(VTC News) - Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn cho biết ông vừa ký văn bản gửi tỉnh Lạng Sơn đề nghị lãnh đạo tỉnh này chỉ đạo cơ quan công an điều tra lại và có biện pháp xử lý nghiêm những người hành hung nhà báo.
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2010 vào chiều 1/4, Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Đỗ Quý Doãn cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông vừa chính thức gửi văn bản tới UBND tỉnh Lạng Sơn yêu cầu chỉ đạo cơ quan công an điều tra lại và xử lý nghiêm những người hành hung nhà báo,.Nhà báo Trần Thế Dũng tại Bệnh viện đa khoa Lạng Sơn sau khi bị hành hung tối 6/1/2010 (Ảnh: NV)
Đề nghị này của Bộ Thông tin và truyền thông nhằm tránh tạo ra tiền lệ xấu cản trở nhà báo tác nghiệp.
Trước đó, ngày 30/3, Hội Nhà báo Việt Nam cũng có văn bản gửi Thường trực Tỉnh ủy Lạng Sơn, Thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn, Công an tỉnh Lạng Sơn, Công an huyện Cao Lộc về việc đề nghị xem xét kết quả điều tra vụ hành hung, cản trở nhà báo Trần Thế Dũng.
Theo văn bản của Hội Nhà báo Việt Nam, ngày 8/1/2010, Hội Nhà báo VN đã có công văn đề nghị lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Công an tỉnh Lạng Sơn chỉ đạo điều tra, xác minh, xử lý các đối tượng tham gia hành hung nhà báo Trần Thế Dũng (Báo Người lao động TPHCM) trong khi đang tác nghiệp tại địa bàn thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn. Tuy nhiên, đến nay Hội Nhà báo VN chưa nhận được ý kiến phúc đáp của các cơ quan chức năng tỉnh Lạng Sơn thông báo kết luận về vấn đề trên.
Từ Thông báo kết quả điều tra vụ việc của cơ quan CSĐT công an huyện Cao Lộc (do Báo Người lao động cung cấp), Hội Nhà báo Việt Nam nhận định, nhà báo Trần Thế Dũng bị hành hung khi vừa thực hiện nhiệm vụ của Ban Biên tập điều tra vụ việc tiêu cực trên địa bàn, bị các đối tượng trả thù chứ không phải do mâu thuẫn hay hiềm khíc cá nhân. Việc côn đồ hành hung nhà báo Trần Thế Dũng có những dấu hiệu liên quan đến lý do công vụ của nhà báo. Vì thế, nội dung thông báo kết quả điều tra chưa thể hiện rõ được bản chất vụ việc.
Cùng với đó, kết quả điều tra chưa làm rõ trách nhiệm của các đối tượng phạm tội, việc tiến hành xác định tỷ lệ thương tích của nạn nhân quá chậm trễ dẫn đến kết quả giám định không thuyết phục.
Hội Nhà báo Việt Nam cũng cho rằng, cơ quan điều tra chỉ xác định được một đối tượng trong khi đó thông tin của nạn nhân và nhân chứng cung cấp thì có nhiều đối tượng tham gia hành hung; tính chất côn đồ thách thức pháp luật của các đối tượng phạm pháp cũng chưa được làm rõ, thể hiện trong thông báo.
Việc cơ quan điều tra Công an huyện Cao Lộc ra thông báo kết luận: Không khởi tố vụ án hình sự đối với vụ cố ý gây thương tích phóng viên Trần Thế Dũng đã gây phản ứng phẫn nộ trong dư luận báo chí và nhân dân cả nước.
Do đó, Hội Nhà báo VN đề nghị lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND, Công an tỉnh Lạng Sơn chỉ đạo xem xét kết quả điều tra, làm rõ bản chất vụ việc trên cơ sở đánh giá đầy đủ, khách quan các yếu tố liên quan đến vụ việc, đưa ra truy tố trước pháp luật tất cả những đối tượng đã tham gia hành hung nhà báo và xử lý nghiêm minh bất cứ cán bộ, công chức nào nếu có biểu hiện thiếu trách nhiệm hoặc bao che cho tội phạm.
Kiều Minh
Bình luận