giới và ngay cả ở Mỹ, nơi Netflix ra đời cũng nhiều lần bày tỏ sự tức giận với các nội dung được trình chiếu trên Netfix. Tuy nhiên, nền tảng trực tuyến này vẫn phớt lờ.

Tràn lan nền tảng phim trực tuyến: Khán giả Việt đang bị 'đầu độc' thế nào?  - 2

"365 ngày" lãng mạn hóa mối tình giữa một tên mafia và cô gái mà hắn bắt cóc.

Quản lý... sự đã rồi?

Sau khi phát hiện ra Netflix chiếu các bộ phim vi phạm chủ quyền, lãnh thổ của Việt Nam, các cơ quan quản lý đã phản ánh với Netflix và yêu cầu gỡ bỏ.

Chúng ta kiểm soát kỹ các chương trình, các bộ phim trong nước nhưng dường như lại bất lực trước việc khán giả Việt đang bị đầu độc bởi các nền tảng trực tuyến xuyên biên giới.

Tuy nhiên, điều này khiến dư luận đặt câu hỏi: Khi chúng ta đang quản lý sự đã rồi thì hiệu quả là bao nhiêu? Đã có bao nhiêu người xem bị đầu độc bởi những hình ảnh trên trước khi cơ quan quản lý lên tiếng?

Cục Phát thanh truyền hình - Thông tin Điện tử từng có công văn gửi Netflix, trong đó nêu rõ nội dung Netflix cung cấp đến người dùng Việt Nam đang vi phạm các quy định pháp luật hiện hành. Nhiều bộ phim được phát trên nền tảng trực tuyến này có nội dung không được biên tập phù hợp truyền thống văn hóa, thuần phong mỹ tục Việt Nam. Việc chuyển ngữ tiếng Việt sử dụng từ thô tục, phá hoại tính trong sáng của tiếng Việt, không phù hợp với đối tượng khán giả là trẻ em.

Tuy nhiên, Netflix chỉ gỡ bỏ những phim liên quan tới chủ quyền lãnh thổ, chính trị, lịch sử, còn những phim có yếu tố khiêu dâm, bạo lực, nhạy cảm thì Netfix vẫn giữ lại.

Tràn lan nền tảng phim trực tuyến: Khán giả Việt đang bị 'đầu độc' thế nào?  - 3

Một trong những bộ phim của Netflix bị công chúng thế giới phản đối dữ dội.

Các bộ phim điện ảnh, các chương trình phát thanh truyền hình ở Việt Nam phải chịu sự quản lý chặt chẽ về nội dung. Chỉ cần có yếu tố bạo lực, vi phạm thuần phong mỹ tục hoặc thậm chỉ là sử dụng các ngôn từ lóng, chửi thề cũng sẽ bị tuýt còi. Các bộ phim điện ảnh, dù có được vinh danh tại các giải thưởng quốc tế nhưng nếu bị đánh giá không phù hợp, muốn được ra rạp ở Việt Nam cũng phải biên tập, chỉnh sửa lại.

Chúng ta kiểm soát kỹ các chương trình, các bộ phim trong nước nhưng dường như lại bất lực trước việc khán giả Việt đang bị đầu độc bởi các nền tảng trực tuyến xuyên biên giới.

Cần bổ sung luật để tạo sân chơi công bằng

Vấn đề quản lý nội dung, thu phí đối với các nền tảng truyền hình trả tiền nước ngoài hoạt động tại Việt Nam đã được đặt ra trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội vào cuối năm 2020.

Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng thừa nhận, đây là vấn đề gây bức xúc: "Các doanh nghiệp Việt Nam phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thuế, luật pháp trong khi đó một số nền tảng xuyên biên giới không thuế, không luật pháp, cạnh tranh không cân bằng".

"Thuê bao của Netflix quý 1- 2020 tại Việt Nam tăng 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Netflix có nhiều nội dung vi phạm quy định pháp luật Việt Nam như pháp luật về báo chí, điện ảnh, trẻ em, cụ thể là phản ánh sai trái lịch sử, ví dụ như loạt phim về chiến tranh Việt Nam, xuyên tạc về chủ quyền lãnh thổ Việt Nam như Madam Secretary, có nội dung bạo lực, sử dụng ma túy, khiêu dâm..." - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ.

Khi dịch COVID-19 bùng phát, Netflix càng phát triển mạnh. Lượng người đăng ký xem tăng lên chóng mặt. Ở Việt Nam hiện nay, Netfilx hiện có khoảng hơn 300.000 thuê bao. Mỗi thuê bao phải trả 180.000 - 260.000 đồng/tháng. Như vậy ước tính Netflix đang thu về hàng trăm tỷ đồng mỗi năm tại riêng thị trường Việt Nam.

Tuy nhiên, việc quản lý và đánh thuế đơn vị này đang gặp rất nhiều khó khăn, bởi lẽ, giống như các nền tảng trực tuyến khác, dù có doanh thu ở Việt Nam nhưng máy chủ và cơ sở hoạt động kinh doanh của họ lại đều ở nước ngoài.

Hoàng Anh
Bình luận
vtcnews.vn