Hai nghệ nhân sinh vật cảnh ở Phú Yên đã bỏ nhiều công, của để sưu tầm, chế tác những tác phẩm nghệ thuật gỗ lũa, đá cảnh hướng về đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội
Đó là những tác phẩm nghệ thuật có những yếu tố của vùng đất Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn vật, như: hình tượng vua, rồng, rùa, bản đồ non sông gấm vóc VN...
Quần thể lũa, đá khổng lồ
Ông Nguyễn Đình Vượng, một người gốc Hà Tây, hiện cư ngụ tại thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh - Phú Yên, đã dành cả năm 2009 đến nay để sưu tầm, chế tác các tác phẩm gỗ lũa và đá cảnh khá độc đáo mà ông gọi là “quần thể lũa - đá mừng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội”.
Nổi bật trong quần thể này là cụm tác phẩm gỗ lũa hoành tráng Cụ Lý Công Uẩn. Hình tượng vua Lý Công Uẩn được chế tác từ một gốc cây gáo cổ thụ khổng lồ nặng hơn 1,5 tấn, cao 3,6 m, nơi rộng nhất 1,1 m mang dáng vóc uy nghi, đầu đội long mão, ngự trên một con rùa lớn nặng hơn 1 tấn cũng được chế tác từ gốc gáo này.
“Tôi chọn Lý Công Uẩn để làm điểm nhấn cho quần thể tác phẩm này bởi ông là vị vua đã ban Chiếu dời đô từ Hoa Lư - Ninh Bình ra Thăng Long” - ông Vượng thổ lộ.
Theo ông Vượng, trong Chiếu dời đô, vua Lý Công Uẩn viết: “Ta thấy nơi đây là thế đất rồng cuộn, hổ ngồi”, cộng thêm thuật phong thủy “Tả thanh long, hữu bạch hổ, tiền chu tước, hậu huyền vũ” khiến ông quyết tâm tìm kiếm nguyên liệu và chế tác những tác phẩm phụ bên cạnh để tạo nên sức hoành tráng cho tác phẩm chính.Nghệ nhân Nguyễn Đình Vượng bên tác phẩm gỗ lũa Cụ Lý Công Uẩn
Bên trái vua Lý Công Uẩn là “Thanh long” - một con rồng dài 3,5 m bằng gỗ trắc dây nặng 1 tấn; bên phải là “Bạch hổ” - một con cọp bằng gỗ lũa hương đá nặng khoảng 1 tấn, dài 2,8 m; trước mặt là “Chu tước” - một con đại bàng xoãi cánh được chế tác từ gỗ muồng đen nặng khoảng 1 tấn và sau lưng là “Huyền vũ” - một con rùa khổng lồ bằng gỗ gáo.
Nghệ nhân Nguyễn Đình Vượng cũng đang thực hiện tác phẩm khổng lồ bằng gỗ lũa mang tên Thăng Long. Nguyên liệu là một gốc gỗ hương dài 7 m, nặng hơn 2 tấn được ông tìm thấy ở một khu vực rừng núi hẻo lánh. Gốc hương này với rễ chính lớn có thể làm thân rồng, chùm rễ phụ và gốc tạo thành hình dáng rất giống đầu rồng. Ông Vượng cho biết: “Chỉ cần chắp thêm bờm, răng và khắc vảy là tác phẩm gỗ lũa này sẽ hoàn thiện”.
Trong quần thể này, nghệ nhân Nguyễn Đình Vượng còn trưng bày tác phẩm đá cảnh khá độc đáo có hình tượng bản đồ VN tương đối hoàn thiện, được tìm thấy hồi đầu năm 2009.
Hồn thiêng đất Việt
Nghệ nhân Lê Cao Trọng Đức là người gốc Huế vào Sông Hinh lập nghiệp gần 20 năm nay. Ông có một bộ sưu tập độc đáo chủ đề Hồn thiêng đất Việt, cũng hướng về đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Nổi bật trong số này là bộ tác phẩm 4 con rồng bằng gỗ lũa giống hình tượng rồng của các triều đại Lý, Trần, Hậu Lê, Nguyễn. “Rồng đời Lý” trong bộ sưu tập của ông Đức dài 5,5 m, nặng khoảng 600 kg, uốn lượn nhiều khúc hình chữ S, dáng mềm dẻo, thanh thoát giống như đang bay lên.
Nghệ nhân Lê Cao Trọng Đức với tác phẩm Huyền thoại Kim Quy
“Rồng đời Trần” là một lũa rễ hương dài 5,1 m, nặng 500 kg; đầu đường bệ uy nghi, mào lửa ngắn, miệng há rộng, thân oằn xuống, đuôi uốn khúc nhẹ, chân mạnh mẽ. “Rồng đời Hậu Lê” bằng lũa gỗ hương dài khoảng 3 m, nặng 100 kg, có đầu to, mũi rất lớn, không mào lửa nhưng có bờm lớn, hai chân đầy móng sắc nhọn chìa ra phía trước, đầu ngoảnh lại, có dáng bay xuống. “Rồng đời Nguyễn” không dài nhưng uốn lượn, dáng rồng chầu, đầu to, mũi sư tử, miệng há nanh nhe...
Nghệ nhân Đức cũng sưu tầm được một tác phẩm đá - lũa khá độc đáo Huyền thoại Kim Quy, gồm một con rùa đá đen nặng khoảng 1 tấn được ông tìm thấy hồi tháng 9-2009 ở lòng hồ thủy điện Sông Ba Hạ và thanh kiếm mang tên Thuận Thiên bằng gỗ lũa cây căm xe.
Ông Đức cũng có hai bộ sưu tập - một bằng đá, một bằng gỗ lũa - đều được đặt tên là Tứ linh vì có hình tượng long, lân, quy, phụng... Mới đây nhất, ông đã tìm thấy một hòn đá xanh đen cao 0,5 m, rộng 0,35 m có vân vàng mang hình tượng như một bản đồ VN, trong đó có hình một con rồng đang bay lên, được ông đặt tên là Đất Việt hóa rồng.
Theo Báo Kinh tế & Đô thị
Bình luận