• Zalo

Sách giáo khoa tiểu học: Giảm tải nhưng... vẫn nặng

Tổng hợpThứ Ba, 01/11/2011 01:57:00 +07:00Google News

Chủ trương giảm tải chương trình học, đặc biệt là bậc tiểu học ngay trong niên học 2011 - 2012 khiến nhiều phụ huynh rất phấn khởi.

Thông tin Bộ GD&ĐT công bố chủ trương sẽ giảm tải chương trình học, đặc biệt là bậc tiểu học ngay trong niên học 2011 - 2012 khiến nhiều phụ huynh rất phấn khởi.

Theo đó, số sách mà học sinh (HS) cần sử dụng sẽ giảm nhiều. Song chưa hết mừng thì không ít phụ huynh ái ngại và phần nào thắc mắc, bởi thực tế con em họ mỗi ngày vẫn phải lễ mễ vác chiếc cặp đầy ắp các loại sách vở, nhiều gấp đôi, thậm chí hơn gấp đôi so với công bố của bộ…
9 - 18 - 21 hay 27?
Theo quy định của Bộ GD&ĐT năm học 2011 - 2012, HS khối lớp 4 chỉ có 9 quyển sách, gồm: Tiếng Việt (tập 1 và 2), toán, kỹ thuật, khoa học, âm nhạc, mỹ thuật, đạo đức và lịch sử. Thế nhưng, theo ghi nhận của phóng viên Lao Động thì hầu hết HS khối này phải cõng thêm hàng chục cuốn sách... ngoài quy định của bộ.
Tại TPHCM, mặc dù cùng học chương trình phổ thông công lập, tại các trường được xếp vào hàng “trường điểm” của thành phố, song theo thống kê của HS Thiên Hà (HS lớp 4 Trường Tiểu học M.Đ - TPHCM) thì tổng số sách giáo khoa, sách bài tập của em dừng ở con số 18 cuốn chứ không phải chỉ 9 cuốn như thông báo của Bộ GDĐT. Mở rộng diện khảo sát của PV tại 4 trường tiểu học nữa tại các quận trung tâm TPHCM như quận 3, quận 5, quận Phú Nhuận và Bình Thạnh thì số sách của HS học lớp 4 phải trang bị không có trường hợp nào dừng lại ở con số 9 cuốn, mà đều có số lượng từ 15 cuốn trở lên. Trong khi đó, HS tại các khu vực tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM... đang theo học lớp 4 thì phải “cõng” đến 21, thậm chí là 27 cuốn sách các loại chứ không chỉ có 9 cuốn.
Chiếc cặp hiện vẫn quá nặng so với sức lực các em học sinh. Ảnh: T.L 

Giảm tải, nhưng… không thể dừng ở 9 cuốn!
Trả lời cho những thắc mắc của phụ huynh, ông Lê Ngọc Điệp -  Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT TPHCM - khẳng định: Số sách mà HS sử dụng trong việc học của mình không thể dừng ở mức 9 cuốn như phụ huynh hiểu theo thông báo của Bộ GD&ĐT. Bởi thực tế, số sách mà bộ công bố chỉ là sách giáo khoa. Đây là bộ sách chương trình khung với chuẩn kiến thức, kỹ năng tối thiểu mà HS cần được trang bị, được học chứ không phải là tất cả các loại sách cần cho việc học của HS. Ngoài sách giáo khoa, HS còn cần thêm sách luyện tập, sách tham khảo... nên số sách tất nhiên phải nhiều hơn 9 cuốn(?). Còn bao nhiêu cuốn thì sẽ do từng vùng, miền và cụ thể là từng trường được quyền quyết định. Và điều này được Bộ GD&ĐT cho phép, nằm trong quy định  về quyền tự chủ của từng trường, từng giáo viên... - vị trưởng phòng nhấn mạnh.
Cũng theo những cách lý giải thì chủ trương giao quyền tự chủ cho từng trường, GV sẽ được quyền tự chủ, sáng tạo trong việc chọn lựa một số nội dung học cần nhấn mạnh hoặc lướt qua. Và điều này phần nào tác động đến số lượng sách luyện tập, tham khảo mà HS cần sử dụng khi học, thực hành... để phù hợp với tập quán, hoàn cảnh sống của từng vùng, miền. Ở góc độ người quản lý cấp sở, phòng giáo dục tiểu học đã ban đến từng trường về việc sử dụng sách thông qua “14 điều nhắc nhở” để giáo viên tuân thủ đúng.
Theo đó, sở cũng lưu ý GV không được quyền nâng cao kiến thức quá chuẩn, không được mở rộng thái quá kiến thức, chỉ cần trang bị kiến thức ban đầu cho HS cấp tiểu học mà phải dành thêm thời gian trang bị kỹ năng sống... cho HS. Việc giám sát thực hiện những điều này sẽ do phòng GDĐT quận, huyện kiểm tra thường xuyên. Tóm lại, những quy định này dẫn đến việc sách học của HS cùng một cấp độ, một chương trình học (ví dụ cùng là lớp 4) nhưng ở từng vùng, miền sẽ có số lượng sách luyện tập khác nhau phù hợp với hoàn cảnh, thực tế và kể cả tập quán vùng, miền của vùng đó - Hà Nội khác TPHCM và khác Cần Thơ... Chính vì vậy, số lượng sách sẽ có thể “vênh” nhau.
Theo Lao động
Bình luận
vtcnews.vn