• Zalo

Học ĐH trong 1,5 năm: Dễ xảy ra tiêu cực chạy điểm

Giáo dụcThứ Năm, 14/04/2011 09:32:00 +07:00Google News

(VTC News)- GS.TS KH Nguyễn Xuân Hãn cho rằng “Nếu có thời gian đào tạo ĐH chỉ trong 1,5 năm rất dễ xảy ra tiêu cực vì ai cũng muốn có thể ra trường sớm".

(VTC News)- Theo GS.TS KH Nguyễn Xuân Hãn : “Nếu có thời gian đào tạo ĐH chỉ trong 1,5 năm rất dễ xảy ra tiêu cực vì ai cũng muốn có thể ra trường sớm". Còn PGS.TS Trần Ngọc Dũng, Trưởng phòng Thanh tra ĐH Luật cho rằng “không thể chấp nhận được thời gian đào tạo ĐH chỉ có 1,5 năm như điều 21 quy định”.

Có thể học CĐ, ĐH trong 1,5 năm?

GS.TSKH Nguyễn Xuân Hãn trao đổi với VTC News về nhiều điểm bất cập trong dự thảo luật GD Đại học (Ảnh: Phạm Thịnh) 
GS.TS KH Nguyễn Xuân Hãn cho rằng trên thế giới không có nước nào quy định chỉ đào tạo ĐH từ 1,5 năm vì chương trình giáo dục ĐH chung đều phải có 3 phần là đại cương, cơ bản và chuyên đề  cùng những phần này “không thể cắt giảm được”. Các phần này ở những ngành học khác nhau lại yêu cầu thời gian khác nhau như “xây một ngôi nhà 3, 5, 10 tầng cũng phải khác nhau”.

GS Hãn cũng kể lại, trước kia để học xong chương trình ĐH tại Liên Xô Cũ trong vòng 5 năm, ông cũng đã phải mất tới 3 năm học. “Để đạt được điều đó, mình phải thi hết các chương trình, tăng cường độ học tập rất lớn và phải có một hội đồng xem xét từng trường hợp một”.

“Nếu có thời gian đào tạo ĐH chỉ trong 1,5 năm rất dễ xảy ra tiêu cực vì ai cũng muốn có thể ra trường sớm. Từ đó tình trạng chạy điểm ngày càng trở nên bức xúc hơn”. GS Hãn cũng tỏ ra băn khoăn.

Quy định về thời gian đào tạo ĐH quy định từ 1,5 - 6 năm theo ý kiến của nhiều chuyên gia khác cũng có nhiều điều bất hợp lý. GS.VS Phạm Minh Hạc (nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Chủ tịch hội khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam) cho biết, có những ngành không có thời gian học tối thiểu.

Chẳng hạn, ngành y phải học 6 năm; hay học theo tín chỉ, người thầy và người học sẽ quyết định học trong bao lâu và lúc nào thi. Cũng khó có thể quy định về thời gian học vì đào tạo theo tín chỉ thì người học sẽ có thể học trước được, cũng không biết được thời gian người ta đã học được bao nhiêu. Vì vậy, GS Phạm Minh Hạc cho rằng “ về thời gian đào tạo không nên ghi vào luật mà để từng trường, từng khoa sẽ quyết định”.

Các chuyên gia giáo dục đều đồng tình rằng, hiện nay việc giảng dạy ở bậc ĐH tại các trường thường diễn ra trong 4 năm. Để đạt được kết quả, trong thời gian đó sinh viên phải học nghiêm túc và cố gắng rất nhiều về tinh thần, vật chất. Bởi vậy PGS.TS Trần Ngọc Dũng, Trưởng phòng Thanh tra ĐH Luật cho rằng “không thể chấp nhận được thời gian đào tạo ĐH chỉ có 1,5 năm như điều 21 quy định”.  Nếu sinh viên trường ĐH Luật Hà Nội học 1,5 năm tốt nghiệp khi đó 19,5- 20 tuổi, liệu có thể đứng ra xét xử án với tư cách thẩm phán không? Trong khi, ở nước Mỹ, muốn vào học trường ĐH luật phải có 1 bằng ĐH khác và 1 năm công tác.
Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng quy định sinh viên có thể học từ 1,5 -6 năm cần rõ ràng hơn
TS.Dũng cũng cho rằng quy định thời gian đào tạo tiến sĩ 2 năm rất khó thực hiện. Nhiều tiến sĩ của trường ĐH Luật Hà Nội làm trong 3 năm đã khá chật vật, có người phải kéo dài thêm từ 1-2 năm nữa. Vì từ khi có luận án tiến sĩ sơ khảo, đến khi bảo vệ thành công cũng mất 2 năm, đó là chưa tính nghiên cứu lý luận thực tiễn, khảo sát, tham khảo kinh nghiệm nước ngoài…

Về quy định này, GS Nguyễn Minh Thuyết, Phó Chủ nhiệm ủy ban văn hóa thanh thiếu niên nhi đồng quốc hội cho rằng luật GD diễn đạt chưa hết ý, chưa gẫy gọn và dễ gây hiểu lầm đối với người dân. Vì vậy cần phải dẫn chiếu cùng luật giáo dục hiện hành để bổ sung.

GS.TSKH Đào Trọng Thi Chủ nhiệm ủy ban văn hóa thanh thiếu niên nhi đồng quốc hội cũng đồng tình với quan điểm rằng quy định học trong 1,5 – 6 năm là để áp dụng cho các đối tượng khác nhau. Ở đây nên hiểu là sinh viên có thể học xong trong 1,5 năm khi học liên thông hoặc đã có một bằng ĐH và tiếp tục học văn bằng thứ 2 sẽ có thể bỏ qua những môn học chung trước đây đã học.


ĐH Luật Hà Nội đã tổ chức một buổi hội thảo khoa học để góp ý về dự thảo luật GD Đại học (Ảnh: Phạm Thịnh)


Tại chức và chính quy vẫn nhập nhằng

Theo GS Nguyễn Xuân Hãn, hiện nay chúng ta chưa có cái gọi là “chuẩn chất lượng giáo dục đại học”. Vì vậy bằng cấp của các trường ĐH tại Việt Nam khi đem ra ngoài thế giới chưa được các nước công nhận. Bên cạnh đó, vẫn chưa có quy định về rõ ràng về chất lượng của bằng tại chức và chính quy cũng gây nên những sự việc Đà Nẵng không nhận sinh viên tại chức vào các cơ quan nhà nước.

Theo GS Hãn, hiện nay ở Trung Quốc luật GD có ghi rõ về chất lượng của hai tấm bằng tại chức và chính quy là hoàn toàn khác nhau. Học tại chức ở Trung Quốc chỉ có tác dụng là nâng cao trình độ chuyên môn chứ không có tác dụng nâng lương, thăng chức như ở Việt Nam. Ở đó, nếu sinh viên tại chức muốn có bằng chính quy sẽ phải thi cùng các sinh viên chính quy. “ Nếu làm được như vậy, tôi tin chắc sẽ có khoảng 50%-70% số người sẽ phải từ bỏ ý định học tại chức”. GS Hãn khẳng định.

GS Phạm Minh Hạc cũng cho rằng, trong luật GD đại học cũng cần quy định rõ hơn về chất lượng văn bằng chính quy và tại chức. Đây là vấn đề nóng hổi, hiện đang được dư luận hết sức quan tâm. “ Nếu Bộ GD đã công nhận hai loại bằng có giá trị như nhau thì cần phải có những hình thức kiểm định rõ ràng và công khai”.

Nhiều chuyên gia trong ngành giáo dục và ngành luật đề nghị đổi Luật GD đại học thành Luật đào tạo ĐH, xác định rõ mục tiêu đào tạo, xác định rõ các mô hình ĐH và điều kiện thành lập, phân rõ từng cấp, sắp xếp lại các chương cho phù hợp…

PGS.TS Trần Ngọc Dũng, Trưởng phòng Thanh tra ĐH Luật Hà Nội cho rằng Dự thảo 2 Luật GD ĐH đi ngược với xu thế chung (ngày càng đơn giản, khoa học, có tính hệ thống). Năm 2005 chúng ta đã có Luật giáo dục với đầy đủ các hệ thống từ GD mầm non, GD phổ thông, GD nghề nghiệp, GD thường xuyên, GD ĐH. Bây giờ lại chẻ nhỏ ra xây dựng Luật GD ĐH, nhưng nó lại không thể hiện cái hay hơn, tốt hơn; không cụ thể hóa thêm và không nêu ra được các chuyên mục GD ĐH, mà lại thụt lùi, thô sơ hơn.


Phạm Thịnh





Bình luận
vtcnews.vn