Hoa hậu

CEO Miss Cosmo kể chuyện nhiều lần bị 'gạ' bán giải

Thứ Sáu, 29/11/2024 13:08:00 +07:00

(VTC News) - Xem hoa hậu là nghề và việc tổ chức các cuộc thi hoa hậu là kinh doanh sắc đẹp, CEO Miss Cosmo không ngần ngại tiết lộ từng nhiều lần bị “gạ” bán giải.

CEO Miss Cosmo Trần Việt Bảo Hoàng được biết đến nhờ sự thành công trong việc tổ chức các cuộc thi nhan sắc lớn tại Việt Nam và phát triển ngành công nghiệp sắc đẹp. Mới đây nhất, với tầm nhìn chiến lược, anh đã khởi xướng và thực hiện cuộc thi sắc đẹp quốc tế Miss Cosmo. 

Trò chuyện với Báo điện tử VTC News, vị CEO trẻ không ngần ngại nói rằng hoa hậu là một nghề thực sự, việc tổ chức các cuộc thi hoa hậu chính xác là kinh doanh sắc đẹp. Anh cũng lần đầu tiên tiết lộ những “góc khuất’ trong hơn 16 năm làm nghề của mình.

Xem toàn bộ cuộc trò chuyện trên kênh YouTube CEO Talk

CEO Miss Cosmo kể chuyện nhiều lần bị 'gạ' bán giải - 1

 

- Trước tiên, xin chúc mừng anh và ekip đã tổ chức thành công Miss Cosmo mùa đầu tiên và chọn ra được hai nàng hậu xứng đáng. Tôi rất tò mò về cảm xúc của anh sau một chương trình thành công như vậy?

Thật sự mà nói, cảm giác của tôi và cả ekip sau một tháng hoàn thành chương trình vẫn rất hạnh phúc. Chúng tôi rất vui khi nhìn lại những hình ảnh và thỉnh thoảng bắt gặp những video của cuộc thi được chia sẻ rộng rãi. Những nỗ lực của bản thân và của cả ekip cuối cùng cũng tạo ra được một thành tựu đáng tự hào đối với mùa đầu tiên, và chúng tôi có quyền kỳ vọng vào những mùa tiếp theo của Miss Cosmo.

CEO Miss Cosmo kể chuyện nhiều lần bị 'gạ' bán giải - 2

 

- Anh có ngại khi nói rằng Miss Cosmo là chương trình sinh sau đẻ muộn so với các cuộc thi khác? 

Miss Cosmo là một thương hiệu hoàn toàn mới, đúng là sinh sau đẻ muộn, nhưng khi mới bắt đầu, chúng tôi có những quyền lợi nhất định. 

Thứ nhất, chúng tôi không phải rập khuôn theo công thức nào, nên có thể sáng tạo tự do. Thứ hai, khi tổ chức một sản phẩm mới cho thời đại công nghệ và mạng xã hội, chúng tôi có thể áp dụng các công nghệ vào quy trình tổ chức. Thứ ba, khi là một sân chơi mới, hình mẫu chiến thắng chưa bị đóng khung, và khán giả rất tò mò về những người chiến thắng, từ đó tạo ra nhiều sự mới mẻ và cơ hội để định nghĩa lại hoa hậu theo tiêu chuẩn của thế hệ mới.

- Sau khi dừng hợp tác với Miss Universe, anh đã bắt tay vào thực hiện Miss Cosmo. Liệu có trục trặc nào về bản quyền không?

Nếu nhìn từ góc độ giải trí, mọi người đã khai thác nó rất nhiều rồi. Tuy nhiên, ở góc độ kinh doanh, nếu nhìn đơn giản là câu chuyện bản quyền, thì bản quyền có thời hạn. Khi hết hạn và không đạt được các điều kiện, hai bên sẽ ngừng hợp tác. 

Câu chuyện hợp tác về bản quyền thuần túy là như vậy. Việc không đạt được thỏa thuận có thể đến từ các yếu tố tài chính hay sự không đồng thuận trong định hướng. Cũng giống như nhượng quyền thương hiệu nhà hàng hay một sản phẩm nào khác.

Với Unimedia, chúng tôi nhận thấy nếu không thay đổi, chúng tôi sẽ mãi chạy theo các cuộc chơi bản quyền của người khác mà không thể đáp ứng đủ điều kiện yêu cầu. Dù lúc đó khó khăn và thách thức, nhưng tôi nghĩ đó cũng là cơ hội để sáng tạo ra một sân chơi riêng, không bị lệ thuộc vào người khác. Nhìn lại, tôi tự hào về quyết định này của Unimedia.

- Ngoài lý do làm chủ và làm mới mình, chi phí mua bản quyền có phải là yếu tố quan trọng?

Chi phí bản quyền chắc chắn là một phần lớn trong công tác tổ chức. Tuy nhiên, khi nhìn vào tổng thể chi phí tổ chức của Unimedia, bạn sẽ thấy nó còn lớn hơn rất nhiều. Nếu chỉ xét về chi phí bản quyền, chúng tôi hoàn toàn có đủ khả năng chi trả. Nhưng điều quan trọng là phải cân nhắc xem số tiền đó có đáng bỏ ra hay không trong bài toán kinh doanh. 

Nhượng quyền đồng nghĩa với việc bạn phải vận hành theo một mô hình kinh doanh nhất định, và khi chi phí bản quyền chiếm quá nhiều thì bạn phải đánh giá lại hiệu quả của việc đó. Sau giai đoạn đầu tiên, không thể để chi phí bản quyền ngày càng cao mà không có sự cân đối hợp lý.

- Với anh, khó khăn lớn nhất trong việc tổ chức một cuộc thi hoa hậu là gì?

Khó khăn lớn nhất vẫn là chất lượng thí sinh. Một cuộc thi dù tổ chức hoành tráng đến đâu, nhưng nếu chất lượng thí sinh không đủ tốt, thì sức hút của cuộc thi sẽ giảm sút. Khán giả không thể quan tâm đến một cuộc thi mà thí sinh không đủ tốt. Chất lượng thí sinh cũng quyết định đến người chiến thắng, người sẽ mang lại giá trị cho cuộc thi. Một hoa hậu thiếu sự nổi bật sẽ không thể tạo ra sự lan tỏa trong cộng đồng.

Để có được chất lượng thí sinh tốt, công tác tổ chức phải thật sự tốt và có chiến lược chăm sóc, quản lý người chiến thắng sau khi đăng quang để họ có một nhiệm kỳ thành công.

Đồng thời, chúng tôi cũng phải hợp tác chặt chẽ với các quốc gia để chọn ra những thí sinh chất lượng nhất, được chuẩn bị kỹ lưỡng. Vì vậy, việc chuẩn bị cho thí sinh là yếu tố quyết định thành bại của cuộc thi.

CEO Miss Cosmo kể chuyện nhiều lần bị 'gạ' bán giải - 3

 

- Mùa đầu tiên của Miss Cosmo chắc chắn khó khăn hơn rất nhiều so với các cuộc thi khác. Anh có thể chia sẻ về điều này không?

Khi tạo dựng một thương hiệu mới, chúng tôi đã xác định rất rõ rằng việc thuyết phục thí sinh và các giám đốc quốc gia tham gia sẽ là một thử thách. Tuy nhiên, chúng tôi có những lợi thế nhất định, đặc biệt là với lịch sử tổ chức các cuộc thi sắc đẹp tại Việt Nam và tham gia vào các cuộc thi quốc tế. Điều này đã tạo được sự tin tưởng lớn từ các giám đốc quốc gia.

Khi chúng tôi quyết định từ bỏ bản quyền cũ, rất nhiều giám đốc quốc gia đã tỏ ra nuối tiếc vì môi trường làm việc chung rất vui vẻ. Tuy nhiên, chúng tôi hứa sẽ trở lại, và ngay khi thông tin về Miss Cosmo được công bố, họ đã ngay lập tức liên hệ với chúng tôi. Chính vì nền tảng vững chắc có được từ các cuộc thi quốc tế trước đây mà chúng tôi mới có thể tổ chức được mùa đầu tiên thành công như vậy.

Ngoài ra, việc tham gia Miss Universe đã mang đến cho chúng tôi một mạng lưới và kinh nghiệm quý giá, là nền tảng để tổ chức cuộc thi quốc tế này. Việt Nam hiện đang là một thị trường phát triển mạnh trong lĩnh vực này, và chúng tôi may mắn có đủ yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa để thành công ngay từ mùa đầu tiên. 

Mặc dù còn rất nhiều điểm cần hoàn thiện trong công tác tổ chức, nhưng tôi nghĩ có thể tạm coi là thành công, đặc biệt là nhờ vào sự hỗ trợ mạnh mẽ từ mạng lưới giám đốc quốc gia.

CEO Miss Cosmo kể chuyện nhiều lần bị 'gạ' bán giải - 4

 

- Vậy việc nhiều người nói hoa hậu hiện nay chỉ là để làm giàu cho các đơn vị sản xuất, anh nghĩ sao?

Trong bất kỳ mô hình kinh doanh nào, sản phẩm phải mang lại giá trị cho đơn vị kinh doanh. Đó là một bài toán kinh doanh, nhưng nếu sản phẩm chỉ làm giàu cho nhà sản xuất mà không tạo giá trị cho cộng đồng, cho người tiêu dùng, thì sẽ không thể bền vững. Một cuộc thi hoa hậu phải mang lại giá trị cho nhà đầu tư, khán giả và cộng đồng.

Danh hiệu hoa hậu không chỉ mang lại giá trị cho cá nhân người chiến thắng, mà còn cho cộng đồng và các nhà tài trợ. Nếu một sản phẩm không còn mang lại giá trị cho nhà đầu tư và khán giả, thì chắc chắn sẽ thất bại. Khi đó, thị trường sẽ tự đào thải sản phẩm đó.

- Anh có nghĩ rằng thị trường kinh doanh sắc đẹp hiện nay rất màu mỡ không?

Có! Tôi thấy rằng ngành giải trí Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ và còn rất nhiều tiềm năng. Các lĩnh vực như âm nhạc, điện ảnh, thời trang và hoa hậu đều chưa đạt đỉnh của sự phát triển. 

Mặc dù có thể gọi là "lạm phát", nhưng theo tôi, đây là một mảnh đất màu mỡ đầy tiềm năng, chưa được khai thác hết. Chúng ta vẫn đang trong quá trình chọn lọc, chỉ mới bắt đầu nhìn thấy những "cây giống" chất lượng, và trong tương lai, sẽ có những "bông hoa" nở rộ từ đây.

- Vấn đề "mua giải" thì sao, người ta bàn tới nó rất nhiều. Có việc này xảy ra trong các cuộc thi của anh không?

Hãy nhìn vào góc độ tổ chức một cuộc thi. Nguồn thu của cuộc thi đến từ ba nguồn chính: thứ nhất, từ người tham gia; thứ hai, từ nhà đầu tư, khi họ cộng hưởng thương hiệu; và cuối cùng, từ khán giả, những người thưởng thức "món ăn tinh thần" đó.

Khi xét đến ba đối tượng này, có ba dòng thu nhập khác nhau. Đối với thí sinh, hầu hết các cuộc thi không thu phí tham gia. 

CEO Miss Cosmo kể chuyện nhiều lần bị 'gạ' bán giải - 5

 

Tuy nhiên, với các cuộc thi quốc tế, chúng tôi có thể thu phí bản quyền từ quốc gia cử đại diện tham gia. Sau đó, quốc gia này sẽ tổ chức một phiên bản thu nhỏ của cuộc thi quốc tế, tạo ra một dòng doanh thu. Còn đối với nhà tài trợ, dòng thu đến từ các khoản tài trợ. Cuối cùng, khán giả có thể ủng hộ thông qua việc bình chọn, mua vé hoặc các sản phẩm phụ từ thương hiệu.

Khi công thức nguồn thu bền vững được xác lập và các dòng thu này cộng hưởng với nhau, cuộc thi và đơn vị tổ chức sẽ tồn tại lâu dài. Tuy nhiên, nếu một trong ba yếu tố này không ổn định, nhà tổ chức sẽ gặp khó khăn và phải chọn lựa giữa hai phương án: ngừng tổ chức hoặc đánh đổi một trong ba yếu tố đó. 

Còn việc chọn đánh đổi như thế nào thì tôi không bàn, nhưng chúng tôi luôn làm cuộc thi với mục tiêu sống được bằng nguồn thu đó. Chúng tôi đã tồn tại 16 năm trên thị trường mà không phải dựa vào bất kỳ phương thức hay đánh đổi nào khác.

- Vậy anh có từng bị đặt vấn đề "bán giải"?

Tôi nghĩ rằng mọi nhà tổ chức đều từng đối mặt với tình huống này. Và tôi cũng không ngoại lệ, nhiều người đã từng đặt vấn đề. Tôi nghĩ việc trả lời thẳng thắn ngay từ đầu sẽ giúp tránh được những câu hỏi sau này.

Trong việc kinh doanh của tôi, chuyện mua giải không bao giờ xảy ra. Tôi rất tự tin về điều này và có thể ngồi đây trả lời câu hỏi này một cách thoải mái. 

CEO Miss Cosmo kể chuyện nhiều lần bị 'gạ' bán giải - 6

 

- Với anh, yếu tố lợi nhuận có phải là yếu tố ưu tiên nhất khi tổ chức một cuộc thi?

Là nhà kinh doanh, yếu tố lợi nhuận chắc chắn phải được ưu tiên, nhưng lợi nhuận phải được hiểu theo nghĩa dài hạn. Khi xác định đây là một cuộc đầu tư dài hạn, chúng tôi không thể chỉ chạy theo lợi nhuận ngắn hạn.

Ví dụ, trong năm đầu tiên, nếu chúng tôi muốn thu lợi nhuận ngay thì hoàn toàn có thể, nhưng việc giảm chi phí tổ chức hay chấp nhận các khoản tài trợ từ những đơn vị nhỏ sẽ không phải là chiến lược lâu dài. 

Chúng tôi ưu tiên hợp tác với những đơn vị lớn, mặc dù chi phí thấp hơn. Việc tổ chức một cuộc thi không chỉ dựa vào quy mô lớn và hoành tráng, mà còn cần có công thức hợp lý để tạo sự cạnh tranh bền vững.

Công tác tổ chức bao gồm nhiều yếu tố như việc tuyển chọn thí sinh, làm việc với các nhóm quốc gia, chuẩn bị giải thưởng hấp dẫn để tạo động lực cho thí sinh. Chúng tôi cũng chú trọng tính chuyên nghiệp và minh bạch trong tổ chức, bởi chỉ khi đó, các thí sinh mới tin tưởng và tham gia. Công tác truyền thông cũng cần phải mạnh mẽ và tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tế. 

Cuối cùng, sau khi thí sinh đăng quang, nhiệm kỳ của họ phải tạo được sức ảnh hưởng và tác động tích cực đối với cộng đồng. Tất cả những yếu tố này cộng hưởng với nhau sẽ tạo nên thành công cho cuộc thi.

- Sau mùa đầu tiên thành công, anh có kỳ vọng Miss Cosmo sẽ vượt mặt Miss Grand hay Miss Universe trong tương lai không?

Mỗi người khi làm đều có tham vọng riêng. Khi tham gia một cuộc đua, đương nhiên ai cũng muốn giành chiến thắng. Nhưng điều quan trọng là phải biết lượng sức, biết thời điểm. 

CEO Miss Cosmo kể chuyện nhiều lần bị 'gạ' bán giải - 7

 

Tầm nhìn của tôi là 5 năm, và tôi tin rằng nếu chúng tôi tiếp tục nỗ lực, kết quả sẽ có. Tuy nhiên, không phải lúc nào muốn thắng là có thể thắng ngay được. Điều quan trọng là vẫn phải giữ được tỉnh táo và thực tế trong từng bước đi. Mặc dù vậy, chúng tôi không thể không đặt ra mục tiêu, tham vọng và kỳ vọng cho sự phát triển của Miss Cosmo.

- Sau khi kết thúc Hoa hậu Hoàn vũ 2023 với sự đăng quang của Xuân Hạnh, anh tiết lộ chi phí tổ chức khoảng 50 tỷ đồng. Vậy chi phí tổ chức Miss Cosmo có thể tiết lộ không?

Miss Cosmo tổ chức mỗi sự kiện đều phải làm đi làm lại, mỗi sân khấu đều phải chuẩn bị hai phương án, vì thế chi phí cũng phải tăng lên. Chúng tôi đã gặp một số trở ngại về thời tiết ở sự kiện đầu tiên tại Ninh Bình, và gần như mỗi sự kiện đều phải ghi hình lại, thậm chí phải có phương án B cho sân khấu. 

Đến sự kiện cuối cùng, tình huống tương tự cũng xảy ra. Chính vì vậy, chi phí tổ chức đã vượt quá dự toán ban đầu và là một con số khá lớn, có thể nói gấp đôi.

Chắc chắn là trong năm đầu tiên, lợi nhuận không thể cao, nhưng không có lợi nhuận không đồng nghĩa với lỗ. Khi đã xác định đầu tư dài hạn, việc nhìn thấy lỗ trong năm đầu tiên là điều có thể lường trước. 

Đối với một nhà kinh doanh, chúng tôi luôn có nhiều kịch bản khác nhau. Kịch bản doanh thu trong năm nay chưa thuận lợi vì chi phí vượt quá cao. Mặc dù vậy, chúng tôi rất thực tế và thẳng thắn chia sẻ rằng năm đầu tiên chưa có lãi. Tuy nhiên, một tín hiệu đáng khích lệ là hầu hết các phương án về nguồn thu đều đã đạt được mục tiêu, và chỉ tiếc là công tác quản lý chi phí chưa được tối ưu.

- Trong những năm tiếp theo, anh có tự tin sẽ bù lỗ được không?

Tôi nghĩ là hoàn toàn có khả năng. Khi đã kích hoạt được toàn bộ các phương án thu, cộng với kinh nghiệm ngày càng dày dặn trong tổ chức và quản lý chi phí, tôi tin rằng chúng tôi sẽ có thể phát triển mạnh mẽ hơn. 

Sức ảnh hưởng từ mùa đầu tiên cũng đã giúp chúng tôi nhận được nhiều tín hiệu tích cực từ các đối tác, bản quyền và nhà tài trợ trong tương lai. Chắc chắn là đầu tư bài bản sẽ mang lại kết quả, dù không phải lúc nào cũng ngay lập tức có lãi.

- Các hoa hậu, á hậu sau khi đăng quang, chỉ cần bùng nổ truyền thông một chút là cuộc sống của họ thay đổi. Nhờ các cuộc thi này, nhiều người đổ xô tham gia, nhưng cũng tạo ra vấn đề "lạm phát hoa hậu". Anh nghĩ sao về vấn đề này?

Nếu nhìn từ góc độ người tham gia, việc muốn thay đổi cuộc đời là điều bình thường. Ai cũng muốn bước sang một trang mới tích cực hơn, không ai muốn mãi ở lại trong hoàn cảnh cũ. Vì thế, tôi không nghĩ vấn đề này sai. Mỗi người đều có quyền mong muốn cuộc sống thay đổi và có thêm cơ hội.

Cũng giống như khi bạn tham gia một cuộc thi ca hát, bạn mong muốn thắng và khi thắng, danh hiệu mang lại nhiều cơ hội hơn. Điều này cũng giống với các cuộc thi hoa hậu. Mọi người nhìn vào hoa hậu và thấy rằng danh hiệu này giúp họ đổi đời, mang đến sự nổi tiếng, ảnh hưởng và công nhận. Tuy nhiên, đồng thời cũng có rất nhiều ý kiến trái chiều, có thể là đánh giá ngoại hình hay khả năng của họ.

CEO Miss Cosmo kể chuyện nhiều lần bị 'gạ' bán giải - 8

 

Đôi khi, nếu thí sinh chưa đủ bản lĩnh hay chưa nhận được sự hỗ trợ từ công ty quản lý, khái niệm "đổi đời" có thể bị hiểu theo cách lệch lạc. Nhưng khi thí sinh có định hướng đúng, việc "đổi đời" thực sự có thể là bước ngoặt lớn, mở ra một sứ mệnh mới và nếu làm đúng, họ sẽ tạo ra sức ảnh hưởng tích cực rất lớn.

- Vậy anh nghĩ sao về vấn đề "lạm phát hoa hậu"? Giờ đây, nhiều người nói hoa hậu nhiều hơn người thường, đi đâu cũng thấy hoa hậu.

Nhìn từ góc độ kinh tế, tôi nghĩ lạm phát là một phần của sự phát triển. Một nền kinh tế không thể thiếu chút lạm phát, nhưng quan trọng là phải kiểm soát được. 

Trong lĩnh vực hoa hậu cũng vậy, việc tăng số lượng các cuộc thi là điều dễ hiểu khi Nghị định 01 được ban hành, mở ra cơ hội cho nhiều nhà tổ chức. Dư luận sẽ phản ứng và thị trường sẽ tự điều chỉnh. Sau một thời gian, khi số lượng cuộc thi tăng quá mức, sẽ có những cuộc thi không đạt hiệu quả và tự bị đào thải. Cuối cùng, chỉ những cuộc thi chất lượng, những công ty đủ sức cạnh tranh mới trụ lại.

Nhìn chung, tôi nghĩ lạm phát trong lĩnh vực này là tích cực nếu được kiểm soát, và tôi tin rằng cả các nhà quản lý, khán giả lẫn nhà tài trợ đều nhìn thấy xu hướng đó. Họ sẽ chọn lựa những nơi uy tín để đầu tư.

- Vậy làm sao để kiểm soát được "lạm phát" hoa hậu?

Có hai yếu tố quan trọng trong việc kiểm soát lạm phát này. Thứ nhất là công tác quản lý. Khi dư luận phản ánh về số lượng các cuộc thi, các cơ quan chức năng chắc chắn sẽ phải kiểm soát việc cấp phép chặt chẽ hơn. Các cuộc thi mới ra đời sẽ phải có quy chế và cách thức tổ chức nghiêm ngặt hơn.

Thứ hai, cơ chế kiểm soát hiệu quả là ở thị trường. Các nhà đầu tư và khán giả đều có nhiều lựa chọn. 

Trước đây, có thể chỉ có một vài cuộc thi, nhà đầu tư chỉ có hai lựa chọn. Nhưng giờ đây, sự lựa chọn đã đa dạng hơn. Nếu nhà đầu tư không đủ khả năng chọn cuộc thi A hoặc B, họ sẽ tìm đến những lựa chọn khác. Khán giả cũng vậy, họ chỉ có một khoảng thời gian nhất định mỗi ngày để xem các chương trình giải trí. Trong cuộc cạnh tranh này, quan trọng là phải vươn lên vị trí dẫn đầu.

- Việc tổ chức nhiều cuộc thi như vậy có khiến giá trị của mỗi hoa hậu bị giảm bớt không? Các hoa hậu có phải cạnh tranh với nhau để trở thành "hoa hậu số một" trong lòng khán giả?

Ngày xưa, mọi người nhìn danh hiệu hoa hậu như một hình mẫu khó chạm tới, một cô gái đăng quang sẽ trở thành "gương mặt quốc dân" mà mọi người đều công nhận. Nhưng hiện nay, thời đại đã thay đổi. Dù có một vương miện và danh hiệu, nhưng để có được sự yêu mến của công chúng, hoa hậu cần phải chứng minh giá trị qua thời gian và nỗ lực.

Cạnh tranh thúc đẩy phát triển. Các cuộc thi hoa hậu cũng là một phần của nền kinh tế thị trường. 

Điều quan trọng là phải biết lợi thế cạnh tranh của mình là gì, có chiến lược cạnh tranh như thế nào để vươn lên vị trí dẫn đầu. Sự cạnh tranh này sẽ tạo động lực phát triển bền vững cho thị trường hoa hậu. Khi các công ty và người sở hữu danh hiệu cạnh tranh lành mạnh, họ sẽ phát triển tích cực hơn.

CEO Miss Cosmo kể chuyện nhiều lần bị 'gạ' bán giải - 9

 

- Vậy bây giờ anh có nghĩ là "nghề hoa hậu" đã thật sự được công nhận chưa?

Tôi chưa không bao giờ phản đối khái niệm này, đặc biệt khi nói về công tác định hướng và nghề nghiệp cho các hoa hậu. 

Theo từ điển, "Hoa hậu" là một danh hiệu. Nhưng rõ ràng, chỉ sở hữu danh hiệu thôi thì chưa đủ để sống. Cuối cùng, các hoa hậu vẫn phải có một công việc để kiếm sống. Vậy thì họ sẽ gắn danh hiệu của mình với công việc gì để kiếm sống? Không thể chỉ có vương miện mà không có gì nữa.

Để thành công, họ phải lao động, lao động bằng sức ảnh hưởng của mình, phải sáng tạo, tạo nội dung, có tầm ảnh hưởng và giá trị cho cộng đồng.

Thế hệ giải trí mới cũng đã tạo ra rất nhiều điều kiện và sức ép cạnh tranh. Một hoa hậu giờ đây có thể trở thành người có sức ảnh hưởng, một nhà sáng tạo. Họ có thể đa năng, không chỉ tham dự sự kiện hay làm đại sứ thương hiệu, mà còn có thể làm MC, ca sĩ, diễn viên và lấn sân vào nhiều lĩnh vực khác.

Một nền giải trí phát triển mở ra nhiều cơ hội cho các nghệ sĩ đa năng, và đó là hướng đi mà rất nhiều người đang hướng tới.

- Anh nói "nghề hoa hậu" có thể được công nhận, vậy tỷ lệ ăn chia hoa hồng và lợi nhuận khi hoa hậu có hợp đồng với công ty quản lý thế nào?

Mỗi công ty quản lý có cách thức vận hành khác nhau, nên tỷ lệ ăn chia cũng khác nhau. Tôi không thể áp dụng công thức của mình lên tất cả các công ty khác. Tỷ lệ đầu tư vào danh hiệu và công tác quản lý cũng khác nhau giữa các công ty. Đây là bài toán đầu tư.

Công ty có thể áp dụng hình thức trả lương cố định và thêm tỷ lệ thưởng, giống như hợp đồng lao động. Hai bên rõ ràng sẽ có quyền và nghĩa vụ, với mục tiêu chung để đạt được. Khi đạt được mục tiêu, họ sẽ được thưởng theo tỷ lệ thỏa thuận.

Cách thức thứ hai là hợp tác như những đối tác trong một mô hình kinh doanh. Công ty đóng góp tổ chức và đầu tư cho hành trình của hoa hậu, còn hoa hậu đóng góp bằng hình ảnh và sức lao động của mình. Cả hai bên cùng chia sẻ doanh thu sau khi trừ chi phí. Tại Unimedia, chúng tôi áp dụng cả hai hình thức này.

Tôi tin ngành công nghiệp giải trí Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng để phát triển, và còn nhiều mảnh đất cho những người làm việc chân chính. Thị trường sẽ tự chọn lọc được những sản phẩm không bền vững. Tôi tập trung vào sản phẩm của mình, củng cố chất lượng và phát triển bền vững thay vì quan tâm đến những yếu tố tiêu cực.

Thy Huệ - Hà Linh(Thiết kế Huy Mạnh)
Bình luận
vtcnews.vn