(VTC News) – Theo một chuyên gia y học phóng xạ, lo lắng nếu có (rất hãn hữu xảy ra) là ở các loài cá ngoài biển. Nhưng hiện tại, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam chưa phát hiện các đồng vị phóng xạ có nguồn gốc từ sự cố Fukushima.
Bầu trời TP HCM có thêm đồng vị phóng xạ mà nhiều nơi khác chưa thấy. Ảnh chỉ mang tính minh họa
Tối 9/4, Tổ Công tác xử lý thông tin sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima I của Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục thông báo kết quả theo dõi. Theo đó, cuối ngày 9/4 đám mây phóng xạ vào Việt Nam và có thể tồn tại ở Đông Nam Á vài ngày.
Nồng độ hạt nhân phóng xạ sẽ giảm dần theo thời gian. Đám mây phóng xạ mạnh nhất được dự đoán sẽ phân tán rất nhanh trong ngày 9 và 10/4.
Trong son khí ở Đà Lạt và Ninh Thuận, ngoài các đồng vị phóng xạ tự nhiên là Be-7 (có nguồn gốc từ tia vũ trụ), K-40, Th-232 và U-238 (có nguồn gốc từ bụi đất), còn tiếp tục ghi nhận được đồng vị phóng xạ nhân tạo là: I-131. Ở TPHCM còn ghi nhận được các đồng vị phóng xạ nhân tạo là I-131, Cs-134 và Cs-137.
Bảng sau sẽ thấy ở TPHCM có thêm đồng vị phóng xạ Cs - 134 mà nơi khác không có:
Chỉ tiêu / đơn vị tính | Hoạt độ riêng | Mức phông/ Ngưỡng phát hiện | ||
Đà Lạt (8/4 - 9/4) Thể tích mẫu: 61260 m3 | TP HCM (6/4 - 8/4) Thể tích mẫu: 16565 m3 | Ninh Thuận (5/4 - 7/4) Thể tích mẫu: 5000 m3 | ||
I-131 (μBq/m3) | 68,0 ± 19,1 | 49,2 ± 14,5 | 41,3 ± 12.2 | NPH: 0,5 μBq/m3 |
Cs-134 (μBq/m3) | Không phát hiện thấy | 3,4 ± 1,8 | Không phát hiện thấy | NPH: 0,5 μBq/m3 |
Cs-137 (μBq/m3) | Không phát hiện thấy | 3,8 ± 2,0 | Không phát hiện thấy | NPH: 0,5 μBq/m3 |
(Nguồn: Bộ Khoa học và Công nghệ)
Các chuyên gia Cục An toàn phóng xạ và hạt nhân tiếp tục khẳng định, hàm lượng phóng xạ như trên là rất nhỏ, không ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Theo tính toán, kể cả nguồn phóng xạ mạnh nhất này “chiếu” trong một năm ở Việt Nam thì lượng hấp thụ của người dân nước ta còn thấp hơn 6 lần lượng phóng xạ mà trung bình mỗi người dân Brazil nhận được mỗi năm (do phông môi trường ở nước ngày cao).
Tuy nhiên, theo một chuyên gia y học phóng xạ, lo lắng nếu có (rất hãn hữu xảy ra) là ở các loài cá ngoài biển. Theo CNN, một chuyên gia hạt nhân của Mỹ nhận định, các sinh vật phù du trong biển sẽ hấp thụ phóng xạ Cesium – 137, cá ăn sinh vật phù du, cá lớn lại ăn cá bé…làm cho sự tập trung Cesium cao hơn trong chuỗi thức ăn đó.
Nhưng hiện tại, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam đã tiến hành phân tích một số mẫu nước biển của Việt Nam và chưa phát hiện các đồng vị phóng xạ có nguồn gốc từ sự cố Fukushima.
Phương Đông
Bình luận