• Zalo

10 sự kiện, vấn đề nổi bật của đất nước năm 2019

Thời sựThứ Sáu, 27/12/2019 15:46:30 +07:00Google News
(VTC News) -

Đài Tiếng nói Việt Nam bình chọn 10 sự kiện, vấn đề nổi bật của đất nước năm 2019.

1. Thực hiện thành công mục tiêu “kép”: vừa giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, vừa thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và chất lượng tăng trưởng 

Chính phủ chỉ đạo quyết liệt việc đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững, không ngừng đổi mới sáng tạo, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; nâng cao năng suất chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh quốc gia.

Chúng ta đã đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội mà Quốc hội giao, nhiều chỉ tiêu cán đích sớm. Đạt mức tăng trưởng GDP cao hơn  7%, mức cao nhất trong một thập kỷ qua. Nhiều kỷ lục khác cũng được xác lập, như kim ngạch xuất nhập khẩu cán mốc 500 tỷ USD, xuất siêu 9,1 tỷ USD và là năm thứ 4 liên tiếp xuất siêu.

10 sự kiện, vấn đề nổi bật của đất nước năm 2019 - 1

Dự báo, tốc độ tăng trưởng GDP Việt Nam sẽ đạt khoảng 7%/năm trong giai đoạn 2021-2025.

Đáng lưu ý, dù tăng trưởng cao, Việt Nam vẫn duy trì được ổn định kinh tế vĩ mô, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ tăng 2,57% so với năm ngoái, đây là mức tăng thấp nhất trong 3 năm trở lại đây.

2. Kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người, gắn với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng

50 năm thực hiện Di chúc của Bác Hồ là một chặng đường lịch sử quan trọng trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam do Ðảng lãnh đạo, khẳng định dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân ta luôn đoàn kết một lòng, kiên định con đường dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh đã lựa chọn, xây dựng đất nước phồn vinh, nhân dân hạnh phúc, ấm no…

10 sự kiện, vấn đề nổi bật của đất nước năm 2019 - 2

 

Việc thực hiện Di chúc của Bác gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI và XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh góp phần làm cho Đảng ta thực sự vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức.  

3. Đổi mới, kiện toàn và tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII); sửa đổi, bổ sung Luật cán bộ, công chức; Luật viên chức; Luật tổ chức Chính phủ; Luật tổ chức chính quyền địa phương..., cả nước đã bước đầu giảm được 5 đơn vị hành chính cấp huyện, trên 560 đơn vị hành chính cấp xã; giảm 4 đầu mối trực thuộc Trung ương, hàng trăm đầu mối trực thuộc cấp huyện, 7 tổng cục và tương đương, 81 cục, vụ và tương đương, 73 đơn vị sự nghiệp ở Trung ương; giảm hơn 2.600 phòng và tương đương; giảm hơn 2.000 đội thuộc chi cục; giảm hơn 4.160 đơn vị sự nghiệp công lập, 2.200 đầu mối trong các đơn vị sự nghiệp công lập; giảm gần 15.200 cấp trưởng, cấp phó. Một số cấp ủy và đơn vị như Quân ủy Trung ương, Đảng ủy Công an Trung ương đã có cách làm quyết liệt, khoa học, hiệu quả.

Trong 2 năm qua, nhất là năm 2019, cả nước đã tinh giản được 236.039 người, mỗi năm giảm ít nhất 10.000 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước. Công tác tổ chức bộ máy và cán bộ gắn với chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng được tiến hành đồng bộ, chặt chẽ.

4. Công tác phòng, chống tham nhũng được đẩy mạnh, đạt kết quả quan trọng

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước kiên quyết phòng chống nạn tham nhũng, tiêu cực. Hàng trăm bị can, bị cáo trong nhiều vụ án kinh tế lớn, nhất là tội phạm tham nhũng đã bị xét xử, trong đó nhiều cán bộ cao cấp và một số tướng lĩnh công an, quân đội.

Để tăng cường kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 205/QĐ-TW. Đây là bước cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị về xây dựng Đảng và công tác cán bộ.

5. Nhiều thành tựu trong lĩnh vực đối ngoại

Việt Nam được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc với số phiếu gần như tuyệt đối (192/193 phiếu); tiếp nhận chức Chủ tịch ASEAN năm 2020; Tổ chức chu đáo, đầy trách nhiệm Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ 2. 

10 sự kiện, vấn đề nổi bật của đất nước năm 2019 - 3

Việt Nam được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc với số phiếu gần như tuyệt đối.

Hội nhập quốc tế và ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển có bước đột phá, triển khai Hiệp định CPTPP; ký kết Hiệp định tự do thương mại với EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư.

6. Ngành Nông nghiệp chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa quy mô lớn, nâng cao năng suất, chất lượng

Lần đầu tiên trong lịch sử, nông nghiệp Việt Nam phải đối mặt với dịch tả lợn châu Phi lan rộng khắp cả nước, gây thiệt hại rất lớn đối với người chăn nuôi lợn, gây thiếu hụt mặt hàng thịt lợn trên thị trường những tháng cuối năm. Toàn ngành đạt kim ngạch xuất khẩu trên 41,3 tỷ USD, thặng dư thương mại đạt 10,4 tỷ USD, tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,8%, có 54% số xã đạt tiêu chí nông thôn mới, 111 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới.

10 sự kiện, vấn đề nổi bật của đất nước năm 2019 - 4

Ngành Nông nghiệp chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa quy mô lớn, nâng cao năng suất, chất lượng.

Giống lúa ST25 của Việt Nam vượt qua gạo của các nước Thái Lan, Campuchia và Mỹ để trở thành loại gạo ngon nhất thế giới, góp phần nâng uy tín của gạo Việt trên trường quốc tế, tạo động lực để các địa phương, doanh nghiệp và nông dân đầu tư vào sản xuất gạo chất lượng cao. 

7. Nước ta thực hiện chủ trương, biện pháp nhất quán, kiên quyết, phù hợp để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông 

Tháng 7/2019, Trung Quốc đưa nhóm tàu HD 8 tiến hành cái gọi là “khảo sát” Bãi Tư Chính, xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

10 sự kiện, vấn đề nổi bật của đất nước năm 2019 - 5

Bãi Tư Chính hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền của Việt Nam.

Chính phủ, Bộ Ngoại giao, các bộ, ngành, đơn vị chức năng của ta đã kiên trì quan điểm giữ vững môi trường hòa bình, mặt khác, kiên quyết đấu tranh, thực hiện nghiêm túc Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, tiến hành các bước đi phù hợp bảo vệ vững chắc vùng biển chủ quyền của Việt Nam.

Dư luận quốc tế và Việt Nam cũng cảnh giác, nhận diện, phản đối và ngăn chặn chiến thuật “xâm lăng văn hóa” của Trung Quốc với các hành vi liên tục xuất bản, cài lén bản đồ đường “lưỡi bò” 9 đoạn trên các ấn phẩm văn hóa, phim ảnh phát hành trên toàn thế giới. 

8. Đoàn thể thao Việt Nam đạt thành tích vang dội tại SEA Games 30 

98 chiếc Huy chương Vàng và vị trí thứ 2 trên bảng tổng sắp huy chương đã khẳng định đẳng cấp của thể thao Việt Nam trên đấu trường khu vực. Trong đó, ấn tượng nhất là cả đội tuyển bóng đá nữ và đội U22 nam giành 2 Huy chương Vàng danh giá; vận động viên bơi Nguyễn Huy Hoàng phá kỷ lục SEA Games 400m tự do nam và 1.500m tự do nam; Trần Hưng Nguyên phá kỷ lục 400m hỗn hợp nam. Vận động viên điền kinh Nguyễn Thị Oanh phá kỷ lục 3000 m vượt chướng ngại vật; 4 kỷ lục môn cử tạ của Lại Gia Thành (55kg), Vương Thị Huyền (45kg), Hoàng Thị Duyên (59kg), Phạm Hồng Thanh (64kg); Vận động viên bơi Nguyễn Thị Ánh Viên giành 6 Huy chương Vàng; Vận động viên Lý Hoàng Nam lần đầu giành Huy chương Vàng môn quần vợt. 

10 sự kiện, vấn đề nổi bật của đất nước năm 2019 - 6

Hai đội tuyển bóng đá nam và nữ giành HCV SEA Games 30 tại Philippines.

Những thành công tại SEA Games 30 cùng với việc đội tuyển bóng đá quốc gia kết thúc năm 2019 với vị trí đầu bảng vòng loại World Cup, tạo đà thuận lợi để năm 2020 có thể mơ ước đến một chỗ đứng đẹp hơn - một suất vào vòng loại thứ 2 World Cup. 

9. Quốc hội thông qua Bộ Luật Lao động (sửa đổi) nâng tuổi nghỉ hưu đối với người lao động và bỏ chế độ viên chức suốt đời

Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV thông qua bộ Luật Lao động (sửa đổi), trong đó Điều 169 quy định, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035. 

10 sự kiện, vấn đề nổi bật của đất nước năm 2019 - 7

Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức với 426/454 đại biểu bấm nút tán thành (chiếm 88,20%).

Quốc hội cũng thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Một trong những điểm mới của luật này là sẽ thực hiện bỏ chế độ "viên chức suốt đời" để thực hiện chế độ hợp đồng có thời hạn đối với viên chức. Chỉ có 3 đối tượng được hưởng chế độ “viên chức suốt đời” là: cán bộ, công chức được chuyển sang làm viên chức tại đơn vị sự nghiệp công lập khi đáp ứng các điều kiện theo quy định của luật này; người được tuyển dụng làm viên chức làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn; và những người đã có hợp đồng không xác định thời hạn từ trước khi Luật này có hiệu lực. 

10. Một loạt những sự cố môi trường xảy ra cho thấy sự yếu kém của các cơ quan, đơn vị chức năng 

10 sự kiện, vấn đề nổi bật của đất nước năm 2019 - 8

Hiện tượng bụi mịn, sương mù quang học gây ô nhiễm không khí ở Hà Nội (ảnh chụp sáng 13/11/2019).

Chưa bao giờ vấn đề ô nhiễm môi trường, ngập lụt đô thị ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Vinh, Phú Quốc, đặc biệt là ô nhiễm không khí tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và một số đô thị lớn lên đến mức báo động đỏ thời gian qua. Bên cạnh các nguyên nhân khách quan, còn không ít "lỗ hổng" liên quan đến trách nhiệm của cơ quan quản lý và việc chấp hành của các cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân trong việc bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống. 

VOV
Bình luận
vtcnews.vn