• Zalo

TP HCM: Kiểm soát biển chẵn lẻ khó thực hiện được ngay

Thời sựThứ Sáu, 08/04/2011 10:09:00 +07:00Google News

(VTC News) – Vừa qua, Sở GTVT TP.HCM đã có kiến nghị quy định ngày chẵn lẻ đối với xe ô tô khi ra vào TP. Kiến nghị này lập tức nhận rất nhiều ý kiến phản đối

(VTC News) – Kiến nghị của UBND TPHCM quy định ngày chẵn lẻ đối với xe ô tô khi ra vào thành phố đã lập tức nhận rất nhiều ý kiến phản đối.

Xe chẵn đi ngày chẵn, xe lẻ đi ngày lẻ

GĐ Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Phượng giải thích: Hiện lượng xe ô tô do TP.HCM quản lý đã là hơn 500.000 xe, lượng xe các tỉnh là khoảng 50.000 xe hàng ngày vẫn đổ vào khu vực TP.HCM. Trung bình mỗi ngày, TP có thêm khoảng hơn 100 xe được đăng kí mới. Do đó, việc kẹt xe ô tô ở khu vực trung tâm TP.HCM đang ngày càng trở nên nan giải. Lượng xe tăng quá nhanh khiến diện tích mặt đường ở khu vực trung tâm  không đủ để đáp ứng chỗ đậu.

Do vậy, trong chương trình hành động nhằm giảm tối thiểu nạn ùn tắc giao thông, kẹt xe ở khu vực nội đô TP ở giai đoạn 2011- 2015, TP đã đề ra hàng loạt các biện pháp giái quyết như vận động người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng như xe buýt, nghiên cứu thu phí sử dụng hạ tầng với các loại xe cơ giới, tăng dần phí đậu xe ô tô ở khu vực trung tâm…

Rất nhiều người dân sử dụng ô tô làm phương tiện đi lại phản đối đề xuất kiểm soát lưu thông biển ô tô chẵn lẻ của Sở GTVT TP.HCM (ảnh: N.D) 
Phương án đề xuất hạn chế xe ô tô vào khu vực trung tâm theo biển số chẵn lẻ tương ứng với ngày chỉ là một trong những giải pháp nói trên. Ví dụ: xe ô tô có biển số kiểm soát 0,2,4,6 chỉ được phép lưu thông ở khu vực trung tâm các ngày 2, 4, 6, ô tô có biển kiểm soát lẻ như 3, 5, 7 chỉ được phép lưu thông vào các ngày tương ứng. Riêng ngày chủ nhật, toàn bộ xe ô tô lưu thông bình thường.

Điều đáng lưu ý, đề xuất này cũng đã được một lần trình UBND TP.HCM phê duyệt vào năm 2009, nhưng đề nghị này đã không được các cấp lãnh đạo của TP chấp thuận.

Khả thi hay không?

Trong ngày 8/4, qua tiến hành khảo sát của PV VTC News, hầu hết những người dân, các DN vận tải đều cho rằng đề xuất này là hoàn toàn không khả thi. Trái lại, nó sẽ còn có thể gây tác dụng ngược.

Là giám đôc của một Công ty tư nhân chuyên làm về xuất nhập khẩu xi măng, anh Lâm Thái Hà đã 3 năm nay sử dụng xe Toyota Vios làm phương tiện đi lại chính cho mình. Khi nghe đến đề xuất này của Sở GTVT, anh Hà chia sẻ rằng: “Rất có thể nó sẽ gây ra một tình huống ngược lại. Ví dụ như những người như tôi, thường xuyên và bắt buộc phải sử dụng ô tô đi lại giao dịch với đối tác, nếu cấm như thế thì những ngày còn lại tôi sẽ đi bằng gì? Nếu vì tình thế bức bách, tôi phải mua thêm một xe khác để đi ngày còn lại, thì có phải TP.HCM sẽ gia tăng thêm ô tô hay không? Như thế có phải là tác dụng ngược hơn không? “

Một tình huống khác, anh Ngọc Tài – một tài xế của hãng chuyển phát nhanh DHL đặt ra giả thuyết: Nếu như vậy, rất có thể sẽ xảy ra tình huống lắp biển số giả để đi trên đường vào các ngày còn lại. Như vậy là rất nguy hiểm.

Tổng thư kí Hiệp hội vận tải hàng hóa TP.HCM Thái Văn Chung khẳng định: Đề xuất trên nếu được đồng ý thực hiện sẽ gây ra thiệt hại rất lớn cho các DN vận tải đang hoạt động ở TP.HCM.

“Doanh thu của họ chắc chắn sẽ giảm hơn 50% thì sớm hay muộn cũng buộc phải đóng cửa” – ông Chung nói.

Nếu được nên có thử nghiệm trước

Là những ý kiến đề xuất của PGS TS Phạm Xuân Mai (ĐH Bách Khoa TP.HCM) cho phương án nói trên của Sở GTVT TP. PGS TS Phạm Xuân Mai lo lắng rằng nếu không được thử nghiệm trước trên 1 số các tuyến đường nhỏ, nghiên cứu kĩ trước các phương án thực hiện sẽ gây quan ngại cho những người dân dùng ô tô làm phương tiện kiếm sống hay đi lại.

Cũng theo PGS TS Phạm Xuân Mai thì, giải pháp này cũng đã được một số nước tiên tiến trên thế giới thực hiện, còn TP.HCM muốn làm được cho tốt, cần phải chuẩn bị các phương án về nguồn nhân lực, trang thiết bị để phục vụ cho đề xuất này. Cụ thể, các camera để ghi hình và phạt “nguội” các hành vi vi phạm của người tham gia giao thông. Bên cạnh đó, lực lượng CSGT cần được tập huấn thêm…

“Việc đề ra các biện pháp nhằm giảm ùn tắc giao thông của TP.HCM, trong đó khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng là tốt. Người dân sẽ sử dụng chúng nếu xe buýt của chúng ta hiện đại, không tranh giành khách, không đi vượt ẩu, gây ra tai nạn…Nếu như hiện nay thì quá yếu kém, chẳng ai dám đi nếu cứ tồn tại như thế này…”

Bài, ảnh: Việt Dũng

 

 

Bình luận
vtcnews.vn